Friday, September 9, 2011

TẠI SAO CSVN SỢ PHÁP TRỊ?


HS: Một thể chế pháp trị đúng nghĩa là một thể chế mà hành pháp, tư pháp và lập pháp được phân quyền một cách rõ rệt, chẳng hạn như nước Úc. Đảng CSVN thì nhất quyết không muốn thấy có điều đó. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận "Tại sao CSVN sợ pháp trị?" của Đà Giang, qua sự trình bày của Vân Khanh.

Ngày 31 tháng 8 vừa qua, một quyết định quan trọng của Tối cao Pháp viện Úc Đại Lợi (High Court of Australia) đã gây khủng hoảng trầm trọng cho chính phủ Ðảng Lao Động, dưới sự lãnh đạo của nữ Thủ tướng Julia Gillard . Khủng hoảng này giúp chúng ta hiểu tại sao người CSVN rất sợ quan điểm pháp trị chân chính.

Úc Đại Lợi là một nước theo quốc hội chế, với một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Chính phủ Lao Động của bà Gillard đã không chiếm được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội cách đây khoảng 1 năm. Đảng Lao Động có cơ hội nắm quyền là nhờ vào sự ủng hộ của 1 dân biểu đảng Xanh và một vài dân biểu độc lập. Vì thế việc nắm giữ quyền hành tương đối mong manh. Úc là một quốc gia kinh tế phát triển, tài nguyên thiên nhiên phong phú, mức sống rất cao. Ngoài lượng di dân chính thức, còn có lượng người tỵ nạn bất hợp pháp rất đông đảo và khó kiểm soát. Trong nhiệm kỳ quốc hội này, chính phủ Julia Gillard có 3 chính sách căn bản: -
  1. 1.Siết chặt biên thùy đối với tỵ nạn, đa số là các thuyền nhân đến từ Trung Đông (Border protection).
  2. 2.Đưa ra sắc thuế thán khí, để bảo vệ môi sinh (Carbon taxation).
  3. 3.Đưa ra sắc thuế lợi tức khai thác hầm mỏ, để tái phân phối lợi tức khoáng sản công bằng hơn (Mining profit taxation).
Đảng Lao Động luôn đối phó với những chỉ trích và phản biện thường xuyên từ đảng đối lập trong quốc hội là Liên minh của 2 đảng: Tự Do và Quốc Gia. Đây là khía cạnh không thể tránh trong một nền chính trị hiện đại, nhưng khủng hoảng ngày 31/8/11 vượt lên trên những phản biện bình thường của một nền dân chủ đa nguyên. Khủng hoảng này nói lên khía cạnh thứ hai của khái niệm dân chủ, đó là khái niệm phân quyền và tính ưu việt của pháp trị.
Trong thời gian qua, chính phủ Úc đã mất nhiều công sức để thương thuyết với chính quyền Mã Lai trong một hiệp ước song phương. Theo hiệp ước này, Úc sẽ nhận và cho định cư 4,000 người tỵ nạn, đã được Liên Hiệp Quốc công nhận với tư cách tỵ nạn. Ngược lại, Mã Lai sẽ nhận 800 thuyền nhân xâm nhập hải phận Úc, cho vào các trại thanh lọc ở Mã Lai. Mục đích của chính sách này nhằm đánh lên tiếng chuông cảnh cáo đối với các con buôn tỵ nạn tại Trung Đông, là nếu đến Úc sẽ không được nhập cảnh mà sẽ bị đưa vào trại tỵ nạn Mã Lai để thanh lọc. Đảng Lao Động vốn bị cử tri đánh giá là thiếu quả quyết trong các vấn đề di dân tỵ nạn, coi chính sách này như một chứng minh với cử tri là họ có khả năng bảo vệ biên thùy.
Tuy nhiên đây là một nước tự do, ngay cả những thuyền nhân tỵ nạn cũng có tư cách pháp nhân. Với sự giúp đỡ của thân hữu và những luật sư thiện nguyện, các thuyền nhân đã đưa vấn đề ra Tối cao Pháp viện Úc để phán xét về tính hợp pháp của chính sách này. Kết quả là các thuyền nhân toàn thắng và chính phủ Lao Động của bà Julia Gillard đã ngậm đắng nuốt cay. Tối cao Pháp viện Úc phán quyết với đa số 6/1, rằng chính sách này vượt quá quyền hạn (ultra vires) và do đó bất hợp pháp. Tòa còn ra lệnh cho chính phủ phải ngưng ngay việc gửi thuyền nhân sang Mã Lai.
Mặc dù chuyện này xảy ra tại Úc, nhưng giúp cho chúng ta hiểu được tại sao người CSVN không bao giờ chấp nhận một chế độ pháp trị thật sự trên đất nước Việt Nam. Tại Việt Nam, hoàn toàn không có sự phân quyền rõ rệt giữa hành pháp và tư pháp. Đảng CSVN vượt lên trên hiến pháp và luật pháp. Từ vị trí tối cao đó, đảng này đã khống chế hành pháp, lập pháp và tư pháp. Hãy lấy trường hợp của các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là trường hợp của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ thì sẽ hiểu rõ hơn.
Trước khi TS Hà Vũ bị tòa kết án, đã có hàng chục nếu không nói là hàng trăm kiến nghị và điện thoại từ các nhân vật trong đảng, từ các cấp địa phương đến trung ương đảng bộ và bộ chính trị, họ ra chỉ thị cho quan tòa mức độ kết án. Cho nên về mặt hình thức là có quan tòa xét xử, nhưng thực tế bộ chính trị đã xử và kết án từ trước.
Tại các quốc gia pháp trị đúng nghĩa, trước khi một tòa án phán quyết, không có bất cứ cá nhân nào, từ nguyên thủ quốc gia cho đến dân đen đều không được xen lấn vào tiến trình chí công vô tư của luật pháp, nếu không sẽ bị coi như vi phạm tội trọng hình (indictable offence). Tội danh này là phá hoại tiến trình công lý (perverting the course of justice). Từ việc tạo dựng các chứng cớ giả như các chứng cớ về TS Vũ mua dâm, ra lệnh cho công an ngụy tạo lời khai, đến những khuyến cáo để quan tòa phải kết án thế nào, tất cả đều vi phạm tội danh này.
Nếu tiêu chuẩn pháp trị nghiêm chỉnh được áp dụng tại Việt Nam, chúng ta có thể nghĩ rằng Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của đảng sẽ bị truy tố và kết án, dưới tội danh phá hoại tiến trình công lý. Tội trọng hình không giới hạn thời gian tính, nếu có dân chủ thực sự trong tương lai và các nhân vật liên hệ còn sống, các cơ quan hữu sự vẫn có trách nhiệm truy tố họ như thường.
Tiêu chuẩn pháp trị giúp chúng ta phân biệt những quốc gia may mắn đươc sống dưới một chế độ dân chủ thực sự như Úc Đại Lợi. Những quốc gia khác kém may mắn sống dưới sự cai trị của các băng đảng như: Libya, Syria, Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn, các nhóm băng đảng này coi quốc gia như là một lãnh địa thời phong kiến và họ là những lãnh chúa có quyền sinh sát đứng ngoài vòng luật pháp.
Với cao trào dân chủ đang lên, Gaddafi của Libya và Al Assad của Syria sẽ hiện nguyên hình là những tội phạm tày trời, dưới ánh sáng của chế độ pháp trị mới. Một ngày tươi sáng tương tự sẽ đến với đất nước chúng ta trong tương lai không xa.

Đà Giang 
3/9/2011   

No comments:

Post a Comment