Wednesday, February 8, 2012

TIN THẾ GIỚI NGÀY THỨ HAI 06/02/2012

THÊM 3 VỤ TỰ THIÊU Ở TỈNH TỨ XUYÊN

Vào cuối tuần qua, tại tỉnh Tứ Xuyên của Hoa Lục lại có thêm 3 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối ách cai trị của Trung Cộng. Đài Á châu Tự Do cho biết là các vụ này diễn ra tại huyện Sắc Đạt trong tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền tây nam Hoa Lục.

Các nhân chứng cho biết là một trong số 3 người này đã thiệt mạng tại chỗ. Cả ba đều hô to các khẩu hiệu kêu gọi trả lại nền độc lập cho Tây Tạng trước khi châm lửa. Cần nhắc lại là suốt mấy tháng qua, nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn của người dân Tây Tạng đã diễn ra tại các khu vực tự trị của tỉnh Tứ Xuyên, với hàng chục người thiệt mạng. Nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng tăng cường thêm 8 ngàn công an đến Tây Tạng để kiểm soát an ninh và theo dõi các sinh hoạt tôn giáo.
Trong khi đó thì nghị sĩ John McCain, một chính khách nổi tiếng của Hoa Kỳ, tuyên bố là mùa xuân Ả Rập đang tiến vào Trung Quốc. Chỉ vào một chiếc điện thoại di động, ông McCain nói thẳng với thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng là "quý vị không thể bưng bít hoàn toàn vì đã có những dụng cụ này".

THÔNG TẤN XÃ LƯU VONG CỦA MIẾN ĐIỆN SẴN SÀNG QUAY VỀ NƯỚC

Mizzima, một hãng thông tấn của giới lưu vong Miến Điện đặt trụ sở ở Ấn Độ, vào hôm qua loan báo là họ sẵn sàng trở về nước để mở một chi nhánh tại thành phố Rangoon. Ông Soe Myint, giám đốc hãng tin này, tuyên bố là nếu chính phủ Miến đồng ý thì ông sẽ mở ngay một văn phòng trong nước.
Cần biết là ông Soe Myint đã về thăm đất nước hai lần trong tháng qua kể từ khi lưu vong sang Ấn vào năm 1998. Ông cho biết là chi nhánh ở Rangoon, nếu được thành lập, sẽ chú trọng đến lãnh vực truyền thanh và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan truyền thông của chính phủ. Đề nghị này của ông Soe đang được xem là một thử thách mới trong thiện chí cải tổ chính trị của nhà cầm quyền Miến Điện.

HOA KỲ SẼ RÚT BỚT 5000 THỦY QUÂN LỤC CHIẾN Ở NHẬT

Trong kế hoạch tái phối trí lực lượng, giới chức Nhật – Mỹ đã đồng ý sẽ chuyển 4700 thủy quân lục chiến Mỹ đang đồn trú tại căn cứ Okinawa sang đảo Guam, gần Phi Luật Tân. Giới chức hai nước sẽ thảo luận thêm về kế hoạch này và sẽ công bố chi tiết vào ngày 13 tháng Hai tới đây.
Vào năm 2006, giới chức hai bên đã đồng ý thuyên chuyển 8000 thủy quân lục chiến ở Okinawa sang Guam, và chuyển căn cứ không quân Futena trên đảo này sang một khu vực thưa dân. Điều nhức đầu cho quân đội Mỹ là số quân còn lại trên đảo Okinawa sẽ phải chuyển đi đâu. Hiện giới chức Mỹ đang thảo luận với nước Úc và Phi Luật Tân về việc này.

LÀN SÓNG BẠO ĐỘNG Ở AI CẬP BƯỚC SANG NGÀY THỨ TƯ

Các cuộc giao chiến giữa lực lượng an ninh và người dân Ai Cập đã bước sang ngày thứ tư mà không có dấu hiệu sẽ chấm dứt. Lực lượng an ninh hiện tìm cách ngăn chận không cho dân biểu tình tiến sát các công sở chính phủ tại thủ đô Cairo, trong khi người biểu tình gia tăng áp lực buộc nhà cầm quyền quân sự phải chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.
Giới hữu trách loan báo là hơn 12 người thiệt mạng và 2500 người khác bị thương kể từ khi các vụ bạo động nổ ra vào hôm thứ Năm tuần trước, sau vụ ẩu đả ở một sân vận động bóng đá khiến 74 người chết ở hải cảng Said. Các cuộc bạo động không chỉ diễn ra ở thủ đô mà còn lan sang các thành phố lớn như hải cảng Alexandria và Suez.

DÂN NGA ÀO ẠT XUỐNG ĐƯỜNG ĐÒI TUYÊN CỬ CÔNG BẰNG

Bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng chục ngàn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Moscow và nhiều thành phố lớn của Nga để đòi hòi bầu cử công bằng. Giới truyền thông Nga loan tin là 35 ngàn người tham gia biểu tình ở quảng trường Bolotnaya tại Moscow, nhưng ban tổ chức cho rằng con số người tham dự cao hơn nhiều.
Lãnh tụ đối lập Boris Nemtsov nói rằng số người biểu tình đông đảo trong thời tiết lạnh giá chứng tỏ người dân Nga khao khát có sự thay đổi. Người biểu tình hô to các khẩu hiệu và biểu ngữ mang dòng chữ "Nước Nga không nên có Putin".
Ngược lại thì chính phủ cũng tổ chức một số cuộc biểu tình, đa số là công chức tham gia, để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Putin. Tuy nhiên các cuộc biểu tình này có vẻ lạc lõng và không thu hút được sự chú ý của quần chúng.

No comments:

Post a Comment