Wednesday, October 19, 2011

NHỮNG "CON SÂU" THAM NHŨNG


Ngày 19.10.2011

HS: Chuyện tham nhũng là chuyện dài nhiều tập và không có dấu hiệu gì sẽ chấm dứt tại VN nếu chế độ độc tài đảng trị vẫn tiếp tục nắm quyền cai trị đất nước. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Những con sâu tham nhũng" của LLDTCNTQ, về tình trạng vô phương cứu chữa của chứng bệnh tham nhũng tại VN, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Trong mấy ngày qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tệ nạn tham nhũng, lãng phí và các biện pháp phòng chống tệ nạn này. Trong buổi điều trần trước Uỷ ban về kết quả chống tham nhũng vào hôm thứ Năm, 13 tháng 10, ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ đã nêu con số thiệt hại do tham nhũng gây ra trong thời gian từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 7 năm 2011 lên đến 11 nghìn 400 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về không đầy 300 tỷ, tức chỉ bằng 2 phẩy 6 phần trăm (2,6%). Ông tổng thanh tra kết luận là tình trạng tham nhũng "vẫn chưa được ngăn chận và đẩy lui".
Qua hôm sau, thứ Sáu 14 tháng 10, trong phần thảo luận biện pháp chấn chỉnh, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh đề nghị để các bí thư, chủ tịch Hội đồng Nhân dân các tỉnh thành trực thuộc trung ương làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thay vì chủ tịch uỷ ban nhân dân như quy định hiện hành. Ông giải thích với sắp xếp như vậy, thành phần phụ trách phòng chống tham nhũng tách hẳn ra khỏi công tác quản lý điều hành ở địa phương, nên không bị ảnh hưởng, hay bị áp lực, nhờ vậy việc phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.
Đối với nhân dân Việt Nam, chuyện "Đảng chống tham nhũng" là một đề tài nghe mãi đến nhàm tai. Liên tiếp qua nhiều nhiệm kỳ tổng bí thư, khởi đi từ thời ông Nguyễn Văn Linh, Đảng đã ra rả hô hào "tham nhũng" là một tệ nạn mà toàn đảng, toàn dân phải nỗ lực ngăn chận. Rồi vào thời tổng bí thư Đỗ Mười với Võ Văn Kiệt làm thủ tướng, tham nhũng được nâng lên hàng "quốc nạn", và "chống tham nhũng" trở thành "quốc sách".
Và để thể hiện tính cách cấp bách của quốc sách này, qua cơ chế ngoại vi là quốc hội, đảng đã ban hành cái gọi là "luật về phòng, chống tham nhũng" ngày 29 tháng 11 năm 2005. Đây là bộ luật đồ sộ với 8 chương và gần 100 điều khoản, quy định đầy đủ mọi biện pháp để đề phòng, phát hiện và trừng trị tội tham nhũng.
Gần đây nhất là 2 nhiệm kỳ của ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh, quốc sách chống tham nhũng cũng được đưa lên hàng đầu. Trong cương vị thủ tướng chính phủ, người chịu trách nhiệm trực tiếp và tối hậu cho công cuộc chống tham nhũng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố chắc nịch rằng "không dẹp được tham nhũng thì tôi sẽ từ chức"!
Thế nhưng, như ông tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh vừa tuyên bố trước quốc hội, tệ nạn tham nhũng "vẫn chưa được ngăn chận và đẩy lui". Tệ hại hơn nữa, không những không bị dẹp như ông Dũng hứa, tệ nạn tham nhũng còn gia tăng trầm trọng, mà điển hình là vụ Vinashin, gây tổn thất cho ngân sách quốc gia gần 4 tỷ rưỡi mỹ kim, có liên quan đến nhiều cấp bộ. Tình trạng tham nhũng ngày càng tồi tệ cũng là nhận xét của ông Trương Tấn Sang, đương kim chủ tịch Nước, qua câu ví von: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm!".
Như vậy, làm thế nào để diệt trừ "con sâu" tham nhũng, theo cách nói của ông Sang? Phải chăng chỉ cần thay đổi thành phần nhân sự làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng như đề nghị của Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh?
Nếu hiểu tệ nạn tham nhũng tại Việt Nam là hậu quả tất yếu của tình trạng một đảng độc quyền cai trị, đứng ngoài và đứng trên mọi luật pháp, hành xử như chủ nhân ông của đất nước, vừa thổi còi, vừa đá bóng, thì việc thay đổi nhân sự làm trưởng ban phòng chống tham nhũng chỉ là trò đùa, mang tính cách hình thức! Tương tự, dù Việt Nam có 100 bộ luật phòng chống tham nhũng thì tệ nạn này vẫn hiện hữu và ngày càng gia tăng!
Tham lam là bản chất của con người. Vì vậy tệ nạn tham nhũng hiện hữu trong mọi xã hội. Tại Anh, ông bộ trưởng quốc phòng mới vừa từ chức vì bị nghi ngờ có liên hệ đến một nhà thầu cung cấp vật phẩm cho quân đội. Tại Hoa Kỳ, một số giới chức các thành phố phía nam tiểu bang California, năm ngoái bị ngồi tù vì gian lận lương bổng. Nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, trong đó các phạm nhân, cơ quan điều tra, các toà án xét xử đều biệt lập, hoàn toàn không liên hệ nhau. Đặc biệt tại California, chính nhật báo Los Anegels Times đã phanh phui ra vụ gian lận lương bổng của giới thức thành phố Vernon.
Trái lại tại Việt Nam, cả 3 cơ chế, hành pháp, lập pháp, tư pháp đều của đảng, do đảng viên cai quản thì tránh sao được tệ nạn lạm dụng quyền thế, bao che vì quyền lợi, binh vực vì phe nhóm. Tệ hại hơn nữa là 700 cơ quan truyền thông cũng chỉ có một tổng biên tập, đó là trưởng ban Tuyên giáo Trung ương!
Có lẽ nên nhắc lại câu tuyên bố của ông Trương Tấn Sang. Ông Sang đưa ra câu này trong buổi nói chuyện với cử tri quận 1 Sài Gòn vào ngày 7 tháng 5, trong dịp bầu cử quốc hội vừa qua. Nguyên văn như sau: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".
Dân chúng Việt Nam chờ đợi xem ông Trương Tấn Sang đưa ra kế sách như thế nào để tiêu diệt bày sâu "tham nhũng" đang giết dần giết mòn đất nước.
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment