Saturday, February 25, 2012

CÁI TỐI THIỂU CỦA LUẬT PHÁP VÀ TÍNH NHÂN VĂN

Ngày 23.02.2012     

Lời dẫn: Vụ án Tiên Lãng đang biến thành một trò hề, cười ra nước mắt, khi chính những kẻ vu cáo và chũp mũ nạn nhân lại biến thành những người đứng ra giải quyết các bất công oan uổng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Tệ hơn thế nữa, trong khi vợ con anh Vươn phải tá túc trong một căn lều thì chẳng ai nhắc nhở gì đến việc bồi thường. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Giáo sư Hà Văn Thịnh, với những nhận định cay đắng về một chế độ thiếu tình người, qua sự trình bày của anh Nguyên Khải.
Tiên Lãng đã và đang là đề tài nóng nhất của năm Rồng. Rồng thì bay trên mây, gặp tiên; còn người dân, nằm lại. Chuyện của thứ Sáu ngày 10 tháng hai làm hàng triệu người bỏ công, bỏ việc, mất ăn, mất ngủ để theo dõi, chờ đợi, hy vọng. Nhưng cuối cùng thì làm cho người dân đau đầu, bực tức hơn...

Nếu tôi nhớ không nhầm thì chiều hôm đó, sau khi đọc tường thuật trực tiếp, tôi đã viết trên trang mạng rằng, đó là một trong những buổi chiều đau xót của tôi. Thất vọng và buồn, thậm chí là nhức mỏi hơn. Có thể vì sự u mê của cái con đường tìm đến sự hiểu nên tôi không thể nào biết khi ông thủ tướng nói "kiểm điểm sâu sắc" thì có nghĩa là gì. Sâu đến mấy thì vẫn là kiểm điểm, sắc đến bao nhiêu đi nữa thì vẫn cứ là... như cũ mà thôi!
Bằng chứng lịch sử có ngay lập tức khi kẻ mà tôi đã gọi là VÔ LIÊM SỈ, tức ông Thoại, có đăng báo đàng hoàng vào ngày 19 tháng Giêng, lại trở thành Tổ trưởng Tổ Công tác về vụ Đoàn Văn Vươn thì người dân chỉ còn biết hỡi ôi. Chưa đến 2 ngày, chức tổ trưởng bị dẹp, thay bằng tổ phó thường trực. Tổ phó mà cũng có cái định ngữ THƯỜNG TRỰC thì chuyện chỉ có ở XỨ HỀ! Đó chẳng phải là trò quay quắt, xỏ xiên về cái gọi là "Công tác cán bộ" hay sao? Nó xúc phạm lương tri cả hàng chục triệu con người, bổ nhiệm rồi thu hồi, bổ nhiệm lại, còn nhanh hơn cả Kiều "Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi"!
Cái trò bổ nhiệm này xem ra thiếu cả sự tối thiểu của đạo đức công vụ, nếu khép tội thì có thể quy vào tội phỉ báng quy tắc hành xử công quyền. Có đời thuở nào một kẻ can tội vu khống, ngậm máu phun người lại trở thành kẻ tìm ra sự thật hay không?
Để bàn về những điều lố lăng tương tự ở Tiên Lãng thì nhiều không kể xiết – và, cũng đã có cả ngàn người bàn rồi. Tôi chỉ xin bàn về một điều nữa thôi: Nếu việc phá nhà dân là sai về đạo lý, luật pháp, tại sao không xây ngay một căn nhà khác với tài sản trong nhà có như là trước đó, để chứng tỏ tình NHÂN VĂN, cái đạo lý tối thiểu của trùng trùng nghĩa chữ VÌ DÂN?
Tòa án sẽ xử, ai phá sẽ phải đền nhưng đó là NGƯỜI CỦA NHÀ NƯỚC phá thì trước mắt, nhà nước phải đền. Không thể để cho người dân sống CHỜ TÒA trong căn lều thảm thê ấy. Giả sử vụ án dằng dai 5 năm, 10 năm thì vợ con anh Vươn vẫn ở cái lều – chòi (như ông Ca Ca đã gọi) suốt thời gian ấy sao? Chẳng lẽ các cơ quan công quyền Hải Phòng cố tình bắt buộc gia đình người nông dân bị chính quyền phá nhà ở mãi thế để quảng bá cho sự tốt đẹp có đầy trên mặt báo? Nếu không muốn thế, tại sao không bồi thường ngay trong mùa mưa phùn, gió bấc?
Thậm chí, nếu tòa sau này có xử không ra kẻ phạm tội đi nữa thì vẫn nên xây để bảo đảm cho dân sống yên ổn. Một người bạn ở Pháp kể cho tôi nghe rằng: Ở bên xứ giãy chết, nếu có người đến ở trong bất kỳ căn nhà trống nào đó, hoặc họ đang thuê mà không trả tiền thì chủ nhà chỉ có quyền đuổi khi mùa Đông đi qua! Còn trong trường hợp của gia đình anh Vươn, người ta ủi tan tành nhà cửa NGAY GIỮA MÙA ĐÔNG!
Nói cho hay thì nhiều người nói được. Làm cho đúng, cho ngay thì hình như tôi chưa thấy bao giờ. Chuyện cổ kể rằng người ta có thể lừa một người nhiều lần, hay lừa một số người vài lần, nhưng không thể lừa hàng triệu người cùng một lúc. Bài học ấy nếu không chịu hiểu thì mọi khuất tất theo kiểu chót lưỡi đầu môi chẳng thể nào che giấu nổi. Tính nhân văn là cái rõ nhất, cần nhất của một chế độ khi muốn chứng minh đủ nghĩa của hai chữ vì dân.
Hãy bắt đầu chứng minh lẽ công bằng, lòng tốt bằng cách xây ngay một cái nhà thay thế cái nhà bị phá. Đó là điều cuối cùng của cái đầu tiên của cái thấp nhất của giá trị sống của một CON NGƯỜI. Chẳng lẽ có chế độ không phải của con người?
(Huế, 3:17, 13.2.2012)
H. V. T.

No comments:

Post a Comment