Sunday, September 18, 2011

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ VÀ CÔNG ĐỨC CỦA ĐỨC TRẦN HƯNG ĐẠO

Ngày 17.09.2011

HS: Hôm nay là ngày giỗ đức Trần Hưng Đạo, một vị anh hùng dân tộc đã thống lãnh quân dân Đại Việt đánh bại đạo quân xâm lược Mông Cổ vào thế kỷ 13, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài sơ lược về tiểu sử của đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn để tưởng nhớ công đức của Ngài, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.

Đức Trần Hưng Đạo là một danh tướng thời nhà Trần. Ngài là người có công rất lớn trong ba lần kháng chiến chống quân Mông Cổ, mở ra những trang sử vẻ vang cho dân tộc. Nhưng trên hết Ngài là một nhà quân sự tài ba, đã soạn thảo các bộ binh pháp có tên là "Binh thư yếu lược" và "Vạn Kiếp bí truyền". Ngài được người dân Việt tôn sùng như một bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.

Đức Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1231 tại vùng Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngài là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú.
Năm Đinh Tỵ 1257, dưới đời vua Trần Thái Tôn, vua Nguyên truyền lệnh cho Hốt Tất Liệt cử binh đánh xuống đất Tống. Hốt Tất Liệt sai Ngột Lương Hợp Thai sang đánh nước Đại Lý (tức tỉnh Vân Nam hiện nay) và nước Đại Việt. Trần Thủ Độ được vua cử làm Tiết chế mang binh chống giặc. Đức Trần Hưng Đạo là một tướng trẻ trong đạo quân bảo vệ đất nước. Quân Mông Cổ tràn xuống chiếm Thăng Long. Quân dân Đại Việt đại phá quân Nguyên tại Đông Bộ Đầu thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông
Năm Quý Mùi (1283), dưới đời vua Trần Nhân Tôn, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan cùng hai đại tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi mang 50 vạn quân sang đánh Việt Nam. Quân Mông Cổ chia làm hai đạo. Một đạo bộ binh do Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi đích thân chỉ huy tiền theo ngã Lạng Sơn đánh xuống Thăng Long. Một đạo khác gồm 10 vạn thủy binh do Toa Đô thống lãnh , theo đường biển đánh vào Nghệ An.
Đức Hưng Đạo Vương được triều đình phong làm Tiết chế, toàn quyền chỉ huy toàn quân để chống giặc. Cuộc kháng chiến với quyết tâm Diên Hồng kéo dài hai năm. Hưng Đạo Vương liên tiếp đánh bại quân Nguyên tại Hàm Tử quan, bến Chương Dương, giết chết Toa Đô tại Tây Kết, và đánh úp Thoát Hoan tại Vạn Kiếp, đuổi toàn bộ quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.
Đến năm Đinh Hợi (1287), để phục thù cuộc chiến bại vào 4 năm trước, Hốt Tất Liệt sai Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, A Bát Xích, Áo Lỗ Xích, Phàn Tiết, Trương Văn Hổ mang hơn 30 vạn thủy binh và bộ binh tiến đánh Việt Nam. Hưng Đạo Vương một lần nữa được cử làm thống lãnh, chia quân gìn giữ các nơi trọng yếu. Sau 2 năm chiến đấu, quân Đại Việt đốt kho lương của quân Nguyên tại Vân Đồn, đánh tan thủy binh giặc tại sông Bạch Đằng, bắt sống Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp. Thoát Hoan và các tướng sĩ còn sống sót rút chạy về nước.
Sau chiến thắng này, đức Trần Hưng Đạo lui về sống ở Vạn Kiếp. Dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp, Ngài lập phủ đệ ở Kiếp Bạc để trấn giữ mặt đông bắc. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức nhằm ngày 11/10/1300 Tây lịch), đức Trần Hưng Đạo mất. Theo di chúc, thi hài của Ngài được hỏa táng, bỏ vào một bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh, và không xây lăng mộ.
Sau khi Ngài mất, vua Trần Anh Tôn sắc phong ngài là “Thái Sư, Thượng Phụ, Thượng Quốc Công, Bình Nguyên Đại Nguyên Soái, Long Công, Thịnh Đức, Vĩ Liệt, Hồng Huân, Hưng Đạo Đại Vương”. Người dân đã lập đền thờ Ngài trên nền vương phủ gọi là đềnKiếp Bạc và các ngày lễ tưởng niệm được tổ chức hàng năm vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.
Mỗi khi nhớ đến đức Hưng Đạo Đại Vương, người ta thường nhắc lại câu nói khẳng khái của Ngài "Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy ra hàng" khi ngăn cản ý định ra đầu hàng quân Nguyên để cứu lấy muôn dân của Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông vào cuối năm 1284. Khi sắp lâm chung, ngài đã cầm tay vua Trần Anh Tôn để nhắn nhủ nhà vua là "hãy lấy sức dân làm gốc rễ lâu bền" để mang lại sự thịnh trị và an lạc cho dân tộc.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận rất nhiều tướng tài đã xuất hiện dưới trướng của Ngài trong 3 lần đại phá quân Nguyên. Ngoài những vị tướng tôn thất nhà Trần như Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản... còn có những vị tướng xuất thân từ dân dã như Phạm Ngũ Lão (được ngài gả con gái) hay Dã Tượng, Yết Kiêu, Nguyễn Địa Linh, Nguyễn Địa Lô v.v...
Ngài cũng là tác giả của bài Hịch Tướng Sĩ rất nổi tiếng, với những câu như: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Nhưng đặc biệt là câu quở trách tướng sĩ của Ngài: "Các ngươi ngồi nhìn chủ bị nhục mà không biết lo. Thân gánh chịu cảnh nhơ nhuốc của nước nhà mà không biết thẹn. Làm tướng một nước lại đứng hầu mấy tay trùm mọi rợ mà không biết căm tức. Tai nghe tấu nhạc Thái Thường để hiến Ngụy sứ mà không tỏ sắc giận. Chỉ biết lấy việc chọi gà làm lạc thú, lấy việc bài bạc làm vui thích, quyến luyến vợ con để lo việc riêng, lo tiền của sinh lợi mà quên đi việc nước, ham mê săn bắn mà bỏ bê việc rèn luyện binh bị, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng đàn hát. Nếu có giặc Mông Thát đến thì cựa gà trống không đủ để đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo bài bạc không đủ để dùng làm quân mưu, nhiều ruộng vườn cũng không đủ để chuộc tấm thân ngàn vàng, vợ đàn con lũ không thể dùng vào việc nước việc quân, nhiều tiền lắm của cũng không đủ để mua đầu giặc, sức chó săn không đủ để đuổi giặc, rượu ngon không đủ làm cho giặc say mà chết, tiếng đàn hát không đủ làm giặc điếc tai!".  
Đức Trần Hưng Đạo còn soạn ra hai bộ Vạn Kiếp Tông Bí Truyền và Binh Thư Yếu Lược để binh tướng học hỏi chống giặc ngoại xâm. Vạn Kiếp Tông Bí Truyền là một loại binh thư rất quý, chỉ dành riêng cho các tướng lãnh thuộc dòng tôn thất nhà Trần, trong khi Binh Thư Yếu Lược là một bộ võ kinh được phổ biến trong giới tướng sĩ.
Theo các nhà sử học thì bộ Binh thư Yếu lược của đức Trần Hưng Đạo là bộ võ kinh đầu tiên của Việt Nam, được xử dụng không chỉ trong triều đại nhà Trần mà còn đến các triều đại Lê, Nguyễn sau này.

No comments:

Post a Comment