Thursday, October 27, 2011

NÓI GÌ VỀ TRƯỜNG SA CHIỀU NAY?

Ngày 27.10.2011
HS: Trước hiểm họa mất nước, không một người Việt nào có thể im lặng được nữa dù đang ở bất cứ phương trời nào, trong nước hay ở hải ngoại. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết "Nói gì về Trường Sa chiều nay" của Nguyễn Đình Đông, qua sự trình bày của anh Hướng Dương.
Dường như bây giờ thì các hải đảo, một phần lãnh thổ của Việt Nam như Trường Sa và Hoàng Sa, đã được người Việt biết đến nhiều rồi. Thật đáng mừng.
Mừng, vì cho đến những năm gần đây còn rất nhiều người trong số người quen, nhất là những người lao động đầu tắt mặt tối, đến Tivi còn không có có thời gian để xem. Một số khác, rất đáng buồn, lại là các trí thức trẻ, sản phẩm của nền giáo dục "nhiều không", đã không biết Trường Sa và Hoàng Sa là đơn vị hành chính của tỉnh nào và thậm chí nhiều em còn không biết Hoàng Sa, Trường Sa ở đâu. Nay thì đã nhiều người biết đến tên các phần lãnh thổ này của đất nước.

Cũng không trách được. Kkhông phải ai cũng có một người cha như cụ thân sinh của tôi nay đã "lên núi". Ngay khi chúng tôi mới 7, 8 tuổi ở trong gian nhà tranh vách nứa hay mái ngói tường gạch, suốt một thời chiến tranh hay sau 1975, luôn có treo hai bức bản đồ to. Một là bản đồ Thế giới, một bản đồ Hành chính Việt Nam, luôn in rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bốn chị em chúng tôi ngay từ nhỏ đã đinh ninh rằng đất nước chúng ta trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, còn Biển Đông thì nghiễm nhiên là của Việt Nam.
Trong rất nhiều cuộc tranh luận, trên rất nhiều diễn đàn, tôi luôn luôn giữ quan điểm "bất biến" là đất nước tôi không thể không có Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy tôi dành cảm tình đặc biệt cho bất cứ người nào, từ anh dân chài Lý Sơn hay ông chủ tịch nước nào đó luôn thẳng thắn nói lên một chân lý: chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Tôi cũng đặc biệt ngưỡng mộ những người đã xuống đường biểu tình "Vì Hoàng Sa, Trường Sa" vừa qua. Trong hàng ngàn gương mặt yêu nước ấy tôi tìm thấy niềm tin của tôi, niềm tin được ba tôi ngầm trao gửi về một Việt Nam không thể thiếu Biển Đông, không thể thiếu Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi cảm phục và cám ơn họ.
Sáng nay nghe nói lãnh sứ quán VN đang vận động "Góp đá cho Trường Sa" mà trong lòng ngổn ngang, không biết phải nói thế nào để mỗi công nhân chịu bớt một ngày lương cho Trường Sa đây. Họ mới "xuất ngoại" sang Nga có đôi ba tuần, trên móng chân còn nguyên phù sa sông Hồng, nhưng phải còng lưng bên bàn máy may công nghiệp để kiếm tiền gửi về cho một hai đứa con nhỏ ở nhà có manh áo ấm mùa đông sắp tới, có cái đèn Trung Thu nay mai. Nhìn những vóc dáng Á Đông nhỏ bé, gầy còm đang khuất chìm trong đống bông vải ngồn ngộn mà thương cho thân phận người phụ nữ Việt Nam.
Sẽ phải nói thế nào với họ chiều nay? Sẽ nói về Trường Sa, về Hoàng Sa, về Biển Đông. Tất nhiên rồi. Nhưng... Sẽ nói thế nào về cái lưỡi bò ? Về lưỡi gươm cướp biển nhưng khắc 16 chữ mạ vàng?
Sẽ phải nói thế nào về lịch sử với những Hải đội Hoàng sa luôn được tế sống và phong danh liệt sĩ trước khi ra đi. Và sẽ phải nói gì về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Anh Ngụy Văn Thà sẽ là liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo của tổ quốc hay chỉ là một tên ngụy bị người "anh em cùng phe" Trung Quốc nổ súng tiêu diệt?
Nói gì về những con sói biển như Mai Phụng Lưu kiên cường bám biển, kiếm sống và ngày đêm làm những cột mốc chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa, bất chấp bọn "tàu lạ" hoành hành, và bất chấp luôn sự vắng bóng một cách "khó hiểu" của lực lượng vũ trang đáng ra phải làm nhiệm vụ giữ yên ngư trường cho dân làm ăn sinh sống.
Đúng. Sẽ phải nói thật, nói hết, về sợi cáp của Tàu Bình Minh, về hơn 6 ngàn đô la ngư dân Quảng Bình mới đây phải gom góp để nộp cho bọn Trung Quốc, chuộc tàu ngay trên biển nhà. Nói hết, về những Hồ Xuân Sơn âm thầm đi đêm với bọn chúng, về Nguyễn Chí Vịnh công khai hứa với Tàu sẽ dẹp yên những phản kháng của dân chúng đối với "bạn vàng", dù có phải đạp gót giày vào mặt đồng bào.
Sẽ phải nói hết. Và cuối cùng sẽ cùng nhau xem lại clip ngắn về vụ thảm sát 1988, trong đó những loạt đại liên do lính Trung Quốc bắn thẳng vào những người lính công binh Việt Nam, bắn điên cuồng cho đến khi những người cuối cùng chìm xuống với đảo, nằm lại đảo, vĩnh viễn không trở về.
Đó chính là những viên đá đầu tiên, bằng chính cuộc đời mình, các liệt sĩ ấy đã là những viên đá tảng đầu tiên chìm xuống làm cái nền đầu tiên, để chúng ta mỗi người Việt Nam yêu nước góp thêm vào những viên đá nhỏ. Hàng triệu viên đá nhỏ sẽ trở thành thành lũy giữa biển Đông để giữ biển đảo, giữ Nước.
Chín mươi triệu viên đá sẽ đủ, để không những đè dập cái lưỡi bò kia mà còn đủ nặng để không kẻ bán nước nào vác đi bán được!
Nguyễn Đình Đông

No comments:

Post a Comment