Wednesday, February 22, 2012

LÁ THƯ ÚC CHÂU 19.02.2012

Người Việt là tập thể đông đảo vào hàng thứ năm trong dân số 22 triệu người ở Úc, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ trên dưới 1%. Tuy nhiên ảnh hưởng cả tốt lẫn xấu lại trội hơn tỉ lệ vừa kể rất nhiều. Thí dụ như hằng năm, cứ vào thời điểm này, khi các kết quả tuyển sinh của 39 trường đại học được công bố thì dư luận đều lấy làm lạ là mặc dù chỉ chiếm 1% dân số, nhưng các cô tú cậu tú người Việt lại lọt vào các ngành "xịn" như Y, Luật, Nha, Dược.... chiếm tỉ lệ rất cao. Vì vậy đã đến lúc Lá Thư Úc Châu phải trả lời thật ngắn gọn câu hỏi: "Hỡi người Việt ở Úc, các anh chị là ai?".

Trước hết người viết xin sơ lược về sự có mặt của người Việt ở Úc. Cho đến cuối tháng Tư năm 1975, trên toàn nước Úc có khoảng 2 nghìn người Việt, trong số đó 495 người đang mang thông hành của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Sau tháng Tư năm đó, số người gốc Việt đến Úc gia tăng rất nhanh, sau nhiều đợt thu nhận thuyền nhân vượt biển, đặc biệt là trong những năm của thập niên 1980. Hơn 90 nghìn thuyền nhân Việt được Úc tiếp nhận trong khoảng thời gian này. Sau đó là những trường hợp đoàn tụ gia đình. Gần đây nhất là làn sóng du học sinh bậc trung học và đại học đến từ Việt Nam.
Theo bộ Ngoại giao Úc thì trong năm 2009, có khoảng 204 nghìn người nhìn nhận mình là người Úc gốc Việt, đại đa số sinh ra ở Việt Nam. Ấy là chưa kể đến những người tuy ra đi từ Việt Nam, nhưng lại tự nhận là có chủng tộc khác, như người Hoa hay người Mường. Cũng theo những con số mới nhất của đài phát thanh Úc thì Việt Nam là thị trường lớn thứ sáu của ngành giáo dục Úc với khoảng 19 nghìn du học sinh VN có thị thực tạm thời để theo học các bậc trung học và đại học ở đây.
Hiện nay, các trường hợp đoàn tụ gia đình và di cư theo diện có tay nghề là hai con đường chính để đến Úc. Việc đến Úc với tư cách thuyền nhân nay hầu như đã biến mất hoàn toàn, mặc dù hiện nay vẫn có một số người Việt tới Úc bằng thuyền và đang bị giam giữ trong các trại tạm cư. Và một biến cố mới nhất là có 17 thiếu niên trong số thuyền nhân này, không có thân nhân nhưng sau khi được gửi đến một số tổ chức từ thiện để nuôi giùm đã tự động biến mất. Nhưng người ta tin rằng chúng đang được cộng đồng người Việt che chở ở tiểu bang Victoria.
Về cơ cấu tổ chức của người Việt thì trên toàn cõi nước Úc chỉ có Cộng Đồng Người Việt Tự Do, một tổ chức có mặt trên đất nước này từ đầu năm 1977. Thành ra, khi dùng hai chữ "Cộng Đồng", người ta phải phân biệt đây là "tổ chức" hay là "xã hội chung chung". Cộng Đồng Người Việt Tự Do nắm vai trò chỉ đạo các hoạt động của người gốc Việt, và vì viễn kiến của những người khi vận động thành lập cơ cấu này, nên đến bây giờ, mỗi tiểu bang và lãnh thổ đều có một chi nhánh của Cộng Đồng.
