Tuesday, September 6, 2011

BỜ SÔNG CÀNG ĐẸP, CÀNG NHIỀU QUÁN NHẬU

HS: Tình trạng nhậu nhẹt ở VN đã không còn là hiện tượng mà trở thành làn sóng trên toàn quốc. Càng nghèo thì càng nhậu nhiều. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây, nói về các quán nhậu mọc tràn lan ở các bờ sông, qua sự trình bày của Như Giang. 

Những bờ sông thơ mộng của VN bây giờ đang trở nên hỗn độn, phức tạp và dơ dáy. Ở bất cứ nơi nào có sông với hai bên bờ xinh đẹp là nơi đó mọc lên hàng loạt quán nhậu. Đây là hiện tượng diễn ra từ Bắc chí Nam suốt mấy năm qua.

Nếu bờ đê Yên Phụ, và các đoạn đê trên sông Hồng, nơi nào đẹp cũng bị “quán hóa” thì các bờ sông ở Huế, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa cho đến Sài Gòn, Ðồng Nai, và tận lục tỉnh miền Tây cũng vậy. Đi đâu cũng gặp nhậu.
Có bờ sông là có quán nhậu, rồi vứt rác xuống sông, ói mửa xuống sông, tiểu tiện xuống sông... Có khi cả một đoạn bờ sông thơ mộng toàn mùi xú uế và tiếng chửi thề.
Càng đói thì càng nhậu nhiều. Ðó hiện là tâm lý chung của đa số dân nghèo, vì họ thất nghiệp, chán đời, làm không đủ ăn. Chỉ còn biết mượn rượu giải sầu để quên đi mọi chuyện, nhất là khi rượu được làm bằng men Trung Quốc, dễ làm và dễ uống, với giá cực rẻ. Uống để mau chết, để mau thoát khỏi kiếp nghèo...
Nói nghe tưởng đùa, nhưng sự thật là như vậy. Con số này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong xã hội Vn ngày này. Nhất là thời đại mà 85% uống rượu bằng khổ nhục và nước mắt, 15% còn lại uống bằng máu dân.
Quán nhậu bên cạnh bờ sông có nhiều lợi thế. Tiền thuế khỏi phải nộp, nếu có nộp thì ít ra cũng vài tháng sau khi mở quán nhậu mới thấy giới chức xã phường tới hỏi thăm. Một lợi thế nữa là bờ sông mát mẻ, thoáng đãng, khỏi tốn tiền che mái lá hay lợp mái tôn. Chỉ cần thủ sẵn mấy miếng vải bạt đề phòng trời mưa lớn thì căng ra, vậy thôi. Và nhất là khỏi phải xây nhà vệ sinh. Các quán nhậu chỉ cần vài bộ bàn ghế, vài chai rượu đế, vài trái cóc, vài bát ốc luộc hay xào sả ớt là đủ cho dân nhậu.
Nói chung là người bán cũng tiện mà người mua cũng khỏe vì chủ quán không bỏ vốn nhiều nên có giá rẻ. Không có gì đã bằng ngồi nhậu bên sông. Nhưng không phải là người dân không biết xót xa cho các con sông, chẳng qua vì miếng ăn và cái nghèo khó đã buộc họ phải nhắm mắt làm ngơ.
Chủ nhân một quán nhậu bên bờ sông Hoài ở phố cổ Hội An nói: “Thật ra, khi mở thêm một quán nhậu cũng có nghĩa là có thêm một tay đồ tể giết chết con sông này. Nhưng thú thật là vợ chồng tui chẳng biết làm gì sau khi nghỉ việc ở xí nghiệp may. Học hành thì chỉ mới lớp 9, nói vui là trường cháy, thầy chết, giờ mình biết làm gì? Chấp nhận mở quán nhậu, kiếm tiền nuôi con. Mà nghe người ta gọi là ông chủ cũng thấy sang!”
Chủ một quán nhậu gần đó thì nói: “Mình phải cố mở quán, chứ không thì mai mốt tụi nó cũng đến đây xây quán rồi chiếm đất. Thời đại bây giờ, thằng nào mạnh thì thằng đó chiếm cứ. Đặt vào trường hợp ông thì ông có mở quán không? Phải mở thôi. Ít ra thì quán nằm ngay trước nhà. Khách có say, có chửi thề thì chí ít cũng đã mang tiền đến cho mình. Chứ có đâu để tụi nó tới chiếm cứ rồi lại xả rác ra cho mình hưởng. Ui dào, sông này chết thì có sông khác mọc ra. Mà không mọc thì nhà nước cũng phải vét sông chứ, dân có đóng tiền mà!”
Bác Hùng, một giáo viên nghỉ việc gần 20 năm qua, rầu rĩ nói: “Mình cũng đau lòng về chuyện này lắm, nhưng biết làm gì khi gia đình nghèo khổ quá, chỉ vì con cái mà phải muối mặt hy sinh, bán cả liêm sỉ và lòng tự trọng của mình. Tôi biết mình đang làm sai, nhưng chẳng có cách nào hơn!”.
Một người nông dân khác bỏ ruộng ra làm quán nhậu bên bờ sông Thu Bồn nói: “Nói là tôi bỏ ruộng chứ thật ra không hẳn vậy đâu. Ngày xưa nhà tôi có nhiều ruộng lắm, đến thời hợp tác xã, họ tịch thu, nói là sung vào công quĩ hợp tác xã và hứa đủ điều, cuối cùng mình mất mấy mẫu đất, cái bằng khoán mình mua đất trước 1975 xem như bỏ đi. Giờ còn có mấy trăm mét ruộng thì sao mà nuôi con ăn học, phải ra đây bán quán kiếm tiền mà sống...”
Ðó là những người vì quá khổ, ra bờ sông mở quán nhậu để “đổi gió đời”. Nhưng con số này rất ít. Phần lớn các chủ quán nhậu ở hai bên bờ sông hoàn toàn giàu sụ. Chủ một quán nhậu được xem là đại gia bên bờ sông Thu Bồn, nói: “Người ta mở quán được thì tui mở quán được. Mình phải làm giàu chứ, nghèo cũng là tội ác, tại sao người ta giàu mà anh nghèo? Là do anh không biết tính toán. Thời đại bây giờ công bằng lắm, kẻ nào lanh là kẻ đó có tiền!”.
Vợ một quan chức cao cấp của thành phố Quảng Ngãi, làm chủ một quán nhậu bên bờ sông Trà Khúc nhưng đứng tên người khác, nói: “Anh muốn giàu thì cũng phải có thế lực. Thử xem con cái của ông thủ tướng thì biết. Tụi nó đồng ý là có thông minh, nhưng nếu tụi nó không phải là con ông này ông nọ thì làm sao mà có thể để thành đại gia kếch xù như vậy!".
Chuyện bờ sông thành quán nhậu là chuyện quá phổ biến ở Việt Nam, tưởng không cần nói thêm. Nhưng có điều lạ là thời bão giá, cái ăn, cái mặc không đủ, chật vật thì quán nhậu lại mở ra thêm rất nhiều dọc các bờ sông. Và khi bờ sông cũng ói mửa vì mùi men thì có thể dễ dàng đoán ra tình hình đất nước, dân tình đang nằm chỗ nào và tương lai dân tộc đầy mùi hèm của rượu Tàu rồi sẽ đi về đâu.
Âu đó cũng là một biểu hiện của thời mạt pháp vậy!

No comments:

Post a Comment