Saturday, October 22, 2011

Hội Luận: Cái chết của Gaddafi

Ông Trần Quốc Bảo - Luật Sư Nguyễn Văn Đài -Ngày 22.10.2011
Giới thiệu: Đề tài của buổi hội luận hôm nay là cái chết của Gaddafi đã ảnh hưởng tới một số nước Ả Rập và đặc biệt là ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào. Tham gia buổi hội luận hôm nay có ông Trần Quốc Bảo hiện là chủ tịch Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương của Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc và đặc biệt là có luật sư Nguyễn Văn Đài từ Việt Nam là một nhà đấu tranh dân chủ kiên cường đã từng ở tù cộng sản nhiều năm.
Xin chào ông Bảo và xin chào luật sư Nguyễn Văn Đài. Hôm nay thì chúng ta bàn về đề tài về cái chết của Gaddafi, câu hỏi đầu tiên chúng tôi muốn nêu lên để anh em chúng ta cùng thảo luận là Lybia sẽ đi về đâu sau cái chết của Gaddafi là vì những người trung thành với Gaddifi còn đó và đặc biệt là những vũ khí tối tân mà chúng ta chưa kiểm soát hết, và đặc biệt là nền dân chủ còn non nớt sau 42 năm cầm quyền trong bàn tay sắt. Quý anh nghĩ Lybia sẽ đi về đâu?
Ô. Trần Quốc Bảo: Phải nói rằng cái chết của Gaddafi đã lật qua một trang sử mới cho nhân dân Lybia là bởi vì nếu Gaddafi còn sống thì chắc chắn rằng việc đạt đến nền dân chủ thì còn rất nhiều khó khăn vì còn một số người trung thành với Gaddafi vẫn tiếp tục chiến đấu. Nhưng khi Gaddafi nằm xuống thì chắc chắn những nỗ lực ngăn chặn lại cao trào đấu tranh của nhân dân Lybia chấm dứt. Dĩ nhiên là chúng ta cũng thấy rằng trước mặt của nhân dân Lybia thì còn rất nhiều chông gai, trở ngại. Với tình trạng phân hóa nhiều nhóm, nhiều phái, nhiều sắc tộc thì thật sự giai đoạn đấu tranh cho dân chủ trước mặt thì vẫn còn nhiều chông gai.
LS Nguyễn Văn Đài: Theo thông tin mà tôi đọc trên mạng được biết thì phần lớn những người trung thành với ông Gaddafi trước đây thì đã ngã về theo phe nổi dậy từ trước đây rồi, cho nên những người còn lại còn rất ít. Và theo thông tin lúc đoàn xe cuối cùng của Gaddafi bỏ chạy thì đã bị không quân của NATO tiêu diệt đến khoảng trên 50 người. Tôi nghĩ rằng phần lớn những người trung thành với Gaddafi đã đều chết trong cuộc không kích đó. Cho nên việc Gaddafi đã chết rồi sẽ đem lại tương lai rất tốt đẹp cho nhân dân Lybia. Và tôi cũng đánh giá rằng những khó khăn thì chắc chắn sẽ có trước mắt nhưng với sự trợ giúp của liên hiệp quốc, Mỹ và các nước Châu Âu thì chắc chắn rằng Lybia sẽ từng bước ổn định và họ sẽ xây dựng được nền dân chủ rất tốt đẹp, khác xa với những gì mà Gaddafi đã cai trị trong suốt hơn 40 năm qua.
Ô. Ngô Quốc Sĩ: Ảnh hưởng của cái chết của Gaddafi trên "Mùa Xuân Ả Rập" bởi vì chúng ta biết rằng ở Ả Rập thì nền dân chủ đang bùng lên như tại Tsunisi và Ai Cập và hiện giờ là đang tại Yemen và Syrial. Thì các anh có nghĩ rằng cái chết của Gaddafi có làm nên ngọn đuốc dân chủ bừng lên thêm để tạo mùa xuân Ả Rập hay không ạ?
LS Nguyễn Văn Đài: Chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng đến các nước còn lại mà người dân đang nổi dậy như ở Yemen hay Syria thậm chí là cả ở Iran nữa. Cái chết của Gaddafi sẽ đem lại nguồn cảm hứng rất lớn cho những nhà lãnh đạo đối lập ở 3 quốc gia này và họ sẽ lấy nguồn cảm hứng đó cùng với nguồn cảm hứng của người dân thì chắc chắn người dân sẽ tiếp tục con đường mà họ đã và đang đấu tranh đòi dân chủ. Nó cũng còn là bài học cho những nhà lãnh đạo độc tài ở 3 nước đấy vẫn còn cố bám lấy quyền lực của mình đang sử dụng sức mạnh còn có trong tay của họ để đàn áp nhân dân. Họ phải biết kết cục cuối cùng khi họ bị lật đổ thì họ cũng sẽ có cái chết giống như cái chết của Gaddafi.
