Tuesday, September 20, 2011

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC BÌNH ĐỊNH VƯƠNG LÊ LỢI

Ngày 19.09.2011

HS: Hôm nay là ngày 22 tháng 8 Âm lịch, ngày giỗ của đức Bình Định Vương Lê Lợi, người đã khai sáng ra triều đại Hậu Lê của giòng Việt tộc. Chúng tôi xin đến quý thính giả bài sơ lược về tiểu sử của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, để tưởng niệm công đức của Ngài, qua sự trình bày của anh Hướng Dương.

Đức Lê Lợi ra đời vào giờ Tý ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu năm 1385 đời nhà Trần. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ. Triều đình nhà Minh bên Tàu, lấy cớ là "Phù Trần Diệt Hồ", liền đưa quân tràn vào Việt Năm. Nhà Hồ thất trận và đến tháng 6 năm 1407 thì bị bắt cùng các con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương.

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, đức Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương.Trong thời gian đầu, quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người nên thường bị quân Minh đánh bại. Bị quân Minh vây đánh nhiều trận, quân Lam Sơn phải ba lần phải rút chạy lên núi Chí Linh vào những năm 1418, 1419. Trong một lần bị bao vây ngặt nghèo, cận tướng Lê Lai theo gương Kỷ Tín nhà Tây Hán phải đóng giả làm Lê Lợi, dẫn quân ra ngoài nhử quân Minh. Quân Minh tưởng bắt được chúa Lam Sơn nên lơi lỏng vòng vây, Lê Lợi và các tướng lĩnh thừa cơ mở đường khác chạy thoát. Lê Lai bị địch giải về Đông Quan và bị hành hình.
Ngoài quân Minh, quân Lam Sơn còn phải đối phó với các sắc dân miền núi và quân Ai Lao đã ngả theo quân Minh. Trong tình thế hiểm nghèo, đức Lê Lợi phải xin giảng hòa với quân Minh vào năm 1422. Đến năm 1423, khi thực lực được củng cố và sau khi quân Minh bắt giữ sứ giả, Bình Định Vương Lê Lợi liền xé bỏ hòa ước. Chỉ hai năm sau đó, quân Lam Sơn đã tiến chiếm nhiều vùng đất Nghệ An và Thanh Hóa, và bắt đầu bắc tiến.
Tháng 8 năm 1426, quân Lam Sơn chia thành 3 đạo tiến ra bắc. Quân Minh đưa thêm viện binh từ tỉnh Vân Nam sang nhưng bị tướng Phạm Văn Xảo phá tan. Vua Minh lập tức sai Vương Thông mang 10 vạn quân sang cứu viện nhưng bị phục kích ở Tốt Động và Chúc Động khiến 5 vạn quân thiệt mạng và 1 vạn quân bị bắt làm tù binh. Vương Thông cùng các tướng sĩ sống sót rút về cố thủ ở Đông Quan và đánh tiếng xin giảng hòa với điều kiện là Lê Lợi phải lập con cháu nhà Trần lên làm vua.
Bình Định Vương đồng ý vì muốn quân Minh rút lui ra khỏi đất nước nên lập Trần Cảo lên làm vua và ngài thì giữ chức Vệ quốc công. Nhưng đây chỉ là kế sách trì hoãn của Vương Thông để đợi thêm viện binh từ nhà Minh. Một lần nữa, đức Lê Lợi lại xé bỏ hòa ước, đưa quân tiến đánh thành Đông Quan và một số thành trì khác.
Cuối năm 1427, vua Minh sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân tiến sang từ Quảng Tây; Mộc Thạnh mang 5 vạn quân từ Vân Nam kéo sang. Đây là hai đại tướng từng sang đánh Hồ Quý Ly. Sau khi nhận được tin, đức Lê Lợi sai Lê Sát mang quân mai phục ở Chi Lăng. Ngày 20/9 năm đó, Liễu Thăng bị phục binh bắn chết, hơn 1 vạn quân Minh tử trận. Quân Minh chạy về Xương Giang bị quân Lam Sơn bao vây và tàn sát hơn 5 vạn quân nữa. Mộc Thạnh nghe tin thất trận vội vàng bỏ chạy nhưng bị quân ta truy đuổi, chém hơn 1 vạn quân và bắt được mấy ngàn tù binh cùng lừa ngựa.
Vương Thông nghe tin hai đạo viện binh bị đánh tan, sợ hãi xin giảng hòa để rút quân. Lê Lợi đồng ý cho giảng hòa để quân Minh rút về nước. Đức Lê Lợi sai sứ sang Tàu xin cầu phong. Vua Minh biết Lê Lợi không có ý tôn phò Trần Cảo nhưng vì bị thất trận, hao binh tổn tướng quá nhiều, nên đồng ý phong cho Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương.
Đến tháng Chạp, Vương Thông rút quân về nước. Các tướng sĩ muốn phục kích tiêu diệt đạo quân này nhằm trả thù các tội ác của chúng khi chiếm đóng Việt Nam, nhưng Lê Lợi không đồng ý vì muốn giữ hòa khí hai nước. Ngài ra lệnh cấp thuyền và ngựa cho quân Minh rút về.
Sau đó Ngài nhờ Nguyễn Trãi soạn thảo bài Bình Ngô đại cáo. Đây là áng văn chương nổi tiếng, rất có giá trị đời Lê, được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài thơ Nam quốc Sơn hà của đức Lý Thường Kiệt.
Đến năm 1428, đức Lê Lợi phế bỏ Trần Cảo để lên ngôi vua, tức vua Lê Thái Tổ, mở ra triều đại Hậu Lê. Ngài khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên thành Đông Kinh. Đây là một trong ba triều đại hiển hách nhất của nước Việt sau khi cởi bỏ được ách xâm lăng kéo dài gần 20 năm của nhà Minh, nối tiếp ngọn cờ độc lập kéo dài gần 400 năm của hai vương triều Lý, Trần trước đó. Đây cũng là triều đại mà nước Việt mở rộng cõi bờ về phương Nam, với rất nhiều đời vua, kể cả trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22 tháng 8 năm 1433 Âm lịch, tức chỉ ngồi trên ngai vàng có 5 năm. Trước khi nhắm mắt, Ngài căn dặn con cháu phải làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của ông một ngày để tưởng nhớ công ơn liều mình cứu chúa của đức Lê Lai.

No comments:

Post a Comment