Monday, October 24, 2011

HỢP TÁC TOÀN DIỆN HAY NÔ LỆ HOÀN TOÀN?


Ngày 24.10.2011     
HS: Chuyến đi sứ của phái đoàn Nguyển Phú Trọng trong tuần qua đã chứng thực thêm một điều là đất nước Việt đang tiến vào một thời kỳ Bắc thuộc toàn diện, từ quốc phòng cho đến giáo dục. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Hợp tác toàn diện hay nô lệ hoàn toàn?" của LLDTCNTQ, về hiểm họa diệt vong của dân tộc Tiên Rồng, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Vào tuần qua, tân tổng bí thư đảng cộng sản VN, Nguyễn Phú Trọng, đã mở cuộc viếng thăm Hoa Lục với một phái đoàn hùng hậu mà báo chí trong nước xưng tụng là "thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc".
Có lẽ không có từ ngữ nào mô tả đúng hơn hai chữ "toàn diện" nếu theo dõi những lời phát biểu trên báo chí Trung Quốc về các tuyên bố hay văn kiện ký kết giữa hai đảng cộng sản trong chuyến đi này của ông Trọng. Lý do là chỉ trong vòng 5 ngày, cả hai đảng đã ký kết vô số thỏa thuận về đủ mọi lãnh vực, từ vấn đề Biển Đông, quốc phòng an ninh, cho đến kinh tế, thương mại, văn hóa và kể cả giáo dục.

Điều mỉa mai là trong khi phái đoàn cao cấp VN vẫn còn ở Hoa Lục thì báo chí Trung Cộng vẫn tỏ vẻ khinh thường khi mạnh mẽ chỉ trích việc ký kết thỏa ước khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ, trong chuyến đi thăm Ấn Độ của chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang. Khác với ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và rất nhiều quan chức cao cấp khác, ông Sang thẳng thừng tuyên bố đẩy mạnh việc hợp tác với Ấn Độ, bất chấp các lời đe dọa của Trung Cộng.
Liệu tập đoàn dầu khí Ấn Độ có thể thực hiện được thỏa ước, hay họ sẽ bị tập đoàn lãnh đạo CSVN, dưới áp lực của Trung Cộng, sẽ hất ra rìa trong những ngày tới là điều mà thế giới đang chờ xem. Vì họ không tin là ông Sang có đủ quyền lực để buộc các "đồng chí thân Tàu" phải tôn trọng thỏa ước Việt - Ấn.
Lý do là hai chữ "toàn diện" mà báo chí Việt – Trung ngợi ca có thể rút gọn vào hai chữ "lệ thuộc" vì không còn một lãnh vực nào mà hai bên không đề cập tới, kể cả việc thúc đẩy xây dựng cung hữu nghị Việt – Trung tại Hà Nội một cách nhanh chóng trong những ngày tới. Cơ sở này sẽ biến thành một kiểu dinh Thái thú mà các quan chức VN sẽ phải lui tới để ăn mừng những lễ lạc hay tiếp đón các sứ bộ của Trung Quốc, thay vì phải đến tòa đại sứ Trung Cộng để khỏi mất sĩ diện.
Nhưng nếu đọc kỹ bản tuyên bố chung Việt – Trung được công bố vào ngày cuối của chuyến đi sứ, người ta phải công nhận rằng chính phủ Phi Luật Tân đã nhận định đúng về thái độ khiếp nhược và ươn hèn của tập đoàn lãnh đạo VN trước quyết tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài một mớ hổ lốn về chữ nghĩa, bản tuyên bố chung rõ ràng mang luận điệu của một nước lớn muốn nước nhỏ phải tuân theo mọi nguyên tắc mà họ đề ra. Bắc Kinh dứt khoát không đồng ý việc đàm phán đa phương hay quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, thế nhưng phái đoàn VN chẳng những không phản đối mà lại còn hoan hỉ ký vào các thỏa ước có những điều khoản đàm phán song phương đó.
Thế nhưng một trong những nguyên tắc mà hai bên đều nhấn mạnh là sẽ dựa trên thỏa ước phân chia lãnh hải ở vịnh Bắc Bộ vào năm 1993. Từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội không hề công bố thỏa ước này, nhưng dựa trên việc ngư dân Việt ở vịnh Băc bộ bị giới hạn nhiều khu vực đánh cá, người ta tính toán rằng VN đã mất ít nhất là 10 ngàn cây số vuông trong vịnh này. Nếu như thế thì lãnh hải VN sẽ bị thu hẹp thêm trong các cuộc đàm phán, mang tiếng là song phương, nhưng thật sự chỉ là buổi gặp để nhận lệnh từ Thiên triều ban xuống cho một kẻ mang thân phận chư hầu.
Tệ hơn thế nữa, bản tuyên bố chung chỉ thủ đoạn câu giờ để Trung Quốc có thêm thời gian gặm nhấm và thâm nhập sâu vào xã hội VN, nhằm biến VN thành một phiên bang như Tây Tạng hay Mãn Châu. Các dự án lớn nhỏ trong năm nay đang được tài trợ và vay mượn nguồn vốn từ Trung Quốc. Mức thâm thủng mậu dịch với Trung Cộng cũng gia tăng phi mã. Ngày kỷ niệm Thăng Long 1000 năm và 20 năm tái lập tỉnh Lào Cai cũng được sửa đổi để trùng vào quốc khánh 1/10 của Trung Cộng. Hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc tiếp tục tràn vào làm việc từ Bắc chí Nam mà báo chí trong nước đã làm ầm ĩ, nhưng chỉ một thời gian sau đó thì đều rơi vào im lặng một cách đáng sợ.
Tất cả những hành động đó, nếu không gọi là tiến trình sát nhập từ từ vào đế quốc Đại Hàn, dưới sự đưa đường dẫn lối của tập đoàn lãnh đạo cộng sản VN, thì phải gọi là gì?
Trung Cộng rõ ràng là đang tiến hành thủ đoạn "tằm ăn dâu" mà chuyện "lâu hay mau" trong tiến trình nuốt gọn VN sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố quan trọng. Yếu tố đầu tiên là khả năng bán nước và đàn áp người yêu nước của tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản VN. Và yếu tố thứ nhì là quyết tâm giữ nước của dân tộc Việt.
Hy vọng là yếu tố thứ nhì sẽ có tầm quyết định đến sự tồn vong của đất nước. Nếu không thì trên lá cờ Trung Cộng sẽ có thêm một ngôi sao nữa trong nay mai, mà đài truyền hình VN đã công khai trình chiếu vào ngày 14/10 vừa qua!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment