Monday, September 5, 2011

CHỢ DỌN RA ĐƯỜNG PHỐ

HS: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Sài Gòn để buôn bán có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là các khu chợ đang xuống cấp thảm hại. Chúng tôi xin gửi quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Chu Bình, qua sự trình bày của chị Dian.

Trong mấy năm qua, ngày càng có nhiều tiểu thương bày hàng trên đường phố? Tại sao có làn sóng "nhào" ra mặt tiền đường như vậy?
Câu trả lời là nhiều khu chợ ở Sài Gòn đang xuống cấp thảm hại. Giới tiểu thương tìm mọi cách "nhào" ra mặt đường buôn bán, khiến thành phố trở nên mất thẩm mỹ, môi trường ô nhiễm và tắt nghẽn giao thông...


Điển hình là chợ Bà Chiểu thuộc quận Bình Thạnh. Đây là chợ vừa bán sỉ, vừa bán lẻ nên lượng khách thường rất đông vào các ngày cuối tuần. Mấy năm qua, hàng loạt các cửa hàng hay siêu thị mọc lên xung quanh chợ, cộng thêm các chợ tự phát lân cận trên đường Ngô Nhơn Tịnh, Diên Hồng, Bùi Hữu Nghĩa… và việc che chắn lô cốt làm đường, đã làm giảm sức mua của các gian hàng trong chợ. Bên cạnh đó, thói quen chèo kéo khách hàng, lấn chiếm lối đi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, kể cả an ninh trật tự trong chợ.
Đến khu vực "chợ tạm" bày bán các loại rau quả và thực phẩm, người ta dễ dàng nhìn thấy cảnh ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Liêm, một chủ sạp cá biển, cho biết: "Chúng tôi đang buôn bán yên ổn thì ban quản lí chợ chuyển chúng tôi đến chợ tạm và hứa một hai năm sau khi nâng cấp chợ sẽ chuyển về. Nhưng nay đã 7 năm rồi, chúng tôi phải chịu cảnh tạm bợ thế này. Buôn bán thì ế ẩm nhưng chúng tôi vẫn phải đóng mỗi tháng từ 300 đến 500 ngàn đồng tiền thuế".
Chị Lê Thị Nga, một chủ sạp buôn bán rau quả, cũng lâm vào cảnh ế ẩm: "Chúng tôi ngồi đây chủ yếu là bán cho khách vãng lai. Ai có mối với các nhà hàng thì đi bỏ thêm, chứ ít người mua bán lắm. Từ 68 sạp hàng nay chỉ còn 12 sạp. Chợ tạm này nước ngập thường xuyên, bốc mùi hôi thối nên người đi chợ không ai dám bước vào".
Được hỏi tại sao họ không kiến nghị với ban quản lí chợ hay các cấp chính quyền, các tiểu thương cho biết: "Chúng tôi đến ban quản lí thì họ nói vấn đề giải quyết là thuộc thẩm quyền của phường. Xuống phường thì lại bị chỉ sang quận, rồi quận thì bảo về nói chuyện với ban quản lí, không biết đường đâu mà lần. Chúng tôi phải làm ăn, có thời gian đâu mà đi hỏi hoài"(!).
Ông Nguyễn Tấn Phát, trưởng phòng nhân viên quản lí chợ, cho biết: "Chợ Bà Chiểu xuống cấp, ô nhiễm môi trường là có thực, bởi cống thoát nước chính của chợ bị vỡ, cộng thêm nguồn nước bẩn ứ đọng lâu ngày nên bốc mùi hôi thối. Hiện chợ Bà Chiểu cũng không có nhà vệ sinh cho khách hàng và tiểu thương. Chúng tôi nhiều lần trình lên các cấp lãnh đạo quận nhưng chưa nhận được chỉ thị gì cả".
Nhưng trong khi các khu chợ chính bị bỏ bê thì các chợ tự phát lại mọc lên như nấm, góp thêm vào việc ô nhiễm môi trường và làm mất thẩm mỹ. Người dân sống hai bên đường Phạm Văn Bạch, thuộc phường 12, quận Gò Vấp, hiện rất bực tức về tình trạng ô nhiễm của chợ tự phát Tân Sơn. Cùng là một con đường Phạm Văn Bạch, được nhà cầm quyền thành phố chấp thuận mở rộng và nâng cấp từ ba năm trước, nhưng trong khi đoạn chạy qua quận Tân Bình được tráng nhựa sạch sẽ và rộng rãi cách đây hơn một năm, thì đoạn thuộc quận Gò Vấp vẫn chật chội, lầy lội với khu chợ tự phát.
Sau những cơn mưa, cả khu chợ giống như con mương chứa nước thải. Cái nắng chói chang buổi trưa làm cho mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Một cư dân cho biết: "Bà con tụi tui ở đây chịu hết xiết rồi. Ô nhiễm quá trời, quá đất!". Theo chị và những người buôn bán ở chợ thì giới chức phường nhiều lần đến đo đạc, sơn đi vẽ lại nhưng rốt cuộc vẫn chưa có một hành động nào.
Chợ Tân Phú I thuộc quận Tân Phú, thành lập từ năm 1965, cũng được nâng cấp khá khang trang vào năm 2008, thế nhưng không hiểu sao vẫn chưa giải quyết được tình trạng mua bán lộn xộn và trật tự giao thông ở khu vực bên ngoài chợ.
Chị Bùi Thị Vui, một trong những tiểu thương lâu năm tại chợ, cho biết: "Năm 2007 giới chức phường Tân Thành thông báo quyết định nâng cấp chợ để bà con tiểu thương buôn bán thuận lợi. Tưởng nâng cấp xong thì ngăn nắp hơn, nhưng thực tế không phải như vậy". Các ô sạp dày đặc, lối đi lại trong chợ chật hẹp, nền chợ cao nhiều bậc, nước của các sạp nông sản thủy sản chảy tràn lan, khiến các bà nội trợ cảm thấy ngại ngần khi bước vào bên trong chợ.
Vì thế các tiểu thương thích đưa hàng ra bày bán ở cổng chợ, lấn chiếm lòng lề đường!

Chu Bình

No comments:

Post a Comment