Wednesday, February 8, 2012

DÂN CHỦ BÁNH THẬT VÀ DÂN CHỦ BÁNH VẼ

Ngày 07.02.2012     

Lời dẫn: Có những quốc gia mà mỗi khi xảy ra biến động gì thì điều đầu tiên mà ai cũng nhận thấy là bản chất dân chủ càng tỏa sáng thêm. Ngược lại thì có những chế độ tự xưng là "dân chủ gấp vạn lần tư bản" nhưng cung cách hành xử còn tệ hơn cả những bạo chúa thời Trung cổ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, có tựa đề "Dân chủ bánh thật và Dân chủ bánh vẽ", qua sự trình bày của chị Thanh Bình.
Ngày Quốc Khánh Úc (Australia Day) 26 tháng 1, 2012 vừa qua, một biến cố tại thủ đô Canberra, tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng đến chính quyền tại xứ này.
Cũng trong thời gian đó tại Việt Nam, một biến cố xảy ra tại huyện Tiên Lãng tuy lớn hơn, nhưng không ảnh hưởng gì đến giới cầm quyền CSVN.

Khi so sánh hai biến cố, người ta sẽ có những nhận thức rõ rệt về bản chất khác biệt giữa hai chế độ chính trị Úc và Việt Nam.
Tại Úc Đại Lợi, chính phủ đảng Lao Động của nữ thủ tướng Julia Gillard rơi vào khủng hoảng, và phải chính thức chập nhận đơn từ chức của cố vấn báo chí Tony Hodges, thuộc phủ thủ tướng. Lý do là ông này bị cáo buộc đã kín đáo thông báo cho một nữ viên chức nghiệp đòan Kim Sattler biết rằng, trong lúc bà Julia Gillard có mặt tại một nhà hàng ở thủ đô Canberra thì lãnh tụ đối lập Tony Abbott cũng sẽ có mặt tại nhà hàng đó. Cũng theo cáo buộc thì bà Kim Sattler lập tức chuyển tin đến đoàn biểu tình thổ dân Úc, gồm khỏang 200 người thuộc lều đại sứ thổ dân (Aboriginal Tent Embassy). Đoàn biều tình lập tức chuyển hướng nhắm vào ông Tony Abbott tại nhà hàng này.
Đoàn biểu tình này có mục đích tranh đấu cho quyền chính trị của giới thổ dân Úc. Trên phương diện này thì đảng Lao Động của bà Gillard tương đối mềm mỏng hơn. Bà chủ trương tu chính hiến pháp để công nhận vị trí thổ dân như những công dân đầu tiên của Úc. Tuy nhiên Liên đảng Tự Do và Quốc Gia có lập trường cứng rắn hơn, và thủ lãnh Tony Abbott bị cáo buộc là chủ trương cho cảnh sát dẹp bỏ khu lều đại sứ của thổ dân.
Cuộc xô xát diễn ra ở nhà hàng đã vượt ngoài dự kiến của mọi người. Thay vì ông thủ lãnhTony Abbott lãnh mũi dùi của người biểu tình, thì chính bà thủ tướng Gillard lại bị rượt đuổi đến sút cả giày và được cận vệ đẩy vào xe.
Dĩ nhiên trong một nước dân chủ, không có biến cố gì được che dấu. Phủ thủ tướng đã mở cuộc điều tra và ông cố vấn báo chí Tony Hodges phải từ chức dưới áp lực của một hệ thống báo chí tư nhân và độc lập, một hệ thống chính trị đa đảng kiểm soát lẫn nhau, và một ngành tư pháp độc lập và chí công vô tư.
Hơn thế nữa cảnh sát liên bang sẽ có trách nhiệm điều tra khi được yêu cầu và nếu có dấu hiệu là vi phạm luật hình sự. Lúc đó chính thủ tướng cũng phải hợp tác với cảnh sát. Nếu chính thủ tướng là người chủ trương thì sẽ bị chế tài về hình luật, tương tự như bất cứ công dân nào khác. Cũng nên nhớ là tại Úc, tuy cảnh sát lệ thuộc vào chính quyền trên phương diện hành chánh, nhưng hòan tòan độc lập trên phương diện hành xử trách nhiệm (operational matters).
Tại Việt Nam, vào cùng thời điểm thì có tin "Một thành viên trong đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc khẳng định là nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng đã bất tuân luật pháp trong vụ cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang".
Luật sư Lê Đức Tiết, phó chủ tịch hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Mặt trận, cho rằng cung cách cưỡng chế ruộng đất của giới quan chức cộng sản đang đẩy người dân vào vị thế đối lập với chế độ. Theo ông Tiết thì cần phải tuyển lựa kỹ càng và giám sát chặt chẽ các quan chức trong việc thực thi công vụ và pháp luật.
Cần nhắc lại là gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã bị tước đoạt khu đầm nuôi thủy sản mà cả gia đình đã lấn biển đắp đê suốt 10 năm ròng rã, và căn nhà của họ đã bị ủi sập sau khi nổ súng vào lực lượng cưỡng chế vào ngày 5 tháng Giêng vừa qua. Hiện 3 anh em đang bị cầm tù, trong khi 2 người khác đang lẩn trốn.
Mới nghe qua, người ta có cảm tưởng Úc Đại Lợi là một quốc gia quá dân chủ, quá thượng tôn luật pháp, nhưng Việt Nam cũng không đến nỗi quá tệ. Không phải Mặt trận Tổ quốc đang giám sát chặt chẽ các viên chức tham ô của chính phủ hay sao?
Tuy nhiên sự thật mỉa mai là, trong khi chính phủ Lao Động Úc phải đối đầu với một liên đảng đối lập thật sự, một hệ thống báo chí truyền thông tự do, một nền tư pháp và một hệ thống cảnh sát độc lập, thì nhà nuớc CSVN được giám sát bởi một Mặt Trận Tổ Quốc là ngoại vi của đảng, một hệ thống truyền thông hòan tòan lệ thuộc đảng, một nền tư pháp bị chi phối bởi điều 4 hiến pháp và một hệ thống công an do đảng chỉ huy.
Người ta có thể khẳng định rằng, tuy Luật sư Lê Đức Tiết tuyên bố rùm beng như thế, nhưng Mặt trận Tổ quốc cũng chỉ là công cụ của một hệ thống độc đảng độc tài. Cuối cùng thì tổ chức này cũng sẽ bảo vệ đảng, trong đó có quyền lợi của Luật sư Tiết. Mặt trận "giơ cao" nhưng sẽ "đánh khẽ", đánh lấy lệ trước tệ nạn bất công tham nhũng hòanh hành trên khắp đất nước Việt nam.
Nếu hành xử không đúng nguyện vọng của dân, chính quyền bà Julia Gillard sẽ bị cử tri lật đổ trong kỳ bầu cử tới. Trong khi đó, bộ máy cầm quyền CSVN, từ nhiều thập niên qua đã bốc mùi hôi thối trên giang sơn gấm vóc của tổ tiên, vẫn tiếp tục cầm quyền.
Người ta có thể khẳng định mạnh mẽ, chế đô dân chủ Úc Đại Lợi là bánh thật, trong khi chế độ "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc" chỉ là bánh vẽ. Đảng CSVN rồi sẽ bị dân tộc trừng trị thích đáng vì đã khinh thường sự thông minh của người Việt suốt 7 thập niên qua. Điều này cũng phù hợp với câu châm ngôn đang lưu truyền rộng rãi trong dân gian:
"Hèn với giặc, Ác với dân, Bất nhân như Đảng".
Đà Giang
29/1/12

No comments:

Post a Comment