Saturday, February 18, 2012

ĐỐI GIỜ HAY ĐỔI CHẾ ĐỘ?

Ngày 17.02.2012     

Lời dẫn: Trong khi cả thế giới đang tiến vào thời đại văn minh thì tại VN, đảng cộng sản vẫn cứ loay hoay với bài toán giao thông, mà càng giải thì càng đẻ ra nhiều vấn nạn hơn nữa. Chỉ ở lãnh vực giao thông mà còn bế tắc như thế thì làm sao giải quyết được những vấn nạn lớn của đất nước. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm có tựa để "Đổi giờ hay đổi chế độ?" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Một trong những điểm dễ dàng đánh giá nhất về khả năng điều hành của chế độ cộng sản VN là các vấn đề xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có vấn đề giao thông công chánh.

Chỉ riêng trong lãnh vực công chánh không thôi, người dân Việt có thể kể ra hàng loạt những chuyện cười ra nước mắt. Chằng hạn như chuyện các xa lộ được xem là hiện đại nhất nước, nhưng chỉ mới khánh thành xong là lở loét tùm lum với các hầm hố dày đặc trên đường mà người dân gọi là các ổ voi hay hố tử thấn. Đó là chưa nói đến chuyện cứ mưa xuống là xa lộ biến thành sông lạch, điển hình như đại lộ Thăng Long. Nhưng một chuyện buồn cười mới đây nhất là các quan chức lớn nhỏ đến dự buổi lễ khánh thành cây cầu nối liền Sài Gòn với tỉnh Bình Dương vào đầu năm mới, nhưng qua hôm sau thì báo chí phát giác ra cây cầu không thể xài được vì chưa có đường dẫn... lên cầu!
Điều mỉa mai là có những cây cầu được xây từ thời Pháp thuộc, hay dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vẫn cứ đứng vững để phục vụ người dân và xe cộ qua lại suốt mấy chục năm qua, dù đã xuống cấp trầm trọng. Tại sao có chuyện kỳ dị như thế khi bộ giao thông thời Pháp thuộc, hay thời Việt Nam Cộng Hòa, không hề có hàng ngàn ông bà giáo sư tiến sĩ, và không hề có những nguyên vật liệu, hay máy móc và kỹ thuật tối tân như hiện nay nhưng vẫn làm được những chiếc cầu có tuổi thọ lên đến cả trăm năm?
Câu trả lời là những kỹ sư thời đó, với khả năng và kỹ thuật hạn hẹp của mình, đã nỗ lực làm việc bằng cả danh dự và lương tâm nghề nghiệp của mình, trong mục tiêu mang lại các lợi ích cao nhất cho xã hội. Dĩ nhiên là họ có thể cũng gian lận trong cách tính toán để kiếm tí tiền bỏ túi, nhưng không gian tham đến độ biến công trình của mình biến thành một cái bẫy giao thông, bất chấp sự thương vong của dân lành hay tương lai phát triển của đất nước theo kiểu "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi" như hiện nay.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là họ làm việc trong một môi trường rất dân chủ. Các kỹ sư thời Pháp hay thời Việt Nam Cộng Hòa không làm việc dưới sự chỉ huy của bất cứ đảng phái nào. Các công trình đó được thảo luận một cách công khai và minh bạch, từ giai đoạn thiết kế cho đến tiến trình đấu thầu xây dựng. Trách nhiệm trước và sau khi xây dựng đều rõ ràng, chứ không mờ mờ ảo ảo như các công trình hiện nay mà mỗi khi xảy ra biến cố thì chẳng ai biết cơ quan hay công ty nào chịu trách nhiệm về những tai nạn chết người. Điển hình như vụ sập cầu Cần Thơ với gần 100 người chết vào 4 năm trước, đến hôm nay cũng chẳng có một ai bị xét xử về tai nạn thảm khốc đó, và chằng ai biết kết quả điều tra ra sao.
Những chuyện như thế có lẽ chỉ xảy ra dưới chế độ cộng sản, với những vấn nạn mà giới hữu trách vẫn bình chân như vại trong khi người dân hoảng hốt hay lo âu, từ các vụ xe lửa đụng chết người hằng ngày, cho đến các vụ xe cộ bỗng dưng cháy nổ trên đường phố. Những gì mà dư luận nhận được từ giới quan chức là những câu tuyên bố trống rỗng. Kết quả là những hố tử thần trên đường phố vẫn cứ bình thản xuất hiện, và xe cộ cứ ung dung bốc cháy ở mọi nơi.
Điều tệ hại hơn nữa là không dự án hay công trình nào là không có tai tiếng, từ tiến độ thi công cho đến phẩm chất xây dựng. Trong khi cây cầu Bắc Mỹ Thuận, do nước Úc tài trợ và đích thân xây dựng, không hề có một tai tiếng và hoàn tất trước thời hạn, thì mọi cây cầu khác, từ cầu Cần Thơ cho đến các cây cầu treo ở vùng núi, nếu không chậm trễ so với tính toán ban đầu thì cũng sập, hay xuống cấp, chỉ sau vài tháng xử dụng, mà phí tổn bỏ ra để sửa chữa mỗi năm còn cao gấp mấy lần phí tổn xây dựng.
Và đó là một điều thậm vô lý ở một đất nước mà chiến tranh đã chấm dứt từ 40 năm trước và đảng cầm quyền thì sửa soạn ăn mừng 82 năm thành lập đảng. Nước Nhật sau thế chiến thứ nhì gần như trắng tay, lực lượng thanh niên gần như chết sạch và mối nhục thua trận, nhưng chỉ 30 năm sau lại trỗi dậy làm một con rồng kinh tế. Trong khi đó thì đảng ta tự hào là đi từ chiến thắng này sang chiến thắng khác, nhưng vẫn cứ loay hoay trong bài toán ùn tắc giao thông mà không sao tìm ra được lời giải. Và bây giờ thì áp dụng biện pháp đổi giờ học với hy vọng là sẽ hạ giảm được tình trạng kẹt xe.
Thật sự thì có một cách hữu hiệu hơn là biện pháp đổi giờ, nhưng chắc chắn đảng cộng sản sẽ dẫy nẫy lên và cương quyết không chấp nhận. Biện pháp đó là thay đổi chế độ, chuyển từ độc tài độc đảng sang dân chủ tự do, để mời gọi những bậc hiền tài ra điều hành đất nước.
Nhà cầm quyền quân phiệt Miến đang làm được điều đó, tại sao đảng cộng sản VN lại không thể làm như vậy? Hay là muốn đẩy dân chúng đến chỗ phải nổi dậy như ở Bắc Phi để cả đảng phải trốn chui trốn nhũi trong các ống cống như cha con ông Gaddafi?
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment