Sunday, October 9, 2011

CSTQ VÀ CSVN: MỘT ÂM MƯU HIỂM ÐỘC

Ngày 08.10.2011
HS: Một trong những âm mưu thâm độc nhất của bá quyền Đại Hán cộng sản là phải dựng lên một tập đoàn bù nhìn ở VN để dễ bề thôn tính đất nước Đại Việt. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, nói về âm mưu hiểm độc đó của Trung Cộng , qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Gần đây, thế giới chú ý nhiều đến những lời phát biểu của Trung Tướng Trung Quốc, Lưu Á Châu, đã phê bình nặng nề về những yếu tố tiêu cực của nền văn hóa truyền thống Trung Hoa và ca ngợi nền văn minh Hoa Kỳ. Phần lớn các bình luận gia đều cho rằng, Lưu Á Châu là một lãnh đạo cấp tiến của Trung Quốc, sự kiện ông được quyền công khai phát biểu như trên, một phần nào nói lên khía cạnh cởi mở của nền chính trị Trung Hoa.

Chúng ta có thể đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của Tướng Lưu Á Châu nhưng những nhận xét của ông ta có liên hệ đến Việt Nam là điều mà chúng ta cần lưu tâm. Ông này tuyên bố một câu như sau: -
"Trung Quốc không có tư tưởng gia mà chỉ có mưu lược gia. Hegel nói Trung Quốc không có triết học. Tôi cho rằng, mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào."
Khi ông tuyên bố như trên, đương nhiên nhiều học giả TQ không đồng ý. Họ không biết phải lý giải làm sao với di sản của Khổng Tử (Thuyết Đức Trị), Lão Tử (thuyết Vô Vi), Mặc Tử (thuyết Kiêm Ái) và Tuân Tử (thuyết Pháp Trị). Họ cũng không biết bỏ đi đâu tư tưởng của Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình mà chính đảng CSTQ đang tôn sùng.
Nhưng tại sao ông tướng này chưa bị bỏ tù? Ðó là vì thế lực của ông trong đảng rất lớn. Ông là Chính ủy Đại Học Quốc Phòng TQ và là con rể của nguyên Chủ tịch nước, Lý Tiên Niệm. Đảng CSTQ cũng tự tin và có viễn kiến hơn CSVN rất nhiều. Ngay từ những ngày đầu phục chức và tiến hành cải cách kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã dự phóng một tiến trình dân chủ hóa tiệm tiến cho Trung Hoa.
Tướng Lưu Á Châu nói thêm:
"Trong 10 năm tới, tại Trung quốc, một sự chuyển đổi từ chính trị của vũ lực, chính trị của cường quyền, sang dân chủ, là điều không thể tránh khỏi..."
Trung Hoa có rất nhiều nhà mưu lược thâm hiểm. Theo sự phân tích của họ Lưu, khi Đặng Tiểu Bình xua quân xâm chiếm Việt Nam vào năm 1979 có 2 mục tiêu chính: Một là dùng uy lực quân sự để kiểm soát sự chống đối của bè đảng tứ nhân bang bên trong. Hai là mua lòng Hoa Kỳ, như là đối tác và cũng là nguồn ngọai tệ đầu tư quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế trước mắt. Lúc ấy, Hoa Kỳ vừa thảm bại tại Việt Nam và đang căm thù Hà Nội. Cũng theo lời họ Lưu, sau cuộc chiến Việt -Trung đó, Hoa Kỳ đã trả ơn bằng cách ào ạt đổ vốn đầu tư vào Trung Quốc.
Các chiến lược gia TQ đều biết rằng, mộng bá quyền của họ sẽ gặp trở ngại kinh hoàng nếu phía Nam có một nuớc Việt gần 100 triệu dân, có nền dân chủ chân chính như Nhật Bản hay Nam Hàn, với kinh tế và lực lượng quân sự tương xứng. Thế nên, chiến lược của họ một mặt là dân chủ hóa xã hội, phát triển kinh tế và quân sự tại TQ. Mặt khác, tích cực ủng hộ các thành phần bảo thủ và ngu ngơ nhất trong đảng CSVN, để những thành phần này nắm các chức vụ trọng yếu tại Việt Nam, như: tổng bí thư đảng, thủ tướng chính phủ, bộ trưởng công an, đặc biệt các chức vụ then chốt trong bộ quốc phòng Việt Nam.
Châm ngôn của các mưu thần TQ trong tương quan Việt-Trung là quyền lợi TQ nằm trong quốc sách, ủng hộ và duy trì tại chức một đảng CSVN bảo thủ, tham nhũng và ngu si.
Nhìn các thành quả vượt bực về kinh tế của Trung Quốc và sự thất bại ê chề về kinh tế và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể kết luận rằng, chiến lược hiểm độc này của TQ đã thành công mỹ mãn. Trong tương quan giữa hai nước, thế của Việt Nam ngày càng suy yếu, trái lại thế của Trung Quốc ngày càng cường thịnh.
Mưu đồ của TQ tuy nham hiểm, nhưng không dấu được ai trong thời đại tin học. Ngày hôm nay một người dân bình thường cũng hiểu được, bao lâu mà đảng CSVN còn, thì ngày ấy nước chúng ta càng suy vi và các lãnh đạo chóp bu Việt Nam vẫn là đầy tớ trung thành, dễ bảo của siêu cường TQ.
Đà Giang
1/10/2011

No comments:

Post a Comment