Thursday, September 15, 2011

NHÂN TÀI HAY NHÂN TAI?

Ngày 12.09.2011

HS: Trong mấy tuần qua, đảng CSVN bỗng nhiên nhắc nhiều đến hai chữ trí thức và nhân tài, kể cả việc mở hội thảo để bàn về việc xử dụng nhân tài. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Nhân tài hay nhân tai?" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.

Vào hôm 6/9 vừa qua, ban Tổ chức Trung ương đảng CSVN đã mở một cuộc hội thảo có tựa đề "Công tác nhân tài ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Nhân dịp đó, tờ báo Tiền Phong trong nước đã làm một cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, người từng nắm giữ chiếc ghế phó ban vào mấy năm trước.

Và có 1ẽ vì đã về hưu, không còn nắm giữ chức quyền gì nữa, nên ông Hương có những nhận định thẳng thắn hơn về chính sách và thể chế hiện nay, tương tự như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An. Ông tuyên bố là muốn tận dụng được nhân tài thì phải dẹp bỏ sự phân biệt đảng viên hay không đảng viên, cũng như phải thay đổi toàn bộ cơ cấu và chính sách lãnh đạo.
Cũng theo ông Hương thì một rất điều quan trọng khi muốn xử dụng nhân tài là phải có người lãnh đạo tài giỏi. Vì người lãnh đạo giỏi thì mới chọn được người giỏi, chứ người dốt thì thường không bao giờ muốn chọn người giỏi hơn mình. Và theo ông thì đảng cộng sản VN đang có những qui định khắt khe về tuổi tác vì lấy tuổi tác làm tiêu chuẩn lựa chọn thay vì đặt trên tiêu chuẩn "tài – đức".
Trả lời câu hỏi về tệ nạn chạy chức chạy quyền, ộng Hương nói thẳng là đảng đã làm bậy khi quyết định hết mọi chuyện và ép dân phải bầu theo ý đảng. Ông cho biết chính vì trong đảng cũng thiếu dân chủ nên mới đẻ ra tệ nạn chạy chức chạy quyền. Mà vì người có tài thì không "chạy chọt" nên những kẻ bất tài mới có cơ hội leo lên các ghế quyền lực.
Những điều ông Hương nói ra không có gì là sai trật để phải phê phán. Đó chính là kế sách chiêu hiền đãi sĩ mà các bậc minh quân thời xưa, và các chính đảng ở các xứ dân chủ, đều áp dụng để mang lại sự thịnh trị cho quốc gia và dân tộc mình. Họ đã áp dụng từ lâu các điều mà ông Hương nêu ra, chẳng hạn như tạo sự tranh đua tài năng và có các chính sách đãi ngộ xứng đáng với người có tài. Và nếu không làm tròn trách nhiệm là phải từ chức hay bị thay thế ngay lập tức, chứ không chờ cho đến hết nhiệm kỳ.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là khi còn nắm giữ quyền lực tại một ủy ban đặc trách việc sắp xếp nhân sự cho guồng máy đảng và nhà nước, ông Hương có thẳng thẳn nêu ra những quan điểm ấy hay không? Và có bao nhiêu người có tài đã được ông tuyển chọn vào hai guồng máy đó?
Câu trả lời có thể là có mà cũng có thể là không. Tương tự như ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn An và nhiều quan chức cao cấp khác nữa của chế độ, ông Hương có lẽ chỉ nghiệm ra điều đó sau khi về hưu, có nhiều thì giờ để quan sát kỹ hơn lế lối vận hành của chế độ. Cũng giống như những kẻ nghiện ma túy, quyền lực dễ làm cho người ta say mê, chỉ muốn đi lên chứ không muốn bước xuống. Và chỉ khi nào bước ra khỏi vòng xoáy đó thì mới có đủ tỉnh táo để nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua.
Rất hiếm thấy người cộng sản VN nào nắm những chức vụ cao có thái độ khẳng khái "giũ áo từ quan" như những kẻ sĩ ngày xưa, khi thấy triều đình bất công và thối nát. Thậm chí những người có tư tưởng cải cách như Nguyễn Cơ Thạch hay Lê Hồng Hà cũng bị hất văng ngay lập tức.
Và đó là điểm chung của bất cứ chế độc tài độc đảng nào. Họ đặt quyền lợi của họ và của đảng họ lên trên quyền lợi dân tộc. Họ chấp nhận bị dân chúng oán ghét, chứ nhất quyết không buông bỏ quyền lực. Và khi một người bất tài như Nguyễn Tấn Dũng mà vẫn được hơn 95% số đại biểu bầu làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, thì người ta hiểu rõ là không có thể kỳ vọng gì ở đảng cộng sản trong việc cải tổ guồng máy điều hành.
Nhưng điều đáng nói là không hiểu tại sao đảng cộng sản VN lại có quan niệm người tài là người có bằng cấp. Họ đưa ra tiêu chuẩn học vấn cho các chức vụ ở mỗi cấp, chẳng hạn như cấp xã huyện thì phải có bằng trung học trở lên, và cấp tỉnh thành thì phải có bằng đại học. Kết quả là bằng cấp giả được mua bán tràn lan. Chỉ trong vòng 10 năm, con số tiến sĩ và giáo sư ở VN gia tăng với tốc độ chóng mặt. Ngày xưa người dân VN "ra ngõ là gặp anh hùng", bây giờ thì giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ "chạy đầy đường".
Ngay trong quốc hội khóa 13 này cũng không thiếu gì những người "tài" như thế. Nhưng cái "tài" của họ, xin trích dẫn nguyên câu của ông Nguyễn Đình Hương, là "tài lợi dụng cơ chế của đảng và nhà nước để thu vén cho cá nhân, tài lách luật, tài chạy chọt, đút lót và chạy dự án"!
Nhưng như thế là "nhân tai" cho đất nước chứ đâu phải là "nhân tài"?
Quan Điểm - LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment