Saturday, October 1, 2011

LIỀU – LỖ - LỪA – LÁCH – LƯƠN LẸO

Ngày 01.10.2011

HS: Xã hội VN hiện ở thời loạn lạc, với vô số chứng bệnh nằm ở vần "L" như "liều lĩnh", "lỗ lã", "lừa lọc", "luồn lách" hay "lươn lẹo"... Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phiếm luận dưới đây của Trần Kỳ Trung, qua sự trình bày của anh Hướng Dương.

Cái vần “L” tưởng khó ghép được nhiều từ, ấy thế mà trong thực tế xã hội ta, nó lại được nhiều người nhắc đến.
Sao ở nước ta giờ lắm thằng “liều” thế! Một vần có “L” nhé. Có thằng chưa đến tuổi thành niên, thế mà dám cầm dao lao vào tiệm vàng chém chết ba người để cướp. Chuyện không đội mũ bảo hiểm, bị công an bắt giữ nhưng không sợ, lao luôn xe vào cảnh sát để tìm cách đào thoát. Thậm chí còn dám đâm chết công an khi bị bắt. Còn nhiều chuyện “liều” bất chấp luật pháp, bất chấp người thực thi công vụ mà không ngày nào báo chí không đưa tin, ở khắp các lĩnh vực từ giao thông, xã hội cho đến kinh tế. Nghĩ kinh cả người!

Còn chuyện “lỗ”, cũng là một vần “L” thì thật khủng khiếp! Nhất là mấy tổng công ty nhà nước, từ ngành đóng tàu, xi măng, cảng, xăng dầu cho đến xây dựng... toàn thấy “Lỗ”. Không phải lỗ nhẹ mà là lỗ nặng, lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Lỗ toàn tiền nhà nước, mà thực chất là tiền của dân, tiền ăn cướp của dân. Đọc xong mấy tin thua lỗ đó mà bảo không bi quan mới là chuyện lạ. Không biết cứ như thế này thì kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu?
Rồi đến chuyện “lừa” trong xã hội thì vần “L”có lẽ nghe đã quen tai. “Lừa” đủ kiểu đủ ngành… từ bảo hiểm, đến vay nợ, mua bán bất động sản, bán hàng đa cấp, chữa bệnh của phòng khám bệnh Trung Quốc, lừa cả ngân hàng. Có vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể những vụ lừa đảo mang yếu tố nước ngoài làm cho dân ta điêu đứng như vụ dưa hấu, trồng sắn, trồng chuối. Chẳng lẽ xã hội chúng ta có luật pháp, có công an, có tòa án… mà để như thế ư!
Nhưng từ “lật lọng” nghe mới ghê! Người dân nghèo nghe vần “L” này chỉ còn biết căm tức. Khi lấy đất của dân nghèo để quy hoạch khu công nghiệp hay làm khu du lịch, mấy tay chủ dự án hứa hẹn với nông dân rất nhiều chuyện. Từ đền bù đến chuyện tạo công ăn việc làm và giải quyết các khó khăn kinh tế. Nhưng đến khi lấy xong đất của dân rồi thì lật lọng không thực hiện lời hứa. Mặc cho đời sống dân nghèo thậm khổ. Không công ăn việc làm, không đất đai canh tác, con cái thất học. Nỗi khổ của dân kêu trời không thấu.
Và rồi hai chữ "Lo lót"! Vần “L” này nhắm mắt cũng nhìn thấy. Chỗ nào cũng phải lo lót. Lo lót diễn ra dưới nhiều hình thức, nhiền kiểu. Từ chuyện xin việc, chạy chức, lên lương, chuyển công tác, chạy án, xử phạt hành chính, xử phạt giao thông. Cứ có tiền là sẽ giải quyết được mọi vấn đề, đến độ thành câu cửa miệng: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!”. Lo lót trở thành một tập quán sống, một thói quen. Tại sao lại hình thành một một thói quen xấu đó? Hỏi tức là trả lời!
Còn vần “Lách” ư? Cái vần “L” này xuất hiện nhiều trên cửa miệng của mấy nhà doanh nghiệp khi nói chuyện làm ăn. Lách thuế, lách hải quan nhập hàng, lách cảnh sát giao thông khi chở hàng… nghĩa là lách đủ kiểu để mưu cầu lợi ích cá nhân. Không bằng cấp, cũng tìm cách có bằng cấp để có chức vụ. Thậm chí có chuyện là một ông quan, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết mà vẫn có bằng “tiến sĩ” bên Mỹ cấp, cho dù đó là bằng giả. Rồi còn tìm cách “lách” như khai man tuổi để tại vị lâu hơn. Nhưng kinh khủng nhất là “lách” luật để tạo điều kiện cho cấp dưới buôn lậu, cho các công ty tư nhân trong nước và nước ngoài khai thác tài nguyên vô tội vạ, phá rừng tràn lan, cướp đất của dân dưới danh nghĩa “quy hoạch, giải tỏa”… Nhìn chỗ nào cũng thấy, báo chí ngày nào cũng có các bài viết về những chuyện này. Cứ “lách” như vậy, thử hỏi lòng dân có yên không?
Còn “lươn lẹo” thì vần “L” này hay được người đời nhận xét khi nghe các “quan” mở miệng. Các quan nói một đằng, làm một nẻo. Hay nói mà không làm, lại đổ vấy cho người khác, thậm chí sẵn sàng xuyên tạc, bóp méo sự thật… không chịu nhận ra lẽ phải, phủ nhận lòng tốt của người khác, tìm cách bạo biện những khuất tất, những điều dân phản đối. Chuyện này có rất nhiều, đến độ người ta chán không muốn nói, không muốn nghe nữa bởi những cái miệng “lươn lẹo”.
Và đến chuyện “lấp liếm” thì khỏi nói! Mấy ông có chức có quyền khi bị phanh phui ra những vụ tham nhũng, ăn chơi trụy lạc, phải làm bản kiểm điểm hay bị truy tố ra tòa, thì không bao giờ nhận tội mà lấp liếm rất nhanh. Các quan đổ hết cho “trình độ hạn chế”, hoặc “bị kẻ xấu lừa!”. Thậm chí còn cho rằng “Những thế lực thù địch tìm cách phá hoại” để chạy tội. Cuối cùng cũng được cấp trên bao che, chỉ nhận những bản án nhẹ hều, gây ra sự phẫn nộ trong dư luận…
Nói tóm lại, nếu là nhà nước văn minh, tiến bộ, dân chủ với luật pháp thượng tôn, quốc hội có quyền thực sự và nhất là đảng cầm quyền thật sự vì dân, nghe dân, đặt sự tồn vong của dân tộc lên trên hết thì những vần “L” trên không có điều gì đáng sợ!
Nếu không như thế thì sẽ dẫn đến “loạn”! Mà như thế thì vận mệnh đất nước lâm nguy to!
Trần Kỳ Trung

No comments:

Post a Comment