Wednesday, February 22, 2012

NỖI OAN KHIÊN CỦA CHỊ TUYỀN

Ngày 22.02.2012     

Lời dẫn: Sau một năm chờ đợi, gia đình anh Nguyễn Công Nhựt nhận được cái kết luận của viện kiểm sát tối cao là anh Nhựt tự tử trong đồn công an huyện Bến Cát sau 2 tuần bị giam giữ về vụ trộm vỏ xe của công ty Kumho. Cái kết luận này y hệt như cái thông báo mà công an Bến Cát đưa ra vào năm ngoái, trong khi một người dân bình thường cũng có thể nhìn thấy những vết thương chằng chịt trên người anh Nhựt qua các bức hình đăng tải trên báo chí. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm có tựa đề "Nỗi oan khiên của chị Tuyền", nói về một tội ác không thể tha thứ của chế độ cộng sản, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào ngày 15 tháng Hai vừa qua, tức sau một năm chờ đợi và đi gõ cửa nhiều cơ quan công quyền, gia đình anh Nguyễn Công Nhựt nhận được cái kết luận từ Viện Kiểm sát Tối cao, tức viện công tố trung ương, với nội dung khẳng định là anh Nhựt tự tử trong đồn công an huyện Bến Cát sau 15 ngày bị giam để điều tra về vụ trộm vỏ xe của công ty Kumho.

Cái kết luận này có nghĩa là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền vô cớ mất chồng và cha mẹ anh Nhựt bỗng dưng mất đi người con trai chí hiếu, có học thức và cần cù làm ăn để nuôi gia đình. Khó có ai tin được là người thanh niên thành đạt ấy lại có thể đi đến quyết định tự tử, để lại hai bức tuyệt mệnh thư với nội dung vô cùng kỳ dị sau 2 tuần bị giam giữ trong đồn công an và không hề được gặp mặt người thân, dù chỉ là một lần.
Gọi là kỳ dị vì trong thư, anh Nhựt thậm chí còn ngợi khen tấm lòng tử tế của những công an đã ra tay đánh đập mình mà kết quả giảo nghiệm cho thấy ngay trong chỗ kín cũng có nhiều vềt thương, đến độ lũ kiến đã bò vào làm tổ trong đó. Thế nhưng cái viện công tố tối cao ấy, theo đúng bản chất "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện" không thèm xem xét đến các chi tiết đó và đưa ra cái kết luận tự tử, đúng y như thông báo vào ngày 25 tháng 4 năm ngoái của công an huyện Bến Cát.
Kỳ dị hơn nữa là trong khi anh Nhựt đang bị thẩm vấn tại đồn thì một sĩ quan công an đặc trách điều tra đã gọi điện thoại trực tiếp cho chị Tuyền để yêu cầu hiến dâng thân xác nếu muốn anh Nhựt được trả tự do hay giảm tội. Một điều tra viên mà "có lòng lang dạ thú" như thế, thì khó có ai tin được rằng anh Nhựt được đối xử tử tế trong đồn công an, nhất là khi anh nhất quyết phủ nhận việc dính líu đến vụ mất trộm hàng trăm vỏ xe của công ty Kumho.
Càng khó tin hơn nữa khi công an nói rằng họ phát giác anh Nhựt đã tự tử bằng sợi giây điện thoại vào sáng sớm hôm đó. Nếu đúng như thế thì anh Nhựt suốt đêm không ở trong phòng giam, vì không có nhà tù nào lịch sự đến độ gắn điện thoại trong phòng giam cho tù nhân xử dụng. Như vậy thì đêm đó anh Nhựt phải ở trong một phòng làm việc của công an. Và nếu anh đã ở đó thì tại sao không có nhân viên nào để đến sáng hôm sau mới phát giác ra cái chết của anh? Không lẽ viện công tố tối cao của chế độ mà ngu ngơ đến độ không để ý đến những tình tiết quái dị đó?
Câu trả lời là họ biết rõ và biết chắc chắn rằng anh Nhựt đã chết dưới tay lũ âm binh của huyện Bến Cát, và chuyện tự tử để lại tuyệt mệnh thư chỉ là màn dàn dựng của bè lũ công an. Thế nhưng xác nhận chuyện đó là làm mất uy tín của lực lượng "còn đảng còn mình" và phơi bày sự tàn bạo của chế độ. Mà đây cũng đâu phải là lần đầu tiên lũ âm binh đánh chết dân trong cái chế độ công an trị đó. Điển hình là vụ án tay trung tá Nguyển Văn Ninh đánh gẫy cổ ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội. Hay vài chục vụ án khác mà nạn nhân bị áp giải về đồn công an trong trạng thái khỏe mạnh, nhưng khi được thả ra thì biến thành một tử thi hay tàn tật suốt đời.
Cái chết của anh Nhựt quả là nỗi oan khiên của chị Tuyền và của gia đình anh Nhựt trong một chế độ mà cái ác đã lên đến tột đỉnh, bất chấp công lý và sự thật. Cũng như Trịnh Kim Tiến, người con gái của ông Trịnh Xuân Tùng, chị Tuyền đã lặn lội đi tìm công lý suốt một năm qua. Nhưng cuối cùng vẫn không sao tìm được công lý, chỉ vì một lẽ đơn giản là không có một tướng cướp nào lại đi bênh vực cho nạn nhân và xử phạt những tay đàn em đang ra sức bảo vệ cho cái đảng cướp của mình. Hãy xem cách giải quyết của ông thủ tướng Nguyển Tấn Dũng trong vụ án Tiên Lãng là đủ biết bản chất "bênh vực quan, hà hiếp dân" của cái đảng xem sinh mạng người dân như rơm rác.
Điều đáng buồn là trước những tội ác tày trời đó, nhiều người dân Việt mặc dù cảm thấy xót xa nhưng lại chọn thái độ cầu an, chỉ biết van vái Trời Phật giúp cho gia đình mình khỏi rơi vào hoàn cảnh đó. Nhưng họ không hiểu rằng, chính thái độ khiếp sợ đó đã khiến cho bọn công an và quan chức càng lộng hành hơn vì xem người dân như một bầy cừu ngoan ngoãn, mà điển hình là câu tuyên bố "người dân rất thuần" của ông đại tá công an Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng.
Thế nhưng vụ án Tiên Lãng đã chứng minh một điều là, khi người dân cùng đồng lòng cất tiếng bênh vực cho lẽ phải và sự thật thì chế độ mới run sợ và vội vã trả lại công lý cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Nếu không có sức mạnh đồng lòng đó thì có lẽ các anh em của ông Vươn cũng lâm vào số phận của anh Nguyễn Công Nhựt, dưới đòn thù của bọn cường hào ác bá Hải Phòng.
Chính vì thế, nếu muốn đòi lại công lý, hàng triệu dân oan, và thân nhân của những người đã chết oan ức dưới tay bọn "còn đảng còn mình", chỉ còn một giải pháp duy nhất là phải đồng lòng đứng lên tước quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, để thiết lập một thể chế dân chủ và pháp trị thật sự. Nếu không thì trên đất nước sẽ có thêm những cái chết đầy oan khiên như anh Nguyễn Công Nhựt hay ông Trịnh Xuân Tùng!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment