Friday, September 9, 2011

GÁNH NẶNG ĐẦU NĂM CỦA GIỚI PHỤ HUYNH


HS: Vật giá đắt đỏ vì lạm phát không chỉ gây điêu đứng cho người dân về miếng ăn thức uống hằng ngày mà còn tạo thêm gánh nặng rất lớn trong việc trang trải học phí cho con cái. Chúng tôi xin đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây, qua sự trình bày của Như Giang.

Theo thống kê nhà nước VN thì trong những khoản chi phí của ngân sách gia đình, thì lãnh vực giáo dục chỉ chiếm khoảng 5 đến 6%. Thế nhưng trên thực tế, các khoản chi tiêu đầu năm học, từ mẫu giáo cho tới các lớp cao hơn, đều gia tăng mạnh.

Bà Hường, người có đứa con học ở một trường mẫu giáo thuộc quận 3, than thở: “Tiền trường đầu năm nay tăng hơn 30% so với năm ngoái. Đi sắm đồ và đóng tiền trường cho con xong là tui sạch túi luôn”.
Lương tháng của bà Hường được 3 triệu 200 ngàn đồng, trong khi học phí của con chiếm hơn phân nửa. Liệt kê khá chi tiết các khoản tiền phải đóng ở đầu năm học, bà Hường tính ra được mức tăng so với năm học trước. Bà kể: “Năm ngoái tiền cơ sở vật chất là 600 ngàn đồng, năm nay tăng thêm 33%. Tiền học mỗi tháng tăng thêm 100 ngàn đồng”. Theo bà Hường, tăng nhiều nhất là tiền ăn, chẳng hạn như bữa ăn sáng tăng 33%, bữa chính tăng 37%. Tính ra mỗi tháng thì chi phí cho con học mẫu giáo vào khoảng 1 triệu 800 ngàn đồng.
Trong khi đó thì bà Loan, người có đứa con gái học lớp 9 ở quận Tân Bình, không phải lo nhiều về học phí nhưng lại phải chi các khoản học thêm gấp 4 đến 5 lần. Bà Loan nói: “Hôm 12/8, tôi ghi danh cho cháu học thêm ba môn toán – văn – ngoại ngữ để có thể thi đậu vào lớp 10. Mỗi môn là 600 ngàn đồng một tháng, cộng thêm tiền thuê xe đưa đón, tức tốn khoảng 3 triệu đồng cho việc học thêm”. Bà Loan nay trông cậy vào việc dán giấy màu mà bà làm thêm buổi tối sẽ giúp có thêm 800 ngàn đồng mỗi tháng nhằm trang trải các khoản nuôi con ăn học
Khác với bà Loan, người chị của bà vì có hai đứa con học trường tư nên chi phí vốn đã cao thì năm nay còn cao thêm từ 20 đến 30% tuỳ theo lớp. Chẳng hạn như chi phí cho một học sinh nội trú lớp 6 vào khoảng 4 triệu rưởi một tháng, lớp 11 là 8 triệu rưởi, chưa kể các khoản tiền khác như đưa đón.
Chính vì thế bà gặp ai cũng than vãn và kể lể về gánh nặng chi phí cho con học trường tư: “Năm học này, đóng tiền hàng tháng cho con xong, gia đình chỉ còn hơn 3 triệu đồng cho việc chi tiêu cả tháng. Nhà bốn người thì mỗi người chỉ còn chưa đến 200.000 đồng một tuần. Tôi không biết sẽ phải xoay xở ra sao với giá thực phẩm, tiền điện, tiền nước, tiền đổ rác…”.
So với trường công, lệ phí trường tư tuy cao, nhưng vẫn còn thấp hơn các ngôi trường của người ngoại quốc. Ông Hùng, một giảng viên đại học Ngoại ngữ, có hai con theo học trường ngoại quốc, cho biết chi phí đầu năm học lên đến 65 triệu đồng, bao gồm các khoản tiền ăn, tiền xe, đồng phục, phòng học… và phải đóng trọn năm ngay khi nhập học. Ông Hùng cho biết: “Chi phí xe đưa đón lên đến 1 triệu 600 ngàn đồng một tháng cho mỗi đứa, do giá xăng dầu tăng. Chi phí ăn uống là 1 triệu 200 ngàn đồng một do giá thực phẩm tăng. Và đồ đồng phục gần 500 ngàn đồng một bộ”. Ông Hùng cho biết là vào năm ngoái, gia đình ông đóng khoảng 40 triệu đồng.
Các dụng cụ học hành như sách vở, đồng phục và phương tiện đưa đón năm 2011 cũng đã tăng khá cao. Chẳng hạn như mỗi cuốn sách giáo khoa tăng giá từ vài trăm đồng đến hơn 2 ngàn đồng, các cuốn vở cũng tăng giá khoảng 1 đến 2 ngàn đồng, đồ đồng phục tăng từ 20 đến 30 ngàn đồng/chiếc, xe đưa đón tăng 10 đến 20 ngàn đồng một chuyến. Có nghĩa là mỗi thứ đều tăng thêm từ 20 đến 30% trong năm nay.
Trước tình hình này, ông Hùng cho biết là dù có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, gia đình ông vẫn phải dè sẻn để không bị nợ nần. Bà Hùng cho biết thêm: “Trước đây mức thu nhập gia đình 20 triệu đồng một tháng được coi là cao. Nhưng bây giờ lại thiếu trước hụt sau. Con tôi đã lỡ theo học trường quốc tế, không thể quay lại học trường công”. Bà cho biết là mức tăng thêm hàng tháng cho việc học hành của hai đứa con là 3 triệu đồng so với dự trù của bà. 

No comments:

Post a Comment