Wednesday, February 1, 2012

NGUY CƠ MẤT ĐẤT VÌ DÁM CHỐNG THAM NHŨNG

Ngày 31.01.2012     

Lời dẫn: Nghe theo lời xúi giục của đảng, một nông dân và là một thương binh của chế độ đã thu thập bằng chứng để tố cáo vụ tham nhũng đât đai ở xã Phú Phong huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng bây giờ thì gia đình có nguy cơ bị mất ruộng vườn vì đòn trả thù của họ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả câu chuyện đau lòng sau đây, qua sự trình bày của chị Hoàng Ân
Một nông dân đang có nguy cơ bị mất ruộng vườn chỉ vì nghe theo lời kêu gọi chống tham nhũng của đảng. Ông là một trong số những nông dân có công tố cáo vụ các quan chức xã và huyện đã bán bất hợp pháp hơn 30 mẫu khiến 13 người bị truy tố. Thế nhưng trong khi các miếng đất đó chưa được thu hồi thì nhà cầm quyền huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh lại âm mưu thu hồi khu đất mà ông đã khai phá suốt 20 năm qua.

Vào năm 2005, tờ báo Tiền Phong có bài phóng sự nói về ba nông dân lớn tuổi là ông Nguyễn Kim Hợp, Nguyễn Văn Sỹ và Nguyễn Kim Trúc, cư trú tại xã Phú Phong thuộc huyện Hương Khê, đã quyết định bán bò để có tiền mua máy ghi âm, máy chụp hình nhằm thu thập bằng chứng tố cáo các quan huyện và quan xã đã bán hơn 30 mẫu đất một cách trái phép.
Đến mùa hè năm 2006, xã Phú Phong và thị trấn Hương Khê náo động khi công an ập đến khám nhà các ông Đặng Quang Châu (một quan chức thuộc ban tôn giáo vả từng là trưởng phòng Tài nguyên Môi trường), ông Trịnh Xuân Tùng (chuyên viên phòng Tài nguyên Môi trường), Nguyễn Đình Lợi (thuộc chi cục thuế huyện), cùng ba quan chức cầm đầu xã là Nguyễn Kim Chung (Bí thư Đảng ủy); Nguyễn Văn Hồng (Phó bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch xã) và Lê Hữu Cơ (trưởng ban địa chính xã). Sau đó thì có thêm một chục quan chức khác của xã Phú Phong và huyện Hương Khê bị truy tố.
Kết quả điều tra nói rằng các quan chức trên đã "cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi' qua việc cấp bán 535 lô đất với tổng diện tích gần 33 mẫu đất, sau đó còn làm thủ tục để cấp 305 giấy chứng nhận thêm 25 mẫu đất nữa. Cả nhóm đã lập một quỹ đen để chia nhau bỏ túi trên 4 tỷ đồng. Đến tháng 4 năm 2007, tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Chung (bí thư xã) và Nguyễn Văn Hồng (chủ tịch xã) mỗi người 4 năm tù. 11 người kia thì chỉ lãnh án từ 18 đến 36 tháng tù treo.
Vụ án Phú Phong được xét xử xong, ba nông dân thở phào và tự nhủ là "không bao giờ dính líu đến chuyện đáo tụng đình để vợ con được yên". Thế nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng...
Trong mấy tháng qua, cả gia đình ông Nguyễn Kim Hợp đã phải chạy đôn chạy đáo để kêu cứu. Họ cho biết là hơn một tháng nay, giới quan chức xã Phú Phong đã hai lần đưa ra quyết định cưỡng chế thu hồi hơn 4 ngàn thước vuông đất mà gia đình ông Hợp đã khai phá từ năm 1990. Trong căn nhà ẩm thấp vì mưa dột lâu ngày, người thương binh Nguyễn Kim Hợp tỏ rõ sự mệt mỏi: "Trong khi hàng chục mẫu đất bán trái phép, có bản án của tòa yêu cầu thu hồi từ năm 2007, nhưng tới nay họ vẫn chưa thu. Trong khi mảnh đất của gia đình tôi nỗ lực khai phá từ hơn 20 năm qua thì họ lại nhanh nhảu thu hồi. Tôi không thể hiểu nổi...".
Cần biết là vào năm 1986, huyện Hương Khê mở rộng thị trấn, ông Hợp cùng vợ con bị trưng thu toàn bộ diện tích đất đang sinh sống. Vợ chồng ông xin cấp 2500 thước vuông đất tại khu vực Hộp Lấu, nay thuộc xóm 2, xã Phú Phong để sinh sống. Ngoài diện tích đất được cấp, vợ chồng ông Hợp mở rộng khai hoang, san lấp từng hố bom để có đất canh tác. Đầu năm 1990, khu vườn của vợ chồng ông Hợp lên đến gần 10 ngàn thước vuông, tức một mẫu đất.
Theo Luật Đất đai, đất khai phá trước ngày 15/9/1993, nếu không có ai tranh chấp thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất. Năm 2005, ông Hợp làm đơn xin cấp giấy chứng nhận cho phần đất được tăng thêm. Ngay lập tức, nhà cầm quyền xã Phú Phong ráo riết đòi vợ chồng ông phải trả lại đất cho xã, với lý do là gia đình ông đã lấn chiếm đất công. Sau đó thì nhà cầm quyền huyện Hương Khê ra quyết định là chỉ công nhận cho ông Hợp hơn 4000 thước vuông.
Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại, vào ngày 12/4/2010, nhà cầm quyền Hà Tĩnh đưa đoàn kiểm tra về thanh tra. Đoàn này đã mời 23 người dân ở thôn 2, nơi ông Hợp sinh sống, để xác định nguồn gốc miếng đất của ông. Mặc dù thôn 2 có tới 80 gia đình nhưng đoàn thanh tra chỉ mời 23 người, trong đó có 20 người bị ông Hợp tố cáo là tham nhũng. Chính vì thế những kẻ này trên đều khẳng định ông Hợp không hề xử dụng mảnh đất mà ông khai hoang từ năm 1990 đến nay. Dựa trên lời tuyên bố đó, đoàn thanh tra ra quyết định không công nhận miếng đất đó là của ông Hợp. Đến ngày 24/11/2010, 21 gia đình khác trong thôn 2 ký vào thư xác nhận là ông Hợp đã canh tác trên miếng đất này mà không hề có tranh chấp nào từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho rằng thư đó chỉ là tài liệu tham khảo, không có giá trị.
Trả lời với phóng viên báo Tiền Phong, một quan chức của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, nói rằng: "Cách làm việc của thanh tra như vậy là không khách quan. Chúng tôi đã gửi thư đề nghị tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại kết luận thanh tra trên".
Nhưng các quan chức huyện Hương Khê thì khăng khăng cho rằng quyết định thu hồi đất của nhà cầm quyền tỉnh là đúng. Trong khi đó thì 30 mẫu đất mua bán trái phép đến nay chỉ thu hồi chưa tới 4 mẫu. Đây có phải là một hành động trả thù của các quan chức huyện đối với người dân đã can đảm đứng ra tố cáo tham nhũng hay không?
Hỏi tức là đã trả lời!

No comments:

Post a Comment