Monday, September 5, 2011

NHỮNG NGƯỜI CHẾT OAN

HS: Hàng loạt cái chết oan khiên đã diễn ra trên khắp đất nước chỉ vì sự tắc trách và cẩu thả của giới xây dựng. Nhưng ngay tại Sài Gòn, thành phố văn minh nhất nước, những cái chết oan đó cũng không hề được ánh sáng công lý soi rọi đến. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây, qua sự trình bày của Dian.

Nhiều vụ chết người do điện giật, tông vào hố ga... đã xảy ra gần hai năm qua nhưng vấn đề trách nhiệm và nguyên nhân vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ giới chức hữu trách.

Những cái chết oan uổng xảy ra ở thành phố Sài Gòn là vì sự tắc trách của các đơn vị thi công. Thế nhưng nhiều năm tháng đã trôi qua, không một vụ nào được khởi tố. Trong khi đó thì gia đình nạn nhân, không chỉ trực diện với thực tế đau buồn vì mất đi người thân, mà còn mất thời gian lui tới cơ quan điều tra. Chính vì thế một số gia đình đã “buông xuôi”, khiến những cái chết oan ức cứ chìm dần.
Người dân Sài Gòn chắc chưa quên vụ rò rỉ điện tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu ở quận 5 khiến em Cồ Quốc Duy 13 tuổi, một học sinh lớp 8 trường trung học Lý Phong, thiệt mạng vào tối ngày 31/8/2009. Đến nay, vụ việc hoàn toàn chìm vào quên lãng đến độ khó hiểu.
Ngày 19/8 vừa qua, chúng tôi tìm gặp mẹ cháu Duy, người phụ nữ đã nhiều lần ngất xỉu khi hay tin con mình chết thảm, nhưng chị vẫn không thể tiếp chuyện dù có mặt trong nhà. Theo lời ông Cồ Quốc Hưng, cha của cháu Duy, thì sau khi mất đứa con trai, người mẹ Nguyễn Phương Thảo bị bệnh trầm cảm, không lúc nào tỉnh táo, không thể làm bất cứ việc gì, kể cả việc nấu cơm cho chồng con. Trước đó bà Thảo là chủ nhân của một tiệm bán kiếng đeo mắt. Sau cú sốc mất con, công việc kinh doanh hầu như đình trệ. Hằng ngày, bà Thảo chỉ lầm lũi trong nhà, ngại gặp đám đông, và ít tiếp xúc với mọi người, kể cả người thân.
Người cha của cháu Duy giận dữ nói: “Gia đình tôi chỉ có cháu Duy là con trai duy nhất và cũng là cháu đích tôn trong dòng họ. Vì vậy khi nghe tin cháu mất, bố tôi ở Hà Nội cũng sinh bệnh rồi mất sau đó 3 tháng. Trong một thời gian ngắn nhưng mất 2 người thân khiến tôi không còn tâm trí nào làm việc. Thực tình gia đình tôi không đặt nặng vấn đề đền bù và cũng không muốn kiện cáo. Vì mỗi lần làm đơn là vợ chồng tôi phải đối diện với không khí u uất, não nề và nhiều người cho rằng kiện cáo mất thời gian. Chúng tôi chỉ có yêu cầu đơn giản là phải có đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm về cái chết cho con tôi, chứ không thể trả lời chung chung, đổ lỗi do trời mưa gây ngập đường khiến điện rò rỉ".
Tương tự như thế, cái chết của cháu Huỳnh Minh Khánh, học sinh lớp 7 trường trung học Xuân Trường ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức vào chiều ngày 19/1/2010, dường như cũng chìm vào quên lãng. Chị Lâm Thị Mai, mẹ cháu Khánh, cho biết: “Sau khi con tôi chết vì bị điện giật tại hàng rào công trình tuyến cống hộp Suối Nhum, công ty xây dựng đưa 50 triệu đồng để lo chi phí đám tang và giúp gia đình rồi… biến mất! Hôm đám tang, quan chức phường có đến an ủi, hứa sẽ xây nhà tình thương cho gia đình, nhưng hơn 1 năm rưỡi trôi qua, vẫn không thấy gì cả”.
Chúng tôi đến thăm anh Lê Quốc Đức, chồng chị Hà Thị Tuyết Mai, người bị tử nạn ngày 9/10/2010 trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức. Khi chở con trai đi học về thì chiếc xe gắn máy của chị Mai quẹt vào miệng hố ga lấn ra đường nên chị té ngã. Một chiếc xe tải chạy cùng chiều lao tới cán chết.
Chị Mai mất đi để lại cho anh Đức một khoảng trống không gì bù đắp được. Đau đớn hơn, hình ảnh người mẹ nằm chết dưới bánh chiếc xe tải sẽ là nỗi ám ảnh khó quên của đứa con trai. Tối hôm 18/8, chúng tôi trở lại thăm cha con anh Lê Quốc Đức. Phải chờ khá lâu mới gặp được vì anh đi chùa, một điều hiếm thấy trước đây. Biết chúng tôi là phóng viên, anh Đức thật sự không muốn tiếp khi có đứa con trai đứng bên cạnh. Hiểu được nỗi lòng, chúng tôi xin phép ra về. Sau đó, anh điện thoại tâm sự rằng anh không muốn gợi lại thảm cảnh này nữa, nhất là khi có mặt đứa con trai.
Anh nói: “Tôi sẵn sàng tha thứ tất cả, không đòi hỏi hay khiếu kiện gì. Còn việc bồi thường thì tùy lòng hảo tâm vì chuyện không ai muốn. Sinh mạng con người không thể đong đếm!”.
Hiện anh Đức vẫn đi làm để cố chăm lo cho 2 đứa con thơ bất hạnh, sớm mồ côi mẹ. Do ám ảnh cái chết của mẹ, mỗi lần anh có việc đi hơi lâu, các con anh liền gọi điện hối thúc anh về sớm.
Một ngày sau cái chết của chị Mai, một tai nạn khác cũng khiến một người đàn ông chết thảm khốc. Trong cơn mưa lớn như trút nước, cổng xe lửa trên đường Tô Ngọc Vân của quận Thủ Đức bị ngập nước trắng xóa. Ông Vũ Hồng Thái đang dầm mưa đạp xe trở về nhà và dù đã cố đi sát lề cho an toàn nhưng bất ngờ ông bị lọt vào ống cống thoát nước sâu hoắm. Ông bị nước cuốn trôi.
Bà Hiền, vợ ông Thái, buồn bã kể: “Lúc còn sống, biết tôi sắp về hưu nhưng hai con vẫn còn tuổi ăn học, ông ấy hứa sẽ cố tìm việc làm thêm ngoài công việc bảo vệ để tăng thu nhập cho gia đình. Vậy mà đúng vào ngày tôi nhận quyết định về hưu cũng là ngày ông ấy mất”.
Nỗi đau còn đó,  nhưng cũng với thái độ an phận như anh Đức, bà Hiền cho biết là sẽ không kiện thưa gì vì không có điều kiện để theo đuổi vụ án. Hơn nữa dù có theo đuổi cũng chưa chắc làm được gì vì chỉ là “con kiến kiện củ khoai”.
Bà Hiền xác nhận đến tận bây giờ gia đình của bà vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ cơ quan điều tra. Bà lầm lũi nuôi con, còn phía những người có trách nhiệm vẫn chưa có một lời nào an ủi vong linh người quá cố!

No comments:

Post a Comment