Thursday, September 22, 2011

TỪ MỘT VỤ TRỌNG ÁN...

Ngày 21.09.2011

HS: Với hàng loạt các vụ án ghê rợn diễn ra trong những tháng qua, đặc biệt là vụ thảm sát tại một tiệm vàng ở tỉnh Bắc Giang, dư luận VN tỏ ra sững sờ và lo âu. Tại sao có làn sóng tội ác như thế? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình viết dưới đây của Song Chi, qua sự trình bày của chị Hoàng Ân.

Kể từ khi xảy ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang vào ngày 24/8 cho đến nay, đã hơn 2 tuần trôi qua, báo chí truyền thông VN vẫn chưa ngừng đưa tin về vụ cướp của giết người này.

Hàng trăm bài báo đã khai thác vụ án đến từng chi tiết, mổ xẻ dưới những góc độ, những cái nhìn khác nhau khiến dư luận cũng nóng lên theo. Có thể nói vụ án Lê Văn Luyện là một trong những đề tài nóng nhất ở VN trong hai tuần qua! Những vấn đề lớn, ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người dân như lạm phát, khủng hoảng kinh tế hay tương lai, vận mệnh đất nước qua mối quan hệ của hai nhà nước Việt – Hoa dường như cũng bị chìm đi.
Tại nhiều quốc gia, việc khai thác như vậy là bình thường nhằm câu khách. Nhưng thường đó là những tờ báo lá cải, còn giới báo chí đứng đắn và có uy tín thì không theo xu hướng này. Có những quốc gia, như Na Uy chẳng hạn, cấm giới truyền thông công bố tên tuổi của nạn nhân và kể cả thủ phạm trong những vụ trọng án như giết người, hiếp dâm… chỉ trừ trường hợp rất đặc biệt. Ví dụ như hai vụ khủng bố ngày 22/7 vừa qua với thủ phạm Anders Behring Breivik.
Lý do là người làm báo phải luôn nghĩ đến việc người khác sẽ bị tổn thương vì ngòi bút của mình. Ở Na Uy và nhiều quốc gia tiến bộ, sau khi thủ phạm thi hành xong bản án tù, sẽ được phép làm lại cuộc đời bằng một cái tên mới và địa chỉ bí mật. Ðể họ có thể làm lại từ đầu, bất chấp quá khứ trước kia ra sao.
Trong khi đó, báo chí VN chúng ta không chỉ khai thác các vụ án rất kỹ, mà trong một số bài, cách đặt vấn đề, cách nhìn, phỏng vấn… phải nói là thiếu tế nhị đến tàn nhẫn. Khi biết trường hợp Lê Văn Luyện chỉ có thể xử cao nhất 18 năm tù vì chưa đủ 18 tuổi khi gây án, dư luận tỏ vẻ phẫn nộ. Hầu hết các ý kiến đều muốn xử tử, có người còn đề nghị sửa luật để có thể tử hình Luyện. Nói chung, phần lớn cái nhìn của người Việt mình là muốn “mạng trả mạng”.
Trong khi đó sát thủ Anders Breivik đã giết chết tất cả 76 người. Tại một quốc gia thanh bình như Na Uy, đây là một cú sốc nặng, cả thế giới cũng kinh ngạc không tin nổi. Với một dân số chỉ khoảng 5 triệu người, 76 người chết là một mất mát quá lớn.
Và luật pháp Na Uy không có tử hình. Mức án nặng nhất là 21 năm tù. Khi vụ Anders Behring Breivik xảy ra, cũng có dư luận đặt câu hỏi phải xử y như thế nào. Tôi đã hỏi nhiều người Na Uy là có nên tử hình y, hoặc có nên sửa luật để ngăn ngừa những vụ như vậy? Tôi đã sững sờ trước những câu trả lời từ người Na Uy. Họ không hề nghĩ như vậy. Bởi vì nếu giết chết y thì những người đã chết cũng không sống lại được.
Một vấn đề khác, trong khi đi tìm nguyên nhân phạm tội của Lê Văn Luyện, có những người nêu ra là do giáo dục gia đình, việc không được học hành đến nơi đến chốn, túng bấn về tiền bạc, kể cả tác động của các game điện toán mang tính bạo lực. Nhưng để phân tích những nguyên nhân sâu xa hơn thì báo chí chính thức không được phép, mặc dù sự thật là tội ác ở VN ngày càng nhiều hơn. Không ngày nào mở những tờ báo ra mà không đọc thấy những tin tức về cướp, giết, hiếp… đủ các kiểu!
Tội ác ở VN, từ sự hành hạ làm nhục cho đến giết người dã man, có thể đến từ những con người hoàn toàn bình thường, thậm chí hiền lành, khiến dư luận phải sững sờ. Từ Lê Văn Luyện, sinh viên Nguyễn Ðức Nghĩa, cho đến bà Trần Thị Liễu vợ nhà báo Lê Hoàng Hùng. Ðiểm chung giữa họ đều là những con người đầu óc hoàn toàn bình thường, không có tiền án tiền sự.
Tuổi của hung thủ cũng ngày càng “trẻ hóa”. Không thiếu những vụ mà thủ phạm là học sinh lớp 8, 9 hay 10!
Tội ác ngày càng trở nên bình thường và phổ biến. Ðiều đó cho thấy đạo đức xã hội ở VN đã bị tha hóa nặng nề. Nếu nhìn tận gốc thì vấn đề nằm ở giáo dục (gồm cả gia đình, nhà trường), cũng như môi trường xã hội.
Một nền giáo dục lạc hậu, thiếu tính triết lý, thiếu tính nhân bản, sai lầm trong mục đích dạy và học khi chỉ chăm chăm nhồi nhét cho học sinh một mớ kiến thức chết để lấy bằng cấp. Xã hội thì đầy rẫy cái xấu, không còn tử tế, phi lý, bất công… do cấu trúc sai lầm về thể chế chính trị.
Vụ án Lê Văn Luyện, một lần nữa khiến mỗi người Việt chúng ta nên giật mình nhìn lại cái xã hội mà chúng ta đang sống nó như thế nào và nó đã ảnh hưởng thế nào đến cái nhìn của mỗi người trước tội ác, tội phạm… mà chúng ta không hay!
Song Chi

No comments:

Post a Comment