Monday, October 31, 2011

KẺ NÀO NÊN XẤU HỔ?

Ngày 31.10.2011

HS: Tình trạng suy thoái về đạo đức trong xã hội VN đã lên đến mức báo động, mà rất nhiều người vẫn còn tìm cách né tránh trong việc vạch trần nguyên nhân dẫn đến thảm trạng này. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Kẻ nào nên xấu hổ?" của LLDTCNTQ, nhận định về lý do vì sao dẫn đến tình trạng đó, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trên tờ báo điện tử Bee, tức Con Ong, vào tuần qua có một bài viết mang tựa đề là "Che mặt xấu hổ vì hôi của", nội dung nói rằng dư luận trong nước rất xấu hổ trước các vụ người qua đường đã nhào vào hôi của, thay vì cứu giúp những người bị tai nạn.

Bài báo nêu ra một loạt các vụ "hôi của" khi người dân đua nhau nhặt lượm những chai tương ới, chôm chôm, dưa hấu hay các chai bia khi các xe tải bị lật ngang trên đường. Thậm chí họ còn nhào vào giành giật và cướp hàng khi ngôi chợ ở thành phố Vinh bốc cháy, hay chỉ lo nhặt nhạnh những tờ giấy bạc văng ra từ một chiếc xách tay của một nạn nhân bị tai nạn giao thông ở Sài Gòn.
Dĩ nhiên những hành động ấy là đáng xấu hổ ở một đất nước tự hào là có gần 5000 năm văn hiến. Những hành động đó không chỉ trái với đạo lý mà còn là trái pháp luật như sự phân tích trong bài viết. Và để giải thích về những hành động này, trên tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện nói một cách đơn giản là vì người ta thiếu lòng tin.
Theo ông Điện thì khi không ai còn tin ai, kể cả hệ thống pháp luật, thì các tiêu chuẩn về đạo đức sẽ bị xếp xó. Thay vào đó là quy luật hoang dã "mạnh được, yếu thua". Người ta sẽ giẫm đạp lên nhau ở nơi công cộng để mua vé hay để mua bánh mì, để giành đường, kể cả vượt đèn đỏ hay leo lên vỉa hè. Họ cũng sẽ tìm cách thu gom của cải nhiều nhất về cho mình. Mà với kiểu sống đó, theo ông Điện, thì ai chậm chân đến sau sẽ chẳng còn gì để mà hưởng.
Và để kết luận, ông Điện cho rằng nhà chức trách phải là người đi đầu trong việc xây dựng và củng cố lòng tin đó. Trước hết là phải tỏ ra mẫu mực, phải tôn trọng các chuẩn mực do xã hội đề ra, cũng như phải xử trị nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật. Theo ông thì chỉ cần giới hữu trách đang nắm quyền lực, tức các quan chức, biết làm gương thì cả xã hội sẽ noi gương theo.
Không biết ông Điện lấy bằng tiến sĩ về ngành gì, nhưng với cách trình bày của ông, người ta có thể đoán ra là tâm lý học hay xã hội học, chứ không phải ngành "xây dựng đảng". Những phân tích của ông là đúng, nhưng chưa đủ và chỉ có tính cách chung chung. Điều này cũng dễ hiểu vì ông cũng phải thủ thân trong một xã hội mà những lời nói chân thật có thể dẫn đến việc đi tù hay bị trù dập, không những mất đi miếng cơm manh áo mà còn là cả sinh mạng.
Nhưng một xã hội mà quy luật "mạnh được yếu thua" lên ngôi như lời ông Điện thì không còn đơn giản là chuyện mất niềm tin, mà phải gọi đó là một xã hội vô nhân tính. Các tiền nhân Việt đã dựng nước và giữ nước hơn 4 ngàn năm qua chứ đâu phải là các bộ tộc hoang dã vừa được kết hợp để thành lập một đất nước? Đã có thời mà đất nước Đại Việt cực thịnh đến độ nhà Tống bên Tàu phải cử phái đoàn sang học hỏi cách trị quốc của vua quan nhà Lý thì tại sao bây giờ các tiêu chuẩn về đạo đức lại bị xếp xó như nhận định của ông Điện?
Ngay cả trong thời kỳ Pháp thuộc, truyền thống đạo đức bị lung lay nặng nề, nhưng xã hội VN có suy vi điên đảo như thời bây giờ hay không?
Câu trả lời là không. Vì miền Nam trong 21 năm sống dưới các chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một bằng chứng điển hình cho truyền thống "tôn sư trọng đạo", "giấy rách phải giữ lấy lề" và trên hết là "tiên học lễ, hậu học văn". Không ai phủ nhận là chế độ miền Nam cũng có tham nhũng, cũng có chuyện giết người cướp của, trò đánh thầy... nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, chứ không phải là chuyện thường ngày ở huyện như trong xã hội VN hiện nay. Và đừng quên rằng, vào thời đó miền Nam phải vừa chiến đấu vừa xây dựng, với hàng loạt cầu cống, bệnh viện và trường học vẫn còn đứng vững cho đến hôm nay.
Nói một cách tóm tắt là không cần phải có tấm bằng tiến sĩ, người ta mới có thể khẳng định được rằng: chế độ nào thì xã hội đó. Một chế độ mà giới lãnh đạo chuyên ăn gian nói dối, mua quan bán tước, và sẵn sàng bán cả tài nguyên và đất đai cho ngoại bang để làm giàu, thì không thể đòi hỏi một xã hội cư xử với nhau bằng tình người và nghĩa làm người.
Không ai có thể sống được một cách thánh thiện trong một xã hội mà đảng cầm quyền ngồi xổm trên hiến pháp, hành xử bằng luật rừng nhưng lại ra rả hô hào người dân phải sống theo "pháp luật". Tại sao lại lớn tiếng đe dọa trừng trị những người cùng khổ khi họ ăn cắp vài chai tương ớt hay vài trái dưa hấu lăn lóc trên đường, trong khi 4 tỷ rưỡi Mỹ kim bị thất thoát trong vụ chìm tàu Vinashin thì không một bộ trưởng nào bị trừng phạt?
Ai là kẻ nên che mặt xấu hổ trước những vụ "hôi của" tày trời đó, nếu không phải là đảng CSVN?
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment