Wednesday, October 19, 2011

LÁ THƯ CỦA MỘT NGƯ DÂN


Ngày 19.10.2011

HS: Suốt mấy năm qua, rất nhiều tàu thuyền của ngư dân Việt đã bị quân Trung Cộng nổ súng cướp bóc và giam giữ đòi tiền chuộc. Hàng trăm gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu sau những vụ đó. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả lá thư kêu cứu dưới đây do blogger Mẹ Nấm công bố trên mạng, của một ngư phủ may mắn đào thoát được nơi giam giữ của quân Tàu, nhưng đang lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Đầu tháng 9, khi tôi cùng bạn bè ghé thăm gia đình anh Lê Văn Huy, nhân vật chính trong bài báo "Vết thương Hoàng Sa" , thì anh đã theo thuyền bạn đi đánh bắt gần bờ. Khi trở về lại Nha Trang, tôi cứ suy nghĩ hoài về câu nói của chị Tam: "Ngư dân biết lấy gì bám biển nếu Trung Quốc cứ đánh đập và thu hết lưới chài của mình? Như anh mày đó, chạy trốn khỏi Hoàng Sa, bán hết tàu bè đi rồi vẫn còn mắc nợ nhà nước không biết khi nào mới trả được".
Tôi nhận lá thư của anh Huy được gần một tháng, sau nhiều cân nhắc tôi quyết định chia xẻ thư này với mọi người, với hy vọng gia đình anh Huy – chị Tam sẽ nhận được sự trợ giúp từ những người có lòng.
****
Thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Vào một ngày thời tiết tốt, thuyền tôi ra khơi làm nghề lưới chuồn. Trên thuyền có 6 người mà tôi (Lê Văn Huy, sinh năm 1969) làm thuyền trưởng. Thuyền tôi vượt khơi xa từ 2 đến 3 ngày đêm mới đến chỗ làm, đó là khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vào khoảng 11 giờ trưa ngày thứ 3 của chuyến đi, có một chiến hạm Trung Quốc chạy đến nổ súng và ra hiệu bảo tôi phải chặt lưới và bắt số người trên thuyền tới trước mũi ngồi, kẹp hai tay trên đầu. Sau đó chúng đưa tàu tới, dắt thuyền tôi sang thuyền kia.
Cùng lúc đó chúng cũng bắt một chiếc thuyền cùng quê. Lúc này tôi đã mất một giàn nghề 200 tấm lưới. Chúng kẹp hai thuyền lại và đưa người sang thuyền kia chạy về, và kéo thuyền tôi đi vào lúc 2 giờ chiều ngày hôm đó. Khi ấy là cảnh cha bị đưa đi, con được thả về. Con vẫy tay: "Ba ơi con về còn phải kiếm tiền để nuôi mẹ và hai đứa em Ba". Hai cha con cùng òa lên khóc nức nở. Hoàn cảnh lúc bây giờ không cảnh nào thảm bằng lúc này, đi càng xa càng đứt ruột.
Chúng dắt đi khoảng 40 tiếng đồng hồ thì về tới cảng Hải Nam vào lúc 6 giờ chiều. Chúng sang thuyền tôi thu dọn tất cả dụng cụ như máy định vi, máy liên lạc, máy dò và một số dầu nhớt. Rồi bảo tôi qua tàu làm việc để khai rõ quê quán, họ tên. Qua ngày sau chúng chở tôi lên phố điện thoại về nhà bảo gia đình gởi tiền qua nộp phạt 6 ngàn đô la.
Lúc ban đầu còn gạo nên ăn no. Sau đó mỗi ngày chúng cho 2 lon gạo. Tôi ăn hai bữa cháo, một bữa cơm không đủ no. Và mỗi bữa ăn phải chờ sau khi chúng ăn xong, còn những gì thừa cặn chúng đem cho mình mới ăn. Thậm chí nhiều lúc phải nhặt rau rác trôi dạt trên sông để ăn. Ban ngày ngủ còn ngủ được một chút, chứ ban đêm phải thức trắng vì muỗi như ruồi, không thể nào ngủ được.
Tôi đã phải chịu đựng như thế suốt một tháng trời. Mỗi chiều thứ Bảy chúng chở đi điện thoại bảo gia đình gửi tiền qua gấp, nếu không là nhốt tù. Và nhiều lần chúng kêu xuống hầm tàu để tra tấn đánh đập.
Tôi thì lâm vào cảnh bị bắt giữ đói khổ, trong khi gia đình ở nhà thiếu trước hụt sau, mẹ con lần bữa qua ngày vì cuộc sống chỉ nhờ vào chồng con và chiếc thuyền đánh cá đó. Vào đêm 16 tháng sau, khi bọn chúng đi ngủ sớm, tôi bảo anh em trong thuyền chuẩn bị mọi thứ. Đến 11 giờ đêm thì tôi chặt dây trốn thoát. Trên thuyền chỉ có một la bàn. Tôi chạy suốt 4 ngày đêm mới về tới nhà. Trên đường chạy về gặp các thuyền đánh cá của mình thì tôi xin gạo, nước và mấy can dầu đủ chạy vào bờ.
Khoảng 5 giờ sáng tôi về tới nhà kêu cửa. Cả nhà mở cửa cho tôi vào nhà và cùng òa lên khóc. Nhìn đứa con trai nhỏ gãy chân bó bột đang nằm cũng òa lên khóc, tôi quá xúc động vì không ngờ là mình trốn thoát được về nhà. Đông đảo bà con xung quanh chạy tới để chúc mừng.
Niềm vui thật lớn nhưng nỗi buồn cũng lớn vì không mất thuyền nhưng tất cả ngư cụ đều mất trắng. Tôi đành phải bán chiếc thuyền để trả nợ chuyến đi, nhưng cũng vẫn còn nợ của bà con là 10 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiệp là 20 triệu đồng.
Từ ngày tôi bị bắt và đào thoát về được, nhà nước cũng như các cấp xã thôn không hề quan tâm hay trợ giúp được chút gì, đành phải ra gành bắt sò ốc, kiếm bữa ăn qua ngày. Tuổi tôi bây giờ đã lớn, không có phương tiện mưu sinh nên khó trả được các khoản nợ trên, đành bó tay.
Vì vậy hôm nay tôi trình bày sự việc cũng như hoàn cảnh gia đình tôi để mong rằng các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm giúp đỡ tạo điều kiện cho gia đình tôi thoát khỏi cảnh nợ nần và có điều kiện sinh hoạt kiếm sống. Tôi thành thât biết ơn sâu xa, cũng như đẻ tôi ra lần thứ hai. Ngàn đời biết ơn.
Định Tân, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Ngày 23 tháng 08 năm 2011, Âm Lịch
Lê Văn Huy - Mẹ Nấm

No comments:

Post a Comment