Sunday, October 16, 2011

HAI CHỮ "ĐỒNG CHÍ"

Ngày 15.10.2011
HS: Hai chữ đồng chí từng là những danh từ thiêng liêng của các đảng viên cộng sản VN, nhưng bây giờ nó trở thành mối quan hệ bè phái để chia chác quyền lực và quyền lợi. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Lê Văn Xiếng, nhận định về hai chữ "đồng chí" đang trở thành nỗi đau của nhiều người, qua sự trình bày của anh Hướng Dương.
Đọc bài "Khác biệt giữa đồng bào và đồng chí" của Lê Nguyên, tôi cảm nhận được một nguyên lý: đồng chí là khái niệm mang tính thời gian. Tình đồng chí có thể xuất hiện mãnh liệt ở giai đoạn nào đó nhưng không thể tồn tại lâu dài và bất biến như tình đồng bào.

Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bước lên đoạn đầu đài nhận cái chết là bài học lịch sử không ai không biết. Tình đồng chí của họ không những đã thăng hoa trong những giây phút bi hùng ngày 17/6/1930 mà còn lưu lại cho hậu thế. Nhà thơ Chính Hữu cũng minh họa tình đồng chí trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp: "Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay".
Tình đồng chí cao đẹp chỉ khi nào nó kết hợp một cách tự nguyện từ những người bị đàn áp, quyết tâm tranh đấu để dành lại quyền bình đẳng, quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Điều kiện ắt có của tình đồng chí là bị áp bức, điều kiện đủ là phải sống chật vật nghèo khó. Nếu không có áp bức nghèo khổ, không thể phát sinh ra tình đồng chí.
Nhưng nếu làm đồng chí với nhau trong điều kiện hiện nay, tình cảm đó nhất định sẽ biến đổi qua một hình thái khác. Lý do là những đồng chí trong đảng cộng sản bây giờ không bị áp bức, mà ngược lại đi áp bức người khác. Cán bộ cộng sản bây giờ cũng không nghèo, thậm chí là giàu có, sống rất đế vương.
Mấy năm gần đây, giới báo chí của đảng cũng không còn gọi các lãnh đạo cao cấp là "đồng chí" như những thập niên trước. Họ gọi bằng ông hoặc bằng chức danh để chứng tỏ sự "khách quan" đổi mới. Rõ ràng chữ đồng chí ngày nay không còn hợp thời ở VN. Nó là sản phẩm của một thời lịch sử, đáng lẽ phải chết theo lịch sử nhưng cứ sống dây dưa, gây nên bao nhiêu tai hại.
Một lần ra Hà Nội ghé thăm nhà ông anh họ và chúc mừng người cháu vừa tốt nghiệp trung học. Tôi hỏi cháu vào Đoàn chưa thì nó lắc đầu. Ông anh giải thích: "Anh cũng chẳng muốn nó vào làm gì. Ngày xưa mình vào đảng là để chết, để hy sinh. Bây giờ vào đảng là để tìm cách leo cao vơ vét. Bọn cơ hội chúng nó nhiều lắm em ạ ! Thế hệ con mình bon chen làm gì cho nó nhục?" Ngày xưa ông anh tôi háo hức trở thành đảng viên trước giờ ra trận, thì ngày nay đời con anh hoàn toàn lạnh nhạt với khái niệm đảng đoàn ngay từ môi trường trung học.
Tôi cũng có người bạn, con của một gia đình liệt sĩ và tốt nghiệp y khoa thuộc hạng khá nhưng không chịu vào đảng. Chức vụ cao nhất chỉ tới trưởng khoa một bệnh viện tỉnh, trong lúc đàn em cứ qua mặt ào ào. Đến khi chịu hết nổi, anh xin nghỉ việc. Gặp lúc ngành y tế bung ra làm ăn, anh hùn hạp mở bệnh viện tư với vài người bạn. Nghe đâu làm ăn cũng khấm khá. Gặp nhau anh cười ha hả: "Trong đời tớ, tớ chưa bao giờ gọi thằng nào bằng đồng chí".
Khi những mục tiêu cao cả không còn, sự nối kết đồng chí trở nên lạc lõng. Đất nước đã hòa bình, đảng lãnh đạo thu tóm mọi quyền bính, tình đồng chí bây giờ không còn là tình đồng đội mà đã biến thành quan hệ bè phái, nhắm vào quyền lực và quyền lợi.
Tình cảm không thể nẩy sinh giữa những người chỉ nghĩ đến công danh bằng con đường tắt. Tình cảm cũng không thể nẩy sinh giữa những con người sống không thật trong môi trường đạo đức giả. Muốn tiến thân bằng con đường tắt, anh phải quên mình đi, phải nói những điều người ta nói, phải biết bảo vệ mình bằng cách để người khác nhìn thấy tư tưởng và lòng trung thành. Có hai loại người thích nghi được trong môi trường đó. Một là dốt nát, hai là cơ hội. Người ta gọi nhau là đồng chí, nhưng bên trong là những đo lường, toan tính và nếu cần, sẵn sàng chơi nhau sát ván.
Những người đồng chí nhiệt huyết ngày xưa, bây giờ chắc đang ngao ngán trước vận nước đảo điên. Họ đã dựng nó lên nhưng bây giờ không biết cách nào lấy nó xuống. Thế hệ đàn anh đã về hưu nay có thời giờ nhìn lại để nhận ra rằng chế độ này bất công quá, phản động quá. Ngày xưa họ bị lừa gạt bởi chủ thuyết của Marx về một thế giới đại đồng, nhưng cũng có người bị hoàn cảnh ép buộc phải vào đảng.
Tuy nhiên bây giờ họ phải thừa nhận một thực tế là đảng Cộng sản VN chưa bao giờ đem lại hạnh phúc cho người dân, dù đã 36 năm nước nhà hoàn toàn thống nhất.
Nhạc sĩ Phan Văn Hưng từng viết:
"thằng thật tài ba thì đạp xích lô
còn thằng giàu (thì) cha là thằng ma cô
.......
thằng ngụy gần điên nằm tù rục xương
còn thằng đảng viên (thì) sống trong ân hận"!
Lê văn Xiếng

No comments:

Post a Comment