Saturday, October 1, 2011

TRUNG QUỐC ĐANG LO SỢ

Ngày 01.10.2011

HS: TIẾP TỤC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH CỦA ĐÀI ĐÁP LỜI SÔNG NÚI, MỜI QUÝ THÍNH GIẢ NGHE BÀI BÌNH LUẬN CỦA NHÀ BÁO NGÔ NHÂN DỤNG VỚI CHỦ ĐỀ “TRUNG QUỐC ĐANG LO SỢ”. BÀI NÀY ĐÃ ĐĂNG TRÊN BÁO NGƯỜI VIỆT TẠI CALIFORNIA SỐ PHÁT HÀNH NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 2011. NHÀ BÁO NGÔ NHÂN DỤNG LÀ BỈNH BÚT CỦA TỜ NGƯỜI VIỆT.    

Muốn biết một quốc gia mạnh yếu ra sao thì chúng ta có thể xem họ đang sợ những cái gì. Nếu một chính quyền sợ những thứ rất nhỏ, thì không thể coi là họ mạnh được. Ở trong nước, một chữ Hoa Nhài mà Bắc Kinh cũng sợ, cũng kiểm duyệt. Kiểm duyệt khi viết những tên Tây Tạng, Uighur. Họ bắt giam họa sĩ Ngải Vị Vị, dọa truy tố, y như cộng sản Hà Nội gán ghép Ðiếu Cày – Nguyễn Văn Hải về tội trốn thuế và bắt giam nhà báo tự do này.

