Thursday, September 15, 2011

"HÃY ĐỂ MÁU CHÚNG TA NHUỘM ĐỎ BIỂN ĐÔNG!"

Ngày 11.09.2011

HS: Trong cuộc hải chiến ở quần đảo Trường Sa, có 64 bộ đội VN tử trận dưới lằn mưa đạn của Trung Cộng và 9 bộ đội bị Trung Cộng cầm tù. Họ được phóng thích vào năm1991, nhưng đến hôm nay mới có dịp gặp mặt nhau, nhờ sự tổ chức của một nhóm trẻ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của nhà báo Hồ Trung Tú về buổi gặp mặt đó, qua sự trình bày của Dian.

Trong trận hải chiến Trường Sa – Gạc Ma xảy ra vào ngày 14/3/1988 có 9 người sống sót sau cuộc thảm sát giữa một bên tay không giữ đảo và một bên là súng máy phòng không 37 ly, cùng pháo 105 ly bắn thẳng vào vòng người tay không giữ đảo.
Chín người bị bắt, cùng sống và cùng chiến đấu để thể hiện phẩm chất người lính Việt Nam suốt 4 năm trong trại giam Trung Cộng. Nhưng kể từ ngày được trao trả vào năm 1991, đến nay họ mới có dịp gặp mặt nhau, và chỉ còn 8 người vì một người đã chết vì ung thư.
Họ đã kể về cảm giác tức ngực như thế nào khi đạn 37 ly cắm xuống nước. Hai anh Dương Văn Dũng và Phạm Văn Nhân vừa bơi vừa cố giữ thăng bằng hai đầu ván cho Trương Văn Hiền bị thương ở ngực, gãy xương sườn, gãy cánh tay trái nằm giữa, để không bị lật xuống nước suốt một ngày như thế. Họ kể về những câu chuyện trong nhà tù của giặc, với tinh thần đấu tranh trong từng câu nói, từng cử chỉ, cương quyết không hút thuốc lá, “không đọc được chữ”… Những điều đó họ vẫn nhớ như in. Họ tranh nhau kể và ôm nhau khóc!
Nhưng không hiểu sao đến sáng ngày khai mạc buổi gặp mặt chính thức thì chỉ còn lại ba người. Năm người kia đã lặng lẽ bỏ về trong đêm, kể cả tư trang trong nhà nghỉ khu du lịch Suối Lương cũng không buồn vào lấy. Không ai biết lý do tại sao họ lại bỏ đi. Qua điện thoại, họ chỉ a lô rồi nghe như có tiếng khóc.
Có người đoán là họ không chịu được những cảm giác bị sốc khi hồi tưởng lại những ngày ấy. Nhưng có người đoán là họ cảm thấy “sợ”, vì ban tổ chức buổi họp mặt không phải là một cơ quan nhà nước, và cũng không có ai đại diện đơn vị cũ đến gặp họ. Ngày khai mạc, quan chức thành phố Đà Nẵng không có ai đến và ngay cả chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cũng xin vắng mặt.
Mặc dù vậy, buổi lễ gặp mặt lần thứ nhất của những cựu chiến sĩ hải quân và thân nhân những người đã chết trong trận hải chiến Trường Sa, đã diễn ra thật cảm động. Sau những nghi thức chào hỏi, với đại diện duy nhất của chính quyền là giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, là buổi chiếu phim “Hải chiến Trường Sa 1988”, trong đó có một đoạn phim tài liệu do Trung Quốc thực hiện, quay rõ hình ảnh súng 37 ly bắn thẳng vào vòng người tay không giữ đảo ấy.
Có lẽ cả hội trường ai cũng đã xem qua đoạn phim này không dưới chục lần. Nhưng đến đoạn những tiếng hô “Tả lớ! Tả lớ!” vang lên, và đạn nổ dựng lên những cột nước thì không ai chịu nổi. Đến đoạn Thiếu úy Trần Văn Phương, người giữ cờ hô lớn trước khi hy sinh “Thà hy sinh chứ không để mất đảo! Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ tổ quốc” thì người góa phụ Mai Thị Hoa, vợ anh, bật khóc lớn. Nhưng câu hét vang của Thiếu úy Trần Văn Phương, theo anh Trương Văn Hiền, có một nội dung khác. Anh Hiền kể là lúc đó anh đứng gần chiếc xuồng, tức gần chỗ Trần Văn Phương cầm cờ, và anh Phương hét to: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo!“.
Khi cựu binh Dương Văn Dũng kể chuyện anh từ mũi tàu lao vào buồng lái thì thấy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ người nhuộm đỏ máu nhưng vẫn gượng đứng vững và bảo mọi người nhảy ra khỏi tàu, thì người con trai của anh, Vũ Xuân Khoa 25 tuổi, bật khóc.
Khoa từng nghe mẹ và nhiều người khác nữa kể về người cha nhưng đây là lần đầu tiên anh được nghe kể về hình ảnh cuối cùng từ chính người đã nhìn thấy cha anh lần cuối, và đã tận tay xé áo băng bó cho cha anh trước khi tàu chìm hẳn.
Đã 23 năm trôi qua, và chúng ta không hiểu tại sao đến giờ họ mới được gặp lại nhau. Chuyện đâu có đáng để phải giấu? Kẻ thù vẫn hằng ngày nói về ngày đó như là chiến thắng vinh quang của họ, kể cả còn làm phim để giáo dục con cháu của họ kia mà?
Vâng. Chúng ta thường phong anh hùng cho những người đã diệt được nhiều quân thù. Nhưng trong trường hợp này, chỉ riêng việc còn sống thì 9 người đó đã xứng đáng với danh hiệu anh hùng rồi. Chỉ với sự sống sót thôi mà những người thợ mỏ Chile đã được cả thế giới xem như những anh hùng. Tại sao vậy? Lẽ ra những người giải cứu họ mới xứng đáng được vinh danh hơn chứ?
Xin nói thêm về ban tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất này.Đó là các thanh niên trên dưới 20 tuổi, tự nguyện làm việc tại Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa. Sau nhiều năm tìm kiếm, liên lạc với 64 gia đình liệt sĩ, với chín người sống sót, đã kêu gọi đóng góp và tổ chức cho cuộc gặp mặt này nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Trong phát biểu với những cựu binh Trường Sa, những người trẻ này nói rõ rằng, thực tế có những chuyện mà vì nhiều lý do nhà nước làm không được, người lớn cũng không làm được thì "chúng cháu xin được làm. Mong các chú các bác ủng hộ".
Hồ Trung Tú

No comments:

Post a Comment