Tuesday, September 20, 2011

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC TRUNG LIỆT HẦU LÊ LAI

Ngày 18.09.2011

HS: Hôm nay là ngày giỗ của đức Trung Liệt Hầu Lê Lai, chúng tôi xin gửi quý thính giả bài sơ lược tiểu sử của một vị anh hùng đã liều thân cứu chúa, giúp cho đức Lê Lợi thoát nạn trong cuộc kháng chiến chống Minh vào thế kỷ 15, qua sự trình bày của anh Nguyên Khải.  

Đức Lê Lai là một tướng lãnh trong đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn và là người đã hy sinh thân mình để cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh. Ngài thuộc dân tộc Mường, sinh sống ở thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang tỉnh Thanh Hoá. Cha của Ngài là Lê Kiều, một người thừa kế theo dòng họ giữ chức phụ đạo trong vùng.
Dũng tướng Lê Lai có dung mạo khác thường, có chí khí cao và tính tình rất cương trực. Trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã theo Lê Lợi chiến đấu và lập nên nhiều chiến công. Vào sáng ngày 1 tháng 2 năm Bính Thân 1416, trên thao trường Lũng Nhai cờ xí rợp trời, với bàn thờ thiên địa được thiết lập trang nghiêm. Bốn ngàn quân sĩ sắp theo đội hình phía trước lễ đài, các vị bô lão và trai gái trong vùng Lam Sơn tề tựu chung quanh thao trường.  
Đức Lê Lợi đã cùng 17 nghĩa sĩ bước lên đàn Xã tắc thắp hương, vái tứ phương và đọc lời khấn nguyện: “Chúng tôi là 18 người, có tên Lê Lai, Lê Ngân, Lê Liễu, Lê Hiếu, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Nguyễn Thận, Trình Khả, Trương Lôi, Lưu Trung, Bùi Quốc Hưng, Võ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Võ, Trương Chiến và Lê Lợi, thay mặt cho bốn ngàn tráng sĩ tụ nghĩa tại Lam Sơn. Xin Hoàng thiên, Hậu thổ chứng minh cho chúng tôi, tuy không cùng họ hàng thân thích nhưng kết nghĩa thề cùng sống chết, một lòng quyết chiến, đánh đuổi giặc Minh và giữ yên bờ cõi cho dân Việt được an hưởng thái bình. Chúng tôi sẽ không bao giờ dám quên lời thệ ước này. Lòng thành khấn thệ, cúi xin chứng giám”.  
Lê Lợi vừa dứt lời, cả ngàn nghĩa sĩ đã đồng loạt hô theo hai chữ “xin thề” vang dội như tiếng sấm. Sử sách gọi cuộc tụ nghĩa tại vùng đất Lam Sơn này là Hội Thề Lũng Nhai.      
Sau khi dựng cờ khởi nghĩa, đức Lê Lai trở thành một cận tướng bên cạnh Lê Lợi, xông pha nhiều trận hiểm nguy. Sử chép rằng vào cuối tháng 4 năm 1418, đức Lê Lợi thất trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối ra vào hiểm yếu, không thể chạy về Linh Sơn, Mường Cốc. Quân lính khổ sở, đói rét vất vả mười ngày liền, phải đào củ nâu ăn cầm hơi, người ngựa đều đói khổ. Đức Lê Lợi hỏi ai dám đổi áo hoàng bào để đánh lừa giặc như Kỷ Tín ngày xưa.. Lúc đó có Lê Lai, vốn người thôn Dựng Tú, tính cương quyết, nghiêm nghị, thẳng thắn, diện mạo khác thường, có sức khỏe và chí khí hơn người. Chỉ vào ngực mình, đức Lê Lai nói:  
- Tôi tự nguyện đổi áo hoàng bào. Nếu sau này Chúa công dựng nên đế nghiệp, có đưọc thiên hạ thì nhớ đến công lao của tôi, để con cháu tôi muôn đời sau được nhờ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi.  
Đức Lê Lợi liền vái trời và khấn rằng:  
- Lê Lai có công đổi áo. Mai sau, Trẫm và con cháu Trẫm, con cháu các công thần tướng tá, nếu không nhớ công ơn này thì nguyền đền cỏ này hóa thành núi rừng, ấn báu này hóa thành cục đồng, lưỡi gươm thần này hóa thành đao mác thường.
Vua khấn xong, Lê Lai liền cưỡi ngựa mang 2 con voi và 500 quân xông ra trận, tự xưng là chúa Lam Sơn. Giặc Minh tưởng thật, bao vây bắt trói, mang chém rồi tâu lên vua nhà Minh. Lợi dụng vòng vây được nới lỏng, quân Lam Sơn rút khỏi Trịnh Cao. Xúc động vì tấm lòng trung nghĩa của Lê Lai, đức Lê Lợi sai người trở lại tìm thi hài ông, mang về an táng ở Lam Sơn.  
Năm 1428, sau khi Lê Lợi lên ngôi, đức Lê Lai được truy tặng là "Sùng trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần", thụy là Toàn Nghĩa. Năm sau, Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của ông bỏ vào trong hòm vàng. Các đời vua sau tiếp tục phong tặng cho ông, đặc biệt là vào năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong ông làm Trung Túc Vương.  
Vua Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 âm lịch năm 1433. Trước khi nhắm mắt, ngài có dặn con cháu là khi làm giỗ thì phải giỗ Lê Lai trước một ngày, tức ngày 21 tháng 8 Âm lịch. Từ đó dân gian truyền lại câu: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".  
Ba người con của đức Lê Lai là Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm đều được Lê Lợi nuôi nấng như con. Lê Lộ có công tham gia đánh bại các tướng Minh là Trần Trí và Phương Chính, nhưng tử trận vào tháng 10 năm 1424. Lê Lư thì tử trận khi vây thành Nghệ An vào năm 1425. Riêng Lê Lâm, sau khi khởi nghĩa thành công được xếp vào hàng công thần thứ ba. Đến năm 1430 Lê Lâm xung phong đi đánh Ai Lao, lúc đuổi theo giặc bị trúng chông độc tử trận. Người cháu nội của Lê Lai, con trai của Lê Lâm tên là Lê Niệm, sau này đã cùng với Nguyễn Xí, Đinh Liệt phò vua Lê Thánh Tông lên ngôi. Ngoài ra Lê Niệm từng cầm quân sang đánh Chiêm Thành hai lần, và bắt được vua Chiêm là Trà Toàn.
Xin nghiêng mình dâng nén hương lòng để tưởng nhớ đến công đức cao dầy của đức Trung Liệt Hầu Lê Lai cùng con cháu của ngài!    

No comments:

Post a Comment