Tôi đánh giá rằng nó sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến 3 quốc gia còn lại ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Tôi thậm chí cũng nghĩ rằng nó cũng sẽ ảnh hưởng đến những nước khác còn đang ở chế độ độc tài như Algeria hay một số nước khác ở khu vực quanh vùng đó.
Ô. Trần Quốc Bảo: Chúng tôi cũng đồng ý với những nhận xét của anh Nguyễn Văn Đài. Chắc chắn rằng khi Gaddafi đã chết như vậy thì nó là bài học rất lớn và đối với các thể chế độc tài, cá nhân độc tài ở Trung Đông, Tsunisi, Yemen... chắc chắn là một bài học rất rõ ràng và sẽ làm cho những tay này sẽ xét lại vị trí và cách thức hành xử hiện tại.
Về mặt khác thì chắc chắn rằng dân chúng, những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở các quốc gia trong vùng cũng sẽ là một khích lệ và nhìn đó là một thành quả, là một nỗ lực. Dĩ nhiên mỗi nước thì có vài điểm khác nhau, nhất là việc Lybia thành công như vậy cũng là do sự yểm trợ của NATO, của những quốc gia dân chủ. Nhưng phải nói rằng kết quả này rất là đặc biệt và là một khích lệ cho trong vùng.
Ô. Ngô Quốc Sĩ: Chúng ta biết rằng cái chết Gaddafi đã gây một chấn động trên thế giới và hình như là thế giới đã thở phào một cách nhẹ nhõm. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào để phân tích thử phản ứng của thế giới như thế nào và đặc biệt là phản ứng của dân chúng Việt Nam mà chắc luật sư Đài đã ghi nhận trong mấy hôm nay thế nào. Không biết là cuộc cách mạng "Hoa Lài" đó có ảnh hưởng tới Việt Nam để có một mùa xuân Việt Nam hay cuộc cách mạng "Hoa Sen" tại Việt Nam hay không ạ?
Ô. Trần Quốc Bảo: Tôi xin trình bày tóm lược qua về những phản ứng của thế giới trước và chắc chắn về phần Việt Nam thì xin mời luật sư Đài góp ý.
Nói chung là phản ứng của dư luận thế giới, của các chính khách trên thế giới đều rất là thoải mái, phải nói là rất vui mừng khi có tin là Gaddafi đã chết. Bằng chứng là tại Hoa Kỳ tổng thống Obama, ở tại các quốc gia Âu Châu như thủ tướng Anh, tổng thống của Pháp, bà thủ tướng của Đức đều có những phát biểu đánh dấu đây là một bước tiến xa trong tiến trình dân chủ của Lybia và đều cho rằng cái chết của Gaddafi rất xứng đáng với bàn tay sắt, với những tội ác mà đương sự đã làm trong thời gian qua.
Dĩ nhiên tôi cũng thấy có những phản ứng rất đặc biệt, chẳng hạn như nhưng dân biểu, những nhà làm luật của Bỉ thì trình bày rằng họ rất tiếc là Gaddafi đã chết. Đúng ra đương sự phải còn sống để bị kết án trước tòa án về tội ác chống nhân loại.
Nhưng một khía cạnh khác thì Chavez, tổng thống của Venezuela lại có một thái độ ngược lại và than phiền rằng Gaddafi đáng nhẽ ra là người tiếp tục cầm quyền vì chống lại các thế lực của Tây phương nhưng ngày nay đã chết. Đó là phản ứng ngược lại.
Đặc biệt như ngay cả Nga là một nước trước đây đã chống lại việc NATO đem không lực để yểm trợ cho lực lượng dân chủ tại Lybia, thì tổng thống của Nga cũng biểu tỏ lời cầu chúc cho nhân dân của Lybia sớm có được nền dân chủ đích thực.
LS Nguyễn Văn Đài: Tôi sẽ đưa nhận xét từ phía người dân trong nước cũng như qua báo chí của Việt Nam.
Những người sống chung quanh hàng xóm của tôi, những người tôi tình cờ nghe được thì đa số người dân Việt Nam thì rất vui mừng với cái chết của Gaddafi và họ đánh giá rằng ông ta đáng lẽ phải chết từ lâu rồi, chết bây giờ cũng rất xứng đáng nhưng rất muộn đối với nhân dân Lybia. Và họ mong rằng những kẻ độc tài còn lại trên thế giới thì chắc chắn cũng phải chịu chung số phận như Gaddafi. Tôi cũng đọc một số tờ báo nổi tiếng tại Việt Nam trên mạng thì họ bình luận rất khách quan, họ đưa ra đánh giá rằng cái chết của Gaddafi cũng rất xứng đáng và cái chết của Gaddafi cũng sẽ đem lại mùa xuân, tương lại rất tốt đẹp cho nhân dân Lybia. Họ cũng cho rằng trước mắt thì cũng rất khó khăn nhưng chắc chắn rằng với sự giúp đỡ của liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế thì nhân dân Lybia sẽ vượt qua được tất cả những trở ngại, khó khăn trước mắt và họ sẽ đi đến tương lai hoàn toàn tốt đẹp. Đó là những phản ứng tích cực từ người dân trong nước cũng như giới báo chí do đảng CSVN kiểm soát thì họ đều rất vui mừng trước cái chết của Gaddafi.
