Wednesday, September 21, 2011

MẸ NGHÈO LAM LŨ NUÔI CON ĂN HỌC

Ngày 20.09.11

HS: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình" là câu hát muôn đời để dành tặng cho những người mẹ VN dù nghèo khổ đến đâu cũng ráng hy sinh cho con cái. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả câu chuyện về hai bà mẹ nghèo tại thành phố Sài Gòn với những đứa con hiếu thảo và hiếu học, qua sự trình bày của Như Giang.

Ngày tựu trường tại Sài Gòn, thành phố nhộn nhịp nhất nước, có những học trò nghèo đến lớp với tâm trạng phập phồng, không biết có được đi học đều đặn hay không...

Chị Huỳnh Thị Dạ Lan ở khu phố 6, phường Trường Thọ quận Thủ Đức, cứ nhủ lòng là thôi nghĩ ngợi vì nghĩ hoài chỉ thấy rầu, thấy rối chứ có giải quyết được gì đâu. Chị biết nếu ngồi nghĩ ngợi thêm một chút nữa, thế nào chị cũng quẫn trí rồi tính chuyện cho thằng Trọng Huynh nghỉ học để chỉ còn lo tiền học phí cho thằng Đệ, thì họa may, sức chị còn kham nổi. Hôm trước chỉ mới nghe chị nói xa nói gần chuyện cho thằng Huynh đi ở nhờ nhà người bà con, hai anh em thằng Huynh thằng Đệ đã khóc ròng, không chịu. Chị năn nỉ con một hồi rồi lại thấy giận mình vì làm mẹ mà không lo được cho con.
Trong sơ yếu lý lịch của mấy đứa con chị Lan, phần nghề nghiệp của mẹ, hai đứa con chỉ ghi một cách đơn giản là buôn bán. Mà cái ô trống nhỏ xíu trong lý lịch cũng chỉ đủ để ghi hai chữ đó mà thôi. Nhưng thực tế thì nghề nghiệp của chị khó diễn tả hơn nhiều. Vì xòe hai bàn tay chưa chắc đếm hết được những công việc mà chị đã và đang làm: nấu sữa đậu nành, bán thuốc lá, bán vé số dạo, bán bánh ướt, làm thợ nấu đám cưới, đám giỗ, đám ma rồi bốc vác, khiêng đồ, lặt rau mướn, bào rau thuê, tắm cho người bệnh, chăm sóc người già, và làm cả những chuyện mà đến con cháu của họ cũng ghê như đổ bô... Có dạo chị còn chạy xe ôm. Ai thuê mướn làm gì và cực mấy chị cũng làm, miễn kiếm được tiền cho con đi học.
Hai đứa út chị sinh đôi và đặt cho hai cái tên thiệt đẹp: Nguyễn Huỳnh Trọng Huynh - Nguyễn Huỳnh Trọng Đệ. Người cha bỏ đi, trong khi sức mẹ cũng có hạn, nên để có tiền đi học, hai anh em Huynh - Đệ đã đi bán vé số dạo hơn ba năm qua. Từ ngày lên 8 tuổi, hai anh em đã quen với việc đi học buổi sáng, buổi chiều lê la trên đường phố để bán vé số. Không chỉ loanh quanh trong các con đường nhỏ, có bữa hai anh em còn dắt nhau ra tới xa lộ Hà Nội, ngã tư Thủ Đức, đứng bán ở siêu thị Co-op Mart...
Hè vừa rồi hai anh em đi bán nhiều hơn để kiếm tiền mua kiếng đeo mắt, vì đứa nào cũng bị cận hơn 4 độ. Vậy mà mới hôm trước thôi, Đệ đang đứng đếm tiền thì bị hai người đi xe gắn máy vù ngang giật hết tiền và vé số.
Trước ngày tựu trường, chị Lan tần ngần dẫn hai con vô tiệm giày. Ngó vô tủ kiếng thấy một đôi giày giá 185 ngàn đồng, mẹ con dắt nhau ra chợ trời mua giày đổ đống. Giày xăng-đan, giày vải học thể dục, đồng phục thể dục, áo đồng phục của trường, sách giáo khoa, sách bài tập... cả trăm thứ cần mua. Vét hết tiền, chị chỉ mua được cái áo cho con, còn quần thì mặc lại quần cũ, sách thì đi mượn hay xin sách cũ.
Căn nhà của ba mẹ con giống như một vựa củi hay vựa ve chai. Để có củi nấu sữa bán, mẹ con chị đi mót gỗ vụn từ các công trình xây dựng rồi chất lên xe cút kít đẩy về xếp quanh nhà. Mấy tuần nay, tự nhiên đường Đặng Văn Bi kẹt xe liên miên. Khách muốn ghé vô mua điếu thuốc, uống ly sữa cũng bó tay. Xe sữa đậu nành và bánh ướt của chị ế ẩm. Cả nhà đành uống sữa, ăn bánh trừ cơm.
Chị cười buồn: “Hổng biết có phải tại uống sữa, ăn bánh ế riết nên hai đứa nó nhỏ hoài hổng lớn. Lớp 6 rồi mà chỉ tròm trèm 25 ký”. Thế nhưng năm năm liền Nguyễn Huỳnh Trọng Đệ là học sinh giỏi của trường tiểu học Từ Đức. Hai anh em hồn nhiên khoe: “Lúc đi học hay đi bán vé số, tụi con còn để ý lượm bọc ni lông, chai nhựa, phế liệu về cho mẹ”. Chị Lan tiếp lời: “Chai nhựa, chai nước suối giờ bán được lắm, hễ chục chai là bán được 3 ngàn đồng. Bây giờ ít ngàn không mua được cái gì nhưng nhiều cái “ít ngàn” như vậy, biết đâu giúp cho hai đứa nhỏ nhà tui còn được đi học”.
Tương tự như hoàn cảnh của chị Dạ Lan và hai cháu Huynh – Đệ, là một gia đình khác ở phường Trường Thạnh, quận 9. Xòe bàn tay đầy vết xước, chị Huỳnh Thị Hồng cho biết mới bị con còng kẹp đau thấu trời.
Sống ở thế kỷ 21, cái xã của chị giờ đã biến thành phường, với đường nhựa trải tới cửa nhà nhưng nghề mưu sinh chính của chị vẫn là đi bắt còng. Lần theo mé ruộng, bờ mương, bám theo những dấu chân nhỏ xíu in trên mép sình hay thò tay vào tận hang, ngày nào “trúng” lắm thì chị Hồng và hai đồng nghiệp kiếm được từ 5 đến 7 ký còng với giá khoảng 20 ngàn đồng một ký.
Nhờ đi bắt còng, chị Hồng mới có tiền lo cho hai con đi học. Cháu Cát Huỳnh Phương Tuyết, con gái lớn của chị, là học sinh giỏi sáu năm liền của trường trung học Trường Thạnh. Khi chưa chuyển sang nghề bắt còng, chị Hồng thường hay ra chợ mua khoai mì khoai lang về nấu rồi mang bán ở khu vực cầu Tăng Long. Chồng chị bỏ đi khi đứa nhỏ mới 1 tuổi và cháu Tuyết chưa đầy 5 tuổi. Có người hỏi chị Hồng lỡ ngày nào không bắt còng được nữa, chị tính nuôi con bằng cách nào?
Chị cười lớn, xua tay: “Trời, chưa biết nữa. Mà nghĩ chi tới chuyện xa xôi vậy. Càng nghĩ càng rầu, có khi rầu không đi làm được thì lại khổ cho con”.

No comments:

Post a Comment