Friday, September 9, 2011

THẾ TẤT THẮNG CỦA NGƯỜI DÂN SYRIA

09.09.2011

HS: Sau 40 năm bị đày đọa dưới chế độ độc tài của dòng họ al-Assad, người dân Syria đã quyết chí đứng lên dù bị đàn áp rất đẫm máu. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Hồng Giang, nhận định về thế tất thắng của dân chúng Syria, qua sự trình bày của anh Song Thập.                                                                                       

Kể từ khi chế độ Al-Assad được thiết lập ở Syria bởi Hafez Al-Assad, đến nay nó đã kéo dài được 40 năm, tức hai thế hệ. Những người dân Syria dưới 40 tuổi không hề biết đến ông lãnh tụ nào ngoài hai cha con ông Assad, đặc biệt là vào năm 2000, khi ông cha Hafez qua đời, thì quyền lực được chuyển giao hoàn toàn cho ông con Bashar.

Nhưng người dân Syria lại biết nhiều chuyện khác. Họ biết vụ thảm sát ở tỉnh Hama vào năm 1982, nơi mà trong vòng vài ngày, có hơn hai chục ngàn người bị giết theo phương châm “giết một người sẽ làm vạn người sợ”. Họ cũng biết là hàng chục ngàn người khác bị bắt đi mất tích chỉ vì dám lên tiếng đặt vấn đề với chế độ. Và theo thống kê chính thức, dĩ nhiên là rất thiếu sót, có lẽ có hơn 2500 người đã chết trong các cuộc đàn áp do quân đội Syria thì hành theo lệnh của ông al-Assad “con”, tức Bashar al-Assad, từ tháng Ba năm nay cho đến nay. Con số này chắc chắn đã cao hơn, nếu thế giới không chú tâm đến tình hình ở Syria, nên khiến Bashar al-Assad phải chùn tay.
Cũng giống như bất cứ một chế độ hà khắc nào trong lịch sử, đế chế cha truyền con nối của dòng họ al-Assad khởi đầu bằng những bánh vẽ nghe rất kêu. Bánh vẽ này được gói ghém trong những mỹ từ như “độc lập”, “bình đẳng cơ hội” và “tự chủ”. Để rồi, khi bánh vẽ hết linh nghiệm thì có những trò đàn áp và giết chóc, với sự trợ giúp của các đồng minh độc tài không kém là Nga Sô, Nam Phi và Trung cộng.
Các bánh vẽ hết linh nghiệm vì người dân trong nước không còn tin tưởng vào những lời nói suông nữa. Và rồi các trò đàn áp và giết chóc cũng không còn làm ai sợ, vì người ta thà chết trong vinh dự chống đối, còn hơn là chịu khuất phục trước bánh vẽ của cường quyền. Chính vì thế, chế độ al-Assad chắc chắn sẽ phải sụp đổ. Nhưng nó sụp đổ không phải vì thế giới nghĩ rằng Bashar al-Assad hết thiên mệnh, hay vì Liên Hiệp Quốc tố giác những hành vi đàn áp là vô nhân đạo của y ta.
Nhưng nó phải sụp đổ vì người dân Syria càng lúc càng hết sợ hãi. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để xóa đi 40 năm nhục nhằn. Họ sẵn sàng chết cho thế hệ sắp tới, và nhất là họ muốn thế giới thấy rằng, không một thế lực nào có thể chống lại với ước vọng thỏa đáng của con người. Ngày tàn của chế độ al-Assad hiện chỉ còn là vấn đề thời gian. Không biết đến lúc đó, nhà độc tài Bashar al-Assad có được đồng minh nào bảo bọc để sống nốt quãng ngày tàn, hay sẽ chết dưới sự phục hận của người dân?
Nhìn tình hình Syria, người ta nghĩ ngay tới mấy cái bánh vẽ “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc” ở VN. Câu hỏi được đặt ra là trong thời đại tin học hiện nay, làm thế nào để những bánh vẽ đó ở VN có thể đứng vững và để dân chúng tiếp tục tin tưởng vào những lời dối trá, những hành động đi đêm với ngoại bang của tập đoàn có quân đội và công an trong tay?
Thời buổi mà những ai không nghe và không phục tòng thì sẽ bị đói khổ, cầm tù, tra tấn và giết choc… đã qua rồi. Đến một lúc nào đó, quân đội và lực lượng an ninh sẽ nhận ra rằng mình đang đàn áp chính những người thân thuộc của mình, và mình không thể nhắm mắt làm theo mệnh lệnh của một lũ ích kỷ được nữa. Bè lũ ích kỷ đó ra lệnh đàn áp vì sợ mất quyền lực và mất của cải. Người dân lành không có một tấc sắt trong tay, nhưng bù lại thì họ có ý chí vô song và ước nguyện đúng đắn, nên sẽ chiến thắng. Và khi người ta hết sợ cường quyền và quyết chí đứng lên thì ngày tàn của chế độ sẽ phải đến.
Người dân Syria, Libya, Tunisia, Marocco, Ai Cập... đã bước ra khỏi vòng sợ hãi đó.
Còn người dân Việt Nam, nếu thật sự là một “dân tộc anh hùng”, chắc chắn sẽ không để cho vận mạng mình nằm mãi trong vòng tay một chế độ độc tài đảng trị, "đụng đâu hư đó", "rời đâu hỏng đó" và chỉ quen xử dụng bạo lực và dối trá.
Hồng Giang    

No comments:

Post a Comment