Theo thông lệ thì vào chiều thứ sáu hàng tuần thì bộ ngoại giao Việt Nam họ có cuộc họp báo, trong đó thì chắc chắn sẽ có những câu hỏi của các nhà báo quốc tế cũng như nhà báo trong nước về tình hình quốc tế cũng như tình hình Việt Nam. Nhưng buổi tối hôm qua tôi có theo dõi truyền hình thì hoàn toàn không thấy có phản ứng của phía Việt Nam về vấn đề này.
Ô. Ngô Quốc Sĩ: trước trào lưu dân chủ toàn cầu bừng lên như vậy chúng ta thấy rằng các chế độ độc tài lần lượt ra đi và các nhà độc tài thì chắc chắn sẽ bị loại trừ, tiêu biểu như Gaddafi ở Lybia. Vậy thì đây có phải là một bài học cho cộng sản Việt Nam và đặc biệt như là một lời cảnh báo để CSVN phải sớm quay về với đại khối dân tộc để làm sao họ được hưởng sự khoan hồng của lịch sử cũng như sự bao dung của dân tộc Việt Nam. Quý vị nghĩ như thế nào?
Ô. Trần Quốc Bảo: Chắc chắn đây là một sự việc rất quan trọng. Nó đã chứng minh rằng mặc dù guồng máy cai trị có sắc máu đến đâu, phương tiện bạo lực có mạnh mẽ đến như thế nào thì ý chí của người dân trước sau cũng thể hiện được. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, vì vậy tôi nghĩ biến cố tại Lybia qua cái chết của ông Gaddafi sẽ là sự cảnh báo rõ ràng cho đảng CSVN rằng guồng máy cai trị của họ dù có cứng như thế nào, chặc chẽ như thế nào thì với sức mạnh của người dân, một ngày nào đó nó cũng sẽ tiêu tan. Dân chúng Việt Nam tôi nghĩ rằng đã quá chán ghét sự đổ máu của chiến tranh nhưng nếu bị dồn vào chân tường thì chắc chắn nó cũng có sự bộc phát mà chúng ta đã thấy nó diễn ra ở tại Lybia. Vì vậy tôi nghĩ rằng đây là một biến cố giúp cho dân chúng Việt Nam nhìn thấy được rằng nếu chúng ta quyết tâm chúng ta có thể quyết định được vận mạng của mình. Và nó cũng là một cảnh báo sâu sắc và quan trọng đối với giới cầm quyền CSVN hiện nay.
LS Nguyễn Văn Đài: Tôi cũng đánh giá rằng đây là một bài học đảng CSVN bởi vì ngay từ khi cuộc cách mạng ở Ai Cập, Tunisia nổ ra sau đó đến Lybia thì trong các kỳ họp của trung ương đảng CS cũng như của ban lãnh đảo chính phủ Việt Nam thì họ đều đánh giá ảnh hưởng của cuộc cách mạng ở Bắc Phi và Trung Đông chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Thực tế thì nó cũng đã diển ra trong suốt những tháng vừa qua, dù rằng các cuộc phản đối của người dân về sự xâm lăng của Trung Quốc nhưng chúng ta đều hiểu rằng bên trong của nó có những sự bất bình của người dân đối với hình thức cai trị của chính quyền một cách độc đoán và phi dân chủ như vậy.
Tôi cho rằng đảng CSVN chắc chắn rằng họ cũng sẽ rất quan tâm, họ cũng phải đánh giá được dư luận cũng như sự ảnh hưởng đến mọi tầng lớp người dân ở trong nước để họ có những đối sách, một là họ phòng thù hai là cải cách.
Qua những thông tin chúng ta cũng chưa biết rằng họ sẽ theo đối sách là phòng thủ để chống lại thay đổi dân chủ ở trong nước hay là họ sẽ theo phương sách là họ sẽ dần dần cải cách để đáp ứng với trào lưu dân chủ hóa trên khắp toàn cầu, cũng như sự hiểu biết và đòi hỏi ngày càng cao của người dân Việt Nam. Chúng ta hãy chờ đợi một thời gian nữa xem thế nào.
Nhưng tôi tin tưởng rằng dù thế nào đi nữa thì sứ mệnh cách mạng thì luôn luôn thuộc về phía quần chúng nhân dân. Sự hiểu biết của người dân Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có đù khả năng để thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ như ở các nước Đông Âu vào thập niên 90, như ở các nước Bắc Phi và Trung Đông trong thời gian qua. Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền chủ động để thực hiện điều đó trước khi ý định thay đổi của nhà nước CNVN.
Ô. Ngô Quốc Sĩ: Xin cám ơn ông Trần Quốc Bảo và luật sư Nguyễn Văn Đài

No comments:

Post a Comment