Thursday, October 6, 2011

KHI BỘ TRƯỞNG LỠ MIỆNG

Ngày 06.10.2011
HS: Bệnh tay chân miệng đã trở thành một loại dịch ở VN, với hơn 100 trẻ em thiệt mạng. Thế nhưng chỉ 50 ngày sau khi lên nhậm chức, tân bộ trưởng y tế VN đã biến mất tăm sau khi hứa hẹn sẽ ngăn chận bệnh này. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài thời sự của blogger Đào Tuấn, qua sự trình bày của anh Hướng Dương.
Rất tẽn tò là trong buổi lễ bàn giao tại bộ y tế, tân bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết là bà không hứa hẹn gì cả. Câu chuyện về lời hứa tại bộ y tế đã có tiền lệ khi ngài bộ trưởng tiền nhiệm đã có lần ráo hoảnh nói rằng, ông không có hứa hẹn gì xung quanh chuyện những cái giường bệnh đến giờ vẫn nhung nhúc người. Có người nói bà Tiến tuyên bố như thế là khôn ngoan. Người khác thì bảo, nếu không dám hứa thì liệu có dám làm hay không? Nhưng có nên khôn ngoan trên sinh mệnh người bệnh? Và sợ hứa rồi mà không làm được thì tại sao không về làm nông dân để cày ruộng cho nó thanh thản cuộc đời?

Nhưng bà Tiến cũng nói rằng, trước mắt sẽ phải kiểm soát ngay tình hình phức tạp của các loại dịch bệnh. Bà nêu cụ thể là bệnh "Tay chân miệng". Cái này thì có vẻ kỳ cục, và có vẻ rất thừa thải. Bộ y tế mà không lo chuyện dịch bệnh thì chẳng nhẽ lại đi lo chỉ số giá cả tăng cao?
Gia tài mà bộ trưởng Triệu, xuất thân là một bác sĩ phụ sản và là người trong lễ bàn giao nói rằng đã "thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng", để lại cho bà Tiến, ngoài bài học kinh nghiệm về "lời hứa", còn là 32 ngàn trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng. 32 ngàn cả nhiễm và 81 tử vong. Tử vong có nghĩa là qua đời, là chết.
Bệnh tay chân miệng vốn là một bệnh nhẹ, và thường tự lành sau 7 hay 10 ngày. Đây là một căn bệnh thuộc loại "muỗi đốt". Nhưng nếu căn bệnh "muỗi đốt" mà đã gây ra tới 81 cái chết ở những đứa trẻ thì chỉ có thể là bộ y tế đã bất lực, hoặc họ đã quá coi thường căn bệnh, hoặc vấn đề phòng dịch "có vấn đề". Mà vấn đề đầu tiên, có thể chính là bệnh hành chính lý thuyết, tức bệnh thành tích, một căn bệnh đã có "tiền sử" của quan chức bộ y tế. Nếu ai không nhớ thì xin xem lại cách thứ trưởng Trịnh Quân Huấn gọi bệnh dịch tả là bệnh "tiêu chảy cấp".
Một tuần sau khi nhậm chức, bà Tiến nhận định về "gia tài" của bộ trưởng Triệu: "Bây giờ tay chân miệng đã bùng phát thành dịch rồi chứ không còn là nguy cơ nữa". Những tưởng ngay sau đó, bộ sẽ công bố dịch, sẽ mở chiến dịch, sẽ phát động, sẽ tổ chức một cái gì gì... rất hoành tráng! Lý do là đã 81 người chết chứ đâu phải chuyện chơi. 81 đứa trẻ chứ đâu phải là 81 con trâu con bò. Nhưng chỉ sau đó hai hôm thì Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn khẳng định 32 ngàn ca mắc bệnh chưa đủ để công bố dịch, tức chẳng có gì xảy ra cả. Ông Huấn là thứ trưởng bộ y tế, tức về nguyên tắc, là người giúp việc cho bà bộ trưởng.
Kết quả 50 ngày sau khi tân bộ trưởng nhậm chức là đã có hơn 47 ngàn trường hợp nhiễm bệnh. Gần nhất là từ ngày 4 đến ngày 20/9, cả nước có thêm 6 ngàn ca mới. Tức mỗi ngày trung bình có 375 ca nhiễm bệnh. Và số người chết lên đến ba con số: 102 người. Đúng ra là 102 đứa trẻ. Một trường hợp đau thương là cháu Y 3 tuổi ở trường Mầm Non số 5, phường Ngọc Hà, ngay tại thủ đô, không xa trụ sở bộ y tế.
Đến giờ thì phản ứng của bộ y tế đối với căn bệnh "muỗi đốt", có thể tự khỏi sau một tuần, vẫn là "bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt", nhưng dứt khoát không công bố dịch bởi "vẫn còn kiểm soát được". Đây là một kiểu lập luận sợ trách nhiệm, đáng nhận được nhiều câu rủa xả.
Khó có thể nói rằng, nếu bộ y tế công bố dịch thì sẽ không có thêm những đứa trẻ nhiễm bệnh, không có thêm những cái chết đau lòng. Nhưng việc công bố dịch cho toàn dân chắc chắn sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về sự phức tạp và nguy hiểm của bệnh tật để đề phòng. Câu hỏi đặt ra là sau khi nằng nặc đòi công bố dịch rồi lặn mất tăm, bà Tiến đang bận rộn việc gì?
Xin thưa là bà đang lo trình đề nghị tăng viện phí, và vận động báo chí ủng hộ bộ y tế về đề nghị này.
Sẽ rất khác, hay sẽ không thể so sánh với việc người ta dành tiền xây tượng đài, thay vì những chiếc cầu dân sinh cho trẻ em đến trường. Nhưng sinh mạng của một người bệnh chắc chắn là không thể so sánh với bất cứ điều gì, dù đó là quyền lợi của các bệnh viện, và thậm chí của cả ngành y tế...
Thế còn lời hứa kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh thì sao? Sau 50 ngày, liệu bà bộ trưởng có thể nói trước quốc dân đồng bào rằng mình "thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng" hay không?
Blogger Đào Tuấn

No comments:

Post a Comment