Wednesday, September 28, 2011

KHÁT VỌNG LÊN BỜ CỦA MỘT LÀNG CHÀI

Ngày 28.09.2011
 

HS: Từ một thế kỷ qua, ước mơ của người dân làng chài Cao Bình là được lên sống trên bờ, thay vì phải sống lênh đênh trên thuyền suốt cả đời. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây, qua sự trình bày của chị Như Giang .

Gần một thế kỷ trôi qua, người dân làng chài Cao Bình ở xã Hồng Tiến huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, vẫn phải đeo bám nghề chài lưới để mưu sinh. Cuộc sống của họ có vô vàn khó khăn, với gần 90 gia đình, 354 con người phải lênh đênh trên sông nước vì không có một tấc đất để cắm dùi. Ước mơ cả đời họ là được lên bờ sinh sống...
Từ trung tâm huyện Kiến Xương đi khoảng 6 cây số là về đến thôn chài Cao Đình. Ở ven sông có một người đàn ông đang kéo vó, thấy chúng tôi liền mời vào trò chuyện. Ông tên là Trần Văn Ích, tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng dáng người vẫn quắc thước, với nước da bánh mật rắn chắc, kết quả của những tháng ngày phơi gió nằm sương. Nói về tiểu sử làng chài, ông bùi ngùi nói: "Làng này hình thành từ cả trăm năm nay. Sở dĩ người ta gọi là làng chài vì 100% các gia đình ở đây đều theo nghề đánh cá".
Ông Ích có 4 người con trai, tất cả đều làm nghề chài lưới. Ông cho biết, cứ người con nào lập gia đình là lại sắm cho vợ chồng họ một chiếc thuyền để mưu sinh. Làm quần quật cả năm, đầy rủi ro nhưng thu nhập hằng tháng chỉ đủ sống. Lênh đênh cả đời, ông mới mua được một mảnh đất và xây căn nhà để ở.
Dưới bến sông, trên chiếc thuyền tuềnh toàng, bà Nguyễn Thị Nhẫn đang hì hục tu sửa lại chỗ ở. Thấy có khách, bà vội chèo một chiếc thuyền nhỏ mời chúng tôi lên thăm căn nhà trên sông của mình. Rót nước mời khách, trầm ngâm một hồi, bà nói: "Tôi năm nay 62 tuổi, theo ông cha lênh đênh sông nước từ lúc sinh ra cho đến giờ. Ông nhà tôi qua đời gần 30 năm khi đang đánh cá thì gặp bão. Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ nghề".
Chiếc thuyền của bà rộng chưa đầy 11 thước vuông. Nó vừa là phương tiện đánh cá, vừa là nơi cả gia đình trú nắng mưa. Bà cho biết cả nhà phải sống trên một chiếc thuyền chật chội nên bất tiện lắm. Bà Nhẫn có 3 người con. Từ khi chồng qua đời, một mình bà cáng đáng nuôi các con khôn lớn thành người. Hiện hai người con trai lớn đã lấy vợ và sắm thuyền riêng.
Nói đến đứa con gái út, bà quẹt nước mắt và nức nở nói: "Không muốn đời nó lại gắn liền với chiếc thuyền và cái vó. Nên tôi bảo nó vào Nam làm công nhân. Tôi mong nó lấy được một tấm chồng tốt, rồi lên bờ mà ở cho đỡ khổ".
Cách đó vài chiếc thuyền là gia đình ông Nguyễn Văn Rơi. Tuy năm nay đã 58 tuổi nhưng ông Rơi vẫn cùng các con đi đánh bắt xa. Ông cho biết mỗi chuyến đi đánh bắt dài ngày thu được hơn chục triệu đồng, nhưng cũng phải trút hết vào tiền xăng dầu và mua sắm ngư cụ.
Ông Rơi tặc lưỡi và cười nói: "Cả đời tôi làm miệt mài mà vẫn không đủ tiền mua đất để xây nhà cho vợ con ở. Chiếc thuyền này là tài sản lớn nhất của gia đình". Ông có bốn người con trai thì chỉ người con trai đầu là có nhà trên bờ. Người con trai thứ hai và thứ ba đều phải ra vùng biên làm thuê.
Đi ngược lên phía trên vài cây số là chiếc thuyền của gia đình anh Nguyễn Văn Thế, người con trai đầu của bà Nhẫn. Anh nói: "Vợ chồng em làm cả chục năm, tích cóp được dăm ba triệu. Lên bờ hỏi mua mảnh đất, họ đòi bốn chục triệu. Số tiền lớn như vậy chúng em lấy đâu ra. Từ đó đến nay không ai trong nhà dám nhắc đến chuyện lên bờ ở nữa".
Năm 2008, nhà cầm quyền tỉnh Thái Bình đã thông qua dự án xây chỗ định cư cho dân làng chài Cao Bình, và giao cho cho sở Nông nghiệp Thái Bình làm chủ thầu. Nhận được thông báo, người dân Cao Bình vui như Tết. Theo tiến trình thì từ năm 2008 đến năm 2010 sẽ chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ có 118 gia đình được cấp chỗ ở và giai đoạn 2 là 32 gia đình. Nhưng đến bây giờ thì các gia đình, trong số đó có bà Nhẫn hay ông Rơi, vẫn dài cổ chờ đợi.
Lênh đênh cả một đời, những thế hệ đi trước như ông Ích, ông Rơi hay bà Nhẫn rất thấu hiểu nỗi khổ khi không có một tấc đất để cắm dùi. Với họ thì việc có được một mảnh đất, xây được một căn nhà là mơ ước lớn của cuộc đời. Vì được lên bờ sớm ngày nào thì cuộc sống của họ bớt khó khăn ngày ấy!

No comments:

Post a Comment