Tại sao họ phải sợ những cá nhân đó? Bởi vì họ biết nhiều người Tàu đang theo dõi các cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Ai Cập, ở Syria. Và hàng trăm triệu người Trung Quốc không biết lúc nào nổi lên đòi hỏi dân chủ. Các lãnh tụ Trung quốc đang ngồi trên một thùng thuốc súng. Không biết một biến cố nho nhỏ bất ngờ nào sẽ bật ngòi cho nó phát nổ. Khi sợ hãi, họ quay ra đánh lung tung, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Trên mặt ngoại giao, Trung Quốc cũng đang chống phá lung tung. Trong mấy tuần nay Bắc Kinh lên tiếng cực lực đả kích Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ.
Bắc Kinh đã ồn ào phản đối việc công ty Ấn Ðộ Videsh định mở cuộc thăm dò dầu lửa ngoài khơi Việt Nam. Trước đây, những công ty Chevron, Petronas-Carigali, British Petroleum, Santos đã rút lui ngay sau khi bị đe dọa. Bây giờ Ấn Ðộ đã dứt khoát nói rằng việc cộng tác tìm dầu với Việt Nam là theo đúng luật lệ quốc tế. Chevron và BP có những vụ làm ăn ở bên Tàu cho nên không dám đụng, khiến Bắc Kinh tưởng dọa ai cũng được. Bây giờ đụng với công ty Ấn Ðộ thì Trung Quốc mới được một bài học.
Một nhà phân tích chính trị Trung Quốc là ông Mã Gia Lệ đã diễn tả đúng tâm trạng lãnh đạo cộng sản Trung quốc. Ông Mã Gia Lệ nói rằng ông cảm thấy Ấn Ðộ muốn phát triển những quan hệ chiến lược với Việt Nam để đương đầu với Trung Quốc. Ông nói chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc. Nhiều nước đang muốn liên minh chống Trung Quốc. Và nếu Ấn Ðộ cũng theo con đường đó thì sẽ không tốt cho Trung Quốc.
Cũng liên quan đến vấn đề liên minh giữa các quốc gia để đối phó với Trung Quốc, cựu ngoại trưởng Nhật Yuriko Koike viết trên nhật báo Japan Times vào tháng Sáu năm nay, nói rằng thái độ hung hăng của Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nước Á châu phải tìm cách liên minh, với hậu thuẫn của Mỹ, thay vì bị rơi vào một hệ thống do Trung Quốc đứng đầu. Bà Yuriko Koike nhấn mạnh rằng, Nhật Bản cần coi việc liên kết với các quốc gia tự do dân chủ trong vùng, như Ấn Ðộ, Nam Hàn, Indonesia là ưu tiên số một.
Công ty Ấn Ðộ Videsh không sợ Trung quốc dọa nạt và cứ tiếp tục tìm dầu đã kích thích nỗi sợ hãi của cộng sản Bắc Kinh. Lần đầu tiên, miếng võ đe dọa của Trung quốc mất hiệu lực. Tại sao các công ty Chevron nhượng bộ ngay mà Videsh không sợ? Chắc vì quyền lợi của Chevron ở Trung Quốc lớn quá, họ không muốn gây chuyện làm hỏng việc làm ăn. Chính phủ Mỹ cũng hùa theo, tuyên bố chính sách không can dự vào những hòn đảo trong vùng biển đang tranh chấp.
Còn công ty Ấn Ðộ Videsh chắc không có quyền lợi nào đáng kể mà lo bị mất. Vì thế chính phủ Ấn Ðộ mới làm cứng. Và Bắc Kinh hoảng sợ. Cuối tháng Mười này sẽ có cuộc họp lần thứ 15 giữa Trung quốc và Ấn độ để bàn về các tranh chấp biên giới; không biết Bắc Kinh sẽ nhượng bộ gì để đổi lại Ấn Ðộ ngưng tìm dầu trong vùng biển Việt Nam hay không?
Một lần nữa, trong việc ngoại giao không có nước nào là bạn, cũng không coi ai là kẻ thù. Tất cả hoàn toàn đặt trên quyền lợi quốc gia. Mai mốt, nếu công ty Videsh thành công, bắt đầu khai thác dầu ở ngoài khơi Việt Nam, các công ty quốc tế khác sẽ cứ theo tiền lệ đó mà làm!
Nhưng nguyên nhân gây ra nỗi sợ của Bắc Kinh trong vụ công ty Videsh bướng bỉnh không phải vì họ lo sẽ có chiến tranh với Ấn Ðộ. Mặc dù Trung quốc và Ấn Độ đã từng đánh nhau nhiều lần vì tranh chấp chuyện biên giới. Và mới đây, Ấn Ðộ đồng ý bán cả hỏa tiễn cho Việt Nam, chọc tức Bắc Kinh hơn nữa.
Nỗi sợ của Trung Quốc chính là vì lo thế giới sẽ nhảy vào can gián. Muốn can gián Ấn Ðộ và Trung Quốc trong vụ tìm dầu này, mọi người sẽ phải đặt câu hỏi quần đảo Hoàng Sa thực ra thuộc nước nào? Khi đó, Trung Quốc biết họ sẽ đuối lý. Cuối cùng, một vụ tranh chấp chủ quyền sẽ được đề nghị đưa cho một hội đồng hòa giải hay một phiên tòa quốc tế phân xử. Khi đó, các chứng cớ rằng Việt Nam là chủ nhân của quần đảo Hoàng Sa hiển nhiên quá, Bắc Kinh không thể nào cãi lại được!
Trong lúc này Trung Quốc đang có nhiều mối lo ngoại giao, không mong bị thêm rắc rối. Chính phủ Obama vẫn cứ bán thêm máy bay cho Ðài Loan, mặc dù Bắc Kinh phản đối. Thượng viện Mỹ đang làm một dự luật “trừng phạt kinh tế” Trung Quốc với tội cố ý giữ đồng tiền nước họ thấp quá so với Mỹ kim để có lợi bán hàng rẻ sang Mỹ.
Năm tới dân Mỹ sắp bỏ phiếu, cả quốc hội lẫn tổng thống đều muốn tỏ ra cứng rắn với Trung quốc để mong kiếm lá phiếu của dân! Ðúng lúc này thì công ty Videsh và chính quyền Ấn Ðộ lại gây thêm chuyện, không chịu làm láng giềng hữu nghị với Trung quốc! Ðó là một mối lo gan ruột của Trung quốc!
Ngô Nhân Dụng  

No comments:

Post a Comment