Wednesday, February 22, 2012

CẢNG BIỂN VẮNG TÀU

Ngày 20.02.2012     

Lời dẫn: Cùng với quả đấm thép Vinashin, hàng chục bến cảng bốc dỡ containe đã được nhà nước VN ào ạt xây dựng suốt nhiều năm qua ở Vũng Tàu, với phí tổn lên đến vài chục tỷ Mỹ kim. Thế nhưng những cảng đó đang vắng vẻ như chùa Bà Đanh vì không có tàu hàng ra vào. Nguyên nhân chính yếu là thiếu đường sá giao thông để chuyên chở hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây để thấy rõ thêm về khả năng điều hành bết bát của nhà nước cộng sản, qua sự trình bày của chị Dian.
Hàng loạt hải cảng bốc dỡ container hiện đại, được đầu tư hàng tỷ Mỹ kim ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, với kỳ vọng sẽ đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố cảng trong tương lai. Thế nhưng bây giờ các cảng này đang nằm phơi sương gió, đìu hiu vì vắng bóng các con tàu vào ra.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư ồ ạt vào các bến cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy việc quy hoạch chỉ tính đến công suất bốc dỡ mà không hề tính đến khả năng cạnh tranh, và nhưng hạ tầng cơ sở phục vụ hải cảng thì xây dựng ì ạch, thậm chí là không có.
Nơi tập trung nhiều cảng nước sâu nhất là khu vực thuộc huyện Tân Thành. Tại đây nhiều cảng lớn như PSA, Tân Cảng - Cái Mép, CMIT. Tất cả đều được đầu tư rất lớn, với trang thiết bị hiện đại. Cảng CMIT có chiều dài cầu tàu tới 600 thước, công suất bốc dỡ theo tính toán là hơn 1 triệu container mỗi năm. Cảng chính thức khánh thành vào đầu tháng 12 năm ngoái nhưng thực tế thì hoạt động từ tháng 3. Nằm gần đó là cảng Tân Cảng - Cái Mép có thể đón được các tàu hàng 11 ngàn container, với năng suất bốc dỡ khoảng 600 ngàn container mỗi năm.
Tính đến thời điểm bây giờ, tổng công suất bốc dỡ của các bến cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu lên tới gần 8 triệu container, trong khi tổng container dự trú cho 5 năm tới vào khoảng 5 triệu thùng. Nhưng trong thời gian tới, sẽ có thêm một số bến cảng đi vào hoạt động như cảng ODA, Gemalink. Tính tổng cộng thì tỉnh này hiện có đến 53 bến cảng, trong số đó thì 24 cảng đã xây xong hay đang hoạt động. Tổng phí tổn đầu tư trong nhiều năm qua và các năm tới lên đến vài chục tỷ Mỹ kim.
Thế nhưng trái ngược với làn sóng xây cảng ào ạt và sự nhộn nhịp ở các công trường xây dựng là cảnh tượng đìu hiu vì vắng bóng tàu hàng. Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, con đường dẫn vào hai bến cảng Cái Mép và CMIT gần như không thấy xe chở container, chỉ có xe chở vật liệu vào công trường. Tại cầu tàu không thấy một tàu nào bốc dở hàng hóa, trong khi đó thì các cảng bốc dỡ container ở Sài Gòn thì lịch trình tàu ra vào dày đặc, các cần cẩu đua nhau chạy hết công suất, các bãi chứa container đưọc xếp cao đến 4 hay 5 tầng.
Nhưng ở các cảng ở Cái Mép - Thị Vải, thì bãi chứa container chỉ loáng thoáng vài tầng container. Chính vì thế các giàn cần cẩu ở tha hồ nằm chơi. Một công nhân cho biết mỗi tuần tàu chỉ ghé cảng vài ngày, vì không nằm trên trục lộ lưu thông hàng hóa chính yếu từ Trung Quốc đến Âu châu hay Mỹ châu.
Lượng hàng ít và việc khai thác không hiệu quả là những lý do khiến nhiều công ty vận tải cắt giảm việc xử dụng các bến cảng VN. Theo số liệu thống kê của cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, trong năm 2011 số lượng container xuất nhập tại các cảng của tỉnh Bà Rịa chỉ vào khoảng 730 ngàn thùng. Con số này quá nhỏ so với công suất 8 triệu thùng. Giám đốc một bến cảng cho biết tình trạng ế khách đang khiến các bến cảng phải cắt giảm cước phí xuống dưới giá thành để thu hút khách, dẫn đến tình trạng thua lỗ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bến cảng Vũng Tàu không còn hấp dẫn và hàng hóa trở nên thưa thớt là vì hệ thống đường sá và dịch vụ hỗ trợ không được đầu tư kịp thời. Con đường huyết mạch dẫn vào khu cảng Cái Mép - Thị Vải là quốc lộ 51, nhưng vẫn ở trong tình trạng rất tồi tệ, đang vá víu chằng chịt, và nhiều đoạn vẫn đang được sửa chữa. Bên cạnh đó thì tuyến đường 965 nối từ quốc lộ 51 vào một số cảng lớn mới hoàn thành được phần căn bản, chưa biết bao giờ thì hoàn thành. Trong khi đó, dự án đường liên cảng đã được đề cập đến nhiều năm nay nhưng chưa thấy tăm hơi.
Lương Anh Tuấn, phó giám đốc sở giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết dự án đường liên cảng vẫn kẹt ở tiến trình bồi thường đất đai cho dân, với điệp khúc quen thuộc là "thiếu vốn". Vì đường sá không có nên Hiệp hội Cảng biển VN cho biết chủ hàng vẫn phải vận chuyển hàng hóa ra vào cảng bằng sà lan.
Biện pháp này khiến chi phí tăng quá cao vì chủ hàng phải bốc xếp tới hai lần. Nhận định về chuyện ồ ạt xây bến cảng đón tàu hàng, một chuyên gia ngoại quốc nói rằng, tương tự như làn sóng xây cầu nhưng không có đuờng dẫn lên cầu, các bến cảng ở VN được ồ ạt xây dựng trong khi mạng lưới giao thông và các dịch vụ hỗ trợ hoàn toàn thiếu vắng. Và tỉnh nào cũng đưa ra dự án xây cảng. Và đó là cung cách làm ăn cố hữu của giới quy hoạch ở nước ta!
Bạch Hoàn/Đông Hà

No comments:

Post a Comment