Wednesday, February 15, 2012

NĂM 2020 SẼ CÓ 29 NGÀN TIẾN SĨ?

Ngày 14.02.2012     

Lời dẫn: Trong lúc nền giáo dục Việt Nam đang suy thoái, với nhiều bất cập và bằng giả tràn lan, thì bộ giáo dục VN đề ra chỉ tiêu sẽ có 29 ngàn giảng viên đại học có bằng tiến sĩ vào năm 2020, cao gấp đôi Thái Lan hiện nay. Đây là tham vọng điên rồ hay là giấc mơ lãng mạn của chế độ cộng sản? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Tuấn, qua sự trình bày của chị Dian.
Trước đây, có chỉ tiêu đào tạo 20 ngàn tiến sĩ trong thời gian từ 2010 đến năm 2020, nhưng bây giờ thì sửa thành 29 ngàn tiến sĩ cho các đại học đến năm 2020. Nền giáo dục Việt Nam ta lúc nào cũng chạy theo những con số! Nhưng đằng sau những con số đó là những giả định quá lạc quan. Mà giả định quá lạc quan cũng có nghĩa là những chỉ tiêu đó lại là một giấc mơ đầy lãng mạn.
Cần nhắc lại là vào ngày 17/6/2010, nhà nước VN phê duyệt đề án "Đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường Đại học –Cao đẳng giai đoạn 2010-2020". Đề án này có tổng kinh phí vào khoảng 700 triệu Mỹ kim, trong đó sẽ có khoảng 10 ngàn tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 3000 đào tạo trong nước. Tôi đã từng phân tích rằng chỉ tiêu này rất khó thực hiện, vì cơ sở vật chất, vì số nghiên cứu sinh, và thậm chí kinh phí còn quá thấp.
Nhưng vào tháng 12 năm ngoái, bộ Giáo dục VN trình bày kế hoạch phát triển nguồn nhân lực mới về đào tạo giảng viên đại học. Theo kế hoạch này, VN sẽ đào tạo được 29 ngàn giảng viên là tiến sĩ ở các trường đại học vào năm 2020. Tôi nghĩ chỉ tiêu này càng khó thực hiện.
Trong cuốn sách "Chất lượng giáo dục đại học nhìn từ góc độ hội nhập", tôi có trình bày thống kê cho thấy hiện nay con số giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ còn thấp. Theo số liệu năm 2008, trong số 38 ngàn giảng viên đại học ở Việt Nam thì khoảng 44% có bằng cử nhân, 40% thạc sĩ, và 15% (tức 5600 người) có bằng tiến sĩ. Để có 29 ngàn tiến sĩ vào năm 2020, các đại học VN phải có thêm 23 ngàn tiến sĩ.
Có nghĩa là trong vòng 8 năm sẽ có thêm 23 ngàn tiến sĩ. Tức mỗi năm phải đào tạo hay tuyển mộ gần 3000 tiến sĩ! Rất hiếm có quốc gia đang phát triển nào có thể làm một bước nhảy vọt như thế! Ngay cả Thái Lan, hiện nay cũng chỉ có 14 ngàn tiến sĩ trong các đại học. Nếu như theo những gì bộ giáo dục VN tin tưởng, thì 8 năm nữa, các đại học VN sẽ có nhiều giảng viên với trình độ tiến sĩ nhiều gấp đôi Thái Lan!
Những nhận xét trên là về phần lượng. Còn phần phẩm thì càng có nhiều điều đáng bàn hơn.
Chắc chắn một số lớn tiến sĩ sẽ được đào tạo trong nước. Nhưng với tình trạng nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập và hạn chế hiện nay, vấn đề phẩm chất là điều rất đáng quan tâm. Theo tôi, có 3 vấn đề lớn trong việc đào tạo tiến sĩ (hay nghiên cứu sinh nói chung) ở trong nước. Đó là thiếu người hướng dẫn có kinh nghiệm, đề tài thiếu cái mới, thiếu chuẩn mực cho một luận án tiến sĩ. Vì những vấn đề như thế, các luận án tiến sĩ từ VN không được đánh giá cao.
Trong cuốn "Việt Nam từ năm 2011" của Giáo sư Trần Văn Thọ viết, tôi rất đồng ý về đoạn này: "Những vấn đề lớn của Việt Nam là hiểu chưa đúng về chuẩn mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình độ của người được cấp bằng tiến sĩ nói chung. Cơ chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa xác lập được cơ chế đánh giá khách quan về luận án tiến sĩ, và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn bằng này." (Trang 286).
Đào tạo tiến sĩ một cách nghiêm chỉnh rất khó. Ngoài vấn đề ý tưởng nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, đến thầy cô đều phải rất sẵn sàng. Tôi cũng có dịp đọc nhiều đề cương và luận án tiến sĩ y khoa trong nước, và cảm nhận chung là chưa thấy một đề cương hay luận án nào thật sự xứng đáng với 8 tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ. Những nghiên cứu (mà thực chất là làm kiểm kê lâm sàng – clinical audit, hoặc cao hơn chút nữa là làm thống kê đếm số) vừa đơn giản, vừa tủn mủn, và bắt chước. Vậy mà những dữ liệu như thế cũng biến thành luận án tiến sĩ! Khi tôi cho vài nghiên cứu sinh xem một luận án tiến sĩ y khoa ở viện Garvan, thì ngay cả các em ấy cũng thấy luận án của họ có nhiều vấn đề.
Xin trích một nhận xét khác của anh Trần Văn Thọ: "Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành" (trang 287).
Thật là đáng buồn cho nền học thuật nước nhà.
Nhưng tại sao cứ chạy theo chỉ tiêu? Tôi thật không hiểu nổi. Tại sao chúng ta không dần dần tạo ra một thực lực (critical mass) khoa học trước, tạo ra những điều kiện cần và đủ để đào tạo tiến sĩ, mà cứ mãi mê chạy theo những chỉ tiêu và con số? Trong khoa học, không có con đường nào để "đi tắt đón đầu" cả. Cứ nhìn sang Đài Loan, Nam Hàn, Singapore, hay gần hơn là Thái Lan thì sẽ dễ thấy rằng họ phải tiêu tốn một thời gian dài để có được một thực lực khoa học như ngày hôm nay.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến tùy bút "Đi tìm cái tôi đã mất" của nhà văn Nguyễn Khải, trong đó ông viết: "Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất, nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào."
Câu đó vẫn còn tính thời sự, và rất đáng để chúng ta suy nghĩ về định hướng giáo dục theo chỉ tiêu và con số. Tôi vẫn nghĩ giấc mơ 29 ngàn tiến sĩ vẫn là một giấc mơ đầy lãng mạn!
Nguyễn Văn Tuấn

No comments:

Post a Comment