Thursday, October 27, 2011

MINH QUÂN VÀ HÔN QUÂN

Ngày 26.10.2011
HS: Cuộc cách mạng ở Libya đã kết thúc với cái chết thê thảm của nhà độc tài Gaddafi, gây tranh cãi rất nhiều trong mấy ngày qua. Nguyên nhân nào đã dẫn đến chuyện đó? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Minh quân và hôn quân" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Cái chết của Gaddafi đã khép lại một trang sử đau khổ và tủi nhục của người dân Libya, nhưng sẽ để lại thêm nhiều bài học cho nhân loại.
Bài học đầu tiên là không một chế độ nào, dù độc tài hay dân chủ, có thể đứng vững được nếu làm mất lòng dân. Bài học này dễ dàng được kiểm chứng trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, và từ đông sang tây. Tiền nhân Việt đã nhìn thấy được điều đó qua việc ví von dân là "nước" và chế độ là "thuyền". Nước đẩy thuyền đi tới nhưng nước cũng có thể làm lật thuyền.

Chính vì thế, bài học thứ nhì cho mọi thể chế và chính quyền là phải thể hiện đúng nghĩa phương châm "vì dân, do dân và của dân" chứ không phải là những khẩu hiệu được hô hào suông trên của miệng của các quan chức hay đảng viên. Phương Đông có câu "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", thì phương Tây cũng có câu "vox populi", tức "ý dân là ý trời". Một khi lòng dân đã quyết thì đó là lúc mà một triều đại mới sẽ ra đời, thay cho một chính quyền đã băng hoại.
Rất tiếc là các bài học này không được nhiều giới lãnh đạo nắm hiểu, hay cố tình không hiểu sau khi lên cầm quyền. Trung úy Gaddafi đã tổ chức thành công một cuộc đảo chánh vào 42 năm trước, nên tự cho là mình nắm được thiên mệnh và toàn quyền áp đặt ý chí của mình lên đầu dân tộc Libya.
Điều đáng nói là với vị thế chiến lược và nguồn dầu hỏa dồi dào, Muammar Gaddafi có thể cầm quyền cho đến mãn đời nếu thật sự là một vị minh quân. Với hàng chục tỷ Mỹ kim thu về mỗi năm, 6 triệu dân Libya có thể sống một cách thừa thãi về vật chất như Saudi Arabia. Thế nhưng nguồn tiền đó gần như chảy hết vào túi gia đình và bộ tộc của Gaddafi, thay vì được đầu tư vào các lãnh vực giao thông, giáo dục và y tế. Những cung điện tráng lệ được xây dựng, thay vì những bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng.
Tệ hơn thế nữa, Libya lại trở thành một vùng đất nuôi dưỡng và đào tạo những nhóm khủng bố trên thế giới, chỉ vì tham vọng điên cuồng của Gaddafi là muốn thống trị toàn khối Ả Rập, hay ít nhất thì cũng làm bá chủ vùng Bắc Phi. Cũng may là đất nước Libya không có những khoa học gia về ngành vật lý, nếu không thì Gaddafi cũng đã thiết lập chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử, tương tự như Bắc Hàn.
Nếu như Gaddafi xuất thân là một kẻ bần hàn thì không có đáng nói. Ngược lại y đến từ một gia đình quyền quý với người cha được xem là một vị thánh tử đạo trong cuộc chiến giành độc lập từ tay người Ý, và được tuyển chọn vào trường võ bị quốc gia, và sau đó từng đi tu nghiệp ở nhiều quốc gia Âu châu, đặc biệt là trường võ bị ở Anh.
Thế thì tại sao từ một sĩ quan có học thức, và từ một người hùng trong cuộc đảo chánh 1969, lại trở thành một hôn quân tham lam và độc ác chỉ trong vài thập niên sau đó? May ra chỉ có đấng Allah của y mới trả lời được câu hỏi này, vì rất nhiều nhà lãnh đạo độc tài ở Phi Châu và Trung Đông cũng cư xử y hệt như Gaddafi.
Tất cả đều lên cầm quyền ở những quốc gia rất giàu có, sau đó chỉ biết vơ vét tài nguyên đất nước để bỏ túi, và bỏ chạy khi có biến động. Họ phải sống lưu vong ở hải ngoại hay bị săn đuổi như những con thú. Nhưng dù còn sống hay chết thì họ vẫn bị nguyền rủa đến ngàn đời, con cháu khó có thể ngẩng mặt lên nhìn đời.
Nhưng tại sao vừa muốn cầm quyền lâu dài, lại phải vơ vét cho đầy túi để làm gi? Nếu thật tâm cải thiện đời sống người dân, ông Gaddafi có thể trị vì cho đến cuối đời mà không phải lo sợ người dân bỏ phiếu truất phế mình. Các Tiểu vương quốc Ả Rập là một bằng chứng hùng hồn cho sự lựa chọn khôn ngoan của những vị tiểu vương ở nước đó. Họ đã tận dụng nguồn tài nguyên dầu hỏa để biến các vùng sa mạc khô cằn thành những vùng đất xinh tươi, điển hình như thành phố Dubai được xem là hiện đại nhất thế giới.
Cái ranh giới giữa một minh quân và hôn quân là ở chỗ đó. Họ có thể là những kẻ độc tài, nhưng có tham vọng biến đất nước mình thành một thiên đàng đáng sống, chứ không phải chỉ để phục vụ riêng cho gia đình hay dòng tộc mình. Bản chất độc tài của Phác Chính Hy ở Nam Hàn hoàn toàn tương phản với nhà độc tài Kim Nhật Thành của Bắc Hàn. Ông Lý Quang Diệu của Singapore cũng là một nhà độc tài, nhưng mãi mãi sẽ được người dân ở đảo quốc này nhớ đến công ơn vì đã mang lại sự phồn thịnh và giàu sang cho họ.
Lưu danh thiên cổ, hay lưu xú vạn niên, chỉ cách nhau một sợi tóc mong manh. Sau Gaddafi có thể là al-Assad của Syria, Saleh của Yemen và một số chế độ độc tài phi nhân khác, trong đó có Việt Nam.
Nhưng cũng vẫn chưa muộn, nếu các chế độ ấy biết lắng nghe nguyện vọng của dân chúng để an toàn ra đi, hay là phải cải tổ ngay lập tức như Miến Điện đang làm. Cổ nhân Việt gọi các hành động này là "có thức thời mới là người tuấn kiệt'!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment