Tuesday, September 6, 2011

LÁ THƯ ÚC CHÂU 04.09.2011

Trong tiếng Anh có thành ngữ “mong anh/chị sống trong thời buổi đáng quan tâm”, và đối với dân Úc, thành ngữ này tuyệt đối đúng. Có thể nói là từ thời lập quốc cách đây hơn trăm năm, chưa bao giờ quốc gia non trẻ này ở trong hoàn cảnh rất đáng ngại như hiện nay. Về kinh tế, trong khi cả thế giới đang ngả nghiêng thì nước Úc lại quá vững. Úc cũng là một trong những nước không ai có thể chê trách được về chế độ chính trị, vì nó quá… dân chủ! Người dân không thích ai thì chỉ cần chờ “đến hẹn lại lên”, bỏ phiếu bầu cho người khác là xong xuôi.

Nhưng chính vì sự tôn trọng quy tắc dân chủ đó đang làm đất nước này tê liệt. Năm ngoái, như một số thính giả đã biết, nước Úc sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 21 tháng Tám, đã có một kết quả không ai muốn thấy. Đó là một chính phủ thiểu số, gồm 72 ghế của đảng Lao Động cùng bốn phiếu độc lập để có đa số 76 ghế trong hạ viện gồm 150 ghế.
Tình trạng lấp lửng này chẳng làm vừa lòng ai, nhất là phe liên minh Tự Do/Quốc Gia đối lập. Lý do là vì phe này có 73 ghế, nhưng không thể chiêu dụ mấy tay độc lập kia để lên cầm quyền. Thủ tướng Julia Gillard khi ấy khiến cho người ta chú ý vì bà là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Úc và là người đã hất chiếc ghế của ông Kevin Rudd, ngay trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông này.
Nhưng cái chú ý đó đã nhanh chóng trở thành chuyện thấy vậy rồi quên đí. Lý do là dù có được chú ý đến bao nhiêu đi nữa thì điều quan trọng là phải có thực lực. Nhưng chính phủ thiểu số của bà Gillard thì thiếu hẳn phần thực lực này. Một phần lớn là vì bà Gillard không được người dân trao cho "thiên mệnh", tức đa số ghế để cầm quyền. Phần khác là vì phe bà kết hợp nhiều thế lực chuyên kình chống nhau, khiến bà không thể làm vừa lòng bên này mà không mất lòng bên kia.
Ngay chính trong nội bộ đảng Lao Động của bà cũng đang có nhiều dấu hiệu rạn nứt trầm trọng, bắt nguồn từ phong trào công đoàn, vốn là cái xương sống của đảng này. Không có phong trào nghiệp đoàn thì không có đảng Lao Động. Nhưng các công đoàn hiện đang đánh nhau để tranh dành ảnh hưởng, nhất là trong một loạt các cuộc bầu cử vừa qua, từ tiểu bang đến liên bang, đảng Lao Động đều thua liểng xiếng.
Trong hoàn cảnh bi đát đó, chủ trương "mạnh ai nấy lo" được lên ngôi. Suốt mấy tuần qua, trái với mọi nguyên tắc dân chủ đại nghị, bà Thủ tướng Julia Gillard cương quyết “đặt niềm tin tuyệt đối” vào một dân biểu bị tố giác là lấy tiền của nghiệp đoàn để trả cho gái gọi hạng sang và chi xài vào việc riêng. Đã đành là ông này chưa bị kết án thì chưa thể gọi là có tội, theo đúng nguyên tắc căn bản của nền pháp trị dân chủ, nhưng trước đây đã có hằng hà sa số những tiền lệ, với nhiều chính trị gia phải tự nguyện ra đi chỉ vì cử tri nghĩ rằng họ bất xứng trong vai trò dân biểu, chứ không cần đến khi luật pháp lên tiếng.
Nhưng bà Gillard phải nhất quyết bênh vực, vì nếu ông dân biểu này từ nhiệm thì chính phủ của bà sẽ mất thế đa số ở Hạ Viện, tức mở đường cho phe đối lập lên nắm chính quyền trong một cuộc tuyển cử mới. Theo các thăm dò suốt mấy tuần qua thì nếu nổ ra một cuộc tổng tuyển cử mới, đảng Lao Động sẽ thất trận thê thảm. Thậm chí tại tiểu bang Queensland, nơi được chia 28 ghế hạ viện trong quốc hội liên bang, nếu kết quả thăm dò dư luận là đúng, thì đảng Lao Động chỉ còn giữ được một ghế.
Trong mấy tháng tới, những ai muốn học hỏi các sinh hoạt dân chủ trên thế giới sẽ chăm chú theo dõi các diễn biến chính trị ở Úc, một đất nước rất giàu nhờ bán nhiều khoáng sản nên nền kinh tế vẫn vững vàng. Nhưng điều đáng nói nhất, Úc là quốc gia non trẻ nhưng là nước thứ sáu trên thế giới thiết lập thể chế dân chủ và duy trì từ đó đến nay.
Hẹn gặp quý thính giả trong Lá Thư Kỳ tới.

Đằng-Phong-Hầu

No comments:

Post a Comment