Nếu xem Cộng Đồng là cái dù tỏa rộng bên trên, thì xuống đến bên dưới là vài chục, và có thể là hàng trăm đoàn thể hay tổ chức khác nhau. Mỗi đoàn thể đều có một đường lối và chủ trương, nhưng vẫn chấp nhận Cộng Đồng là cơ cấu đại diện chính của người Việt trên chính trường Úc. Dĩ nhiên tình trạng phân hóa cũng không phải là không có, với nhiều hội đoàn bị chia tách thành hai hay thành ba. Nhưng đó cũng là dấu hiệu của dân chủ, vì ở xứ tự do này, ai thành lập hội đoàn cũng được cả. Và nếu không nhường nhịn nhau thì thể nào cũng phân hóa nội bộ.
Như đã nói trong nhiều bài trước, sự đóng góp của người gốc Việt vào nếp sinh hoạt ở Úc vượt quá tỉ lệ dân số khiêm tốn của mình. Nhiều khu vực ở các thành phố lớn trước kia, gần như vắng tanh vắng ngắt, không phát triển nổi, ví dụ như Cabramatta hay Bankstown ở Sydney, Richmond, Springvale, St Albans ... ở Melbourne, Innala ở Briasbane... bây giờ nổi tiếng và có sức phát triển đến chóng mặt.
Những người Việt không biết tiếng Anh đều có thể sống thoải mái ở các nơi đó vì cộng đồng người Việt có đủ mọi chuyên gia phục vụ. Từ bác sĩ toàn khoa hay chuyên khoa đến luật sư. Từ giáo viên cho đến kế toán gia, nữ y tá hay thợ cắt tóc. Người Việt không cần bước ra khỏi các khu vực đó để phải "hoa chân múa tay" khi nói tiếng Anh. Bất cứ dịch vụ nào ở các nơi đó đều có người nói tiếng Việt. Nhưng đặc điểm nổi bật nhất là các sinh viên gốc Việt luôn luôn làm các bật trưởng thượng hãnh diện vì thành tích học tập của họ.
Tuy vậy, bên cạnh sự khen ngợi của dư luận Úc thì cũng có nhiều khía cạnh tiêu cực. Thí dụ như khi nhắc đến ma túy là người ta nghĩ ngay đến người gốc Việt, mặc dù những kẻ này chỉ là hàng tép riu trong vấn nạn ma túy của Úc. Điều đáng buồn là cũng vì ma túy mà tỷ lệ người Việt ở trong nhà tù Úc thuộc vào hạng cao nhất. Chính vì ma túy mà giới hữu trách Úc khá vất vả vì phải chận xét mỗi chuyến bay đến từ Việt Nam, hay phải ra tay can thiệp mỗi khi nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ một công dân Úc gốc Việt vì mang ma túy trong người.
Tệ hơn thế nữa, nhà tù Úc hiện cũng là nơi nghỉ mát của một số phi hành đoàn Vietnam Airlines bị bắt vì tội chuyển tiền, chuyển vàng và buôn lậu. Một khía cạnh khác ít người biết đến là làn sóng chuyển tiền bạc từ Việt Nam sang Úc của những đại gia "đỏ" để mua nhà cửa ở Úc, phòng khi chế độ sụp đổ thì có nơi để xin tỵ nạn. Người viết cứ giật mình mỗi khi có dịp đi ngang qua một ngôi biệt thự ở vùng bắc Sydney. Chủ nhân ngôi nhà này là giám đốc sở công an của một tỉnh ở miền Trung. Không biết lương trong ngành công an ở VN nhiều đến mức nào mà ông này gửi con đi du học ở Úc, và còn bỏ ra trên 4 triệu Mỹ kim để mua căn nhà ở vùng thượng lưu, đắt đỏ nhất Sydney.
Chuyện về người Úc gốc Việt còn rất nhiều, có kể thêm mấy kỳ nữa cũng chẳng hết. Hẹn gặp lại quý thính giả qua Lá Thư Úc Châu kỳ tới.
Đằng-Phong-Hầu

No comments:

Post a Comment