Friday, February 10, 2012

ĐỨC NGÔ QUYỀN VÀ CHIẾN THẰNG BẠCH ĐẰNG

Ngày 09.02.2012     

Lời dẫn: Hôm nay là ngày giỗ đức Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, một bậc đại anh hùng đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài suốt 1000 năm của dân tộc Việt. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một vài nét sơ lược về vị anh hùng cái thế này và trận chiến Bạch Đằng lẫy lừng của Ngài, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Với chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng của đức Ngô Quyền, dân tộc Việt đã kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc Việt. Từ đó, đức Ngô Quyền được xem là một đại anh hùng của dân tộc Việt vì đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài gần 1000 năm của dân tộc Việt.

Đức Ngô Quyền ra đời vào năm Mậu Ngọ 898 niên hiệu Càn Ninh thứ 5 thời đời Đường Chiêu Tông. Cha là Ngô Mân, châu mục Đường Lâm và là một hào trưởng có thế lực, được xem là quí tộc. Truyền thuyết kể rằng, khi mới sinh đức Ngô Quyền có ba nốt ruồi ở lưng. Thầy tướng số trông thấy cho là điềm lạ và đoán rằng về sau ông sẽ làm vua một phương, do đó được đặt tên là Quyền. Đức Ngô Quyền được mô tả là có dáng người khôi ngô, vạm vỡ và văn võ song toàn.
Thuở thiếu thời của Ngô Quyền cũng là thời kỳ suy yếu trong việc cai trị của nhà Đường ở đất Lĩnh Nam. Đô hộ phủ An Nam ngày càng tỏ ra bất lực trong việc khống chế các thế lực địa phương cũng như các vùng đất xung quanh. Quân Nam Chiếu liên tục tấn công Giao Châu một cách dữ dội từ năm 858 đến năm 866.
Sau loạn An Sử (755 - 763) và nhất là cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào (874 - 884), nhà Đường phải đối phó với nạn sứ quân nên sự kiểm soát đối với An Nam ngày càng yếu đi. Quyền lực của phủ đô hộ bị phân tán xuống các vùng nhỏ, do đó xuất hiện các hào trưởng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bộ máy cai trị. Vì vậy họ Khúc, hào trưởng Hồng châu, đã đoạt được chính quyền ở An Nam một cách dễ dàng vào năm 905. Nhưng vì thực lực không đủ nên họ Khúc đã thất bại trước sự xâm lấn của nhà Nam Hán.
Năm 931, hào trưởng họ Dương ở Ái Châu nổi lên đánh bại Lý Tiến và Trần Bảo, hai quan lại nhà Nam Hán, ở thành Đại La. Dương Đình Nghệ trở thành Tiết Độ Sứ của chánh quyền người Việt. Việc họ Dương nắm quyền ở Đại La đã được sự ủng hộ của nhiều hào trưởng khác, trong đó có gia đình của họ Ngô, tức Ngô Quyền. Cuộc kết hôn giữa Ngô Quyền và người con gái Dương Đình Nghệ là Dương Hậu mang ý nghĩa liên minh chính trị giữa hai dòng họ này. Ngô Quyền được cha vợ giao quyền cai quản Ái châu, vùng đất căn bản của họ Dương.
Đến năm 937, thuộc tướng Kiều Công Tiễn ở Châu Phong tổ chức một cuộc binh biến, hạ sát Dương Đình Nghệ để lên nắm quyền Tiết Độ Sứ. Đức Ngô Quyền, với danh nghĩa là bộ tướng và con rể của vị cố Tiết Độ Sứ, trở thành người cầm đầu liên minh Ngô-Dương, tập trung lực lượng tiến đánh Kiều Công Tiễn. Họ Kiều hoảng sợ, sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Hán Cao Tổ lập tức sai con trai là Lưu Hoàng Thao đem hai vạn quân, dùng chiến thuyền tiến vào An Nam. Nhưng Ngô Quyền đem quân tấn công thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn và nhanh chóng tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán. Anh hùng hào kiệt bốn phương mang quân về Đại La gia nhập lực lượng Ngô Quyền. Và chiến trường then chốt đã được quyết định là ở vùng hạ lưu sông Bạch Đằng.
Sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là tuyến giao thông quan trọng từ biển Đông vào đất Việt. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể đi ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La bằng đường sông. Vùng cửa sông và hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm nơi phục kích. Sông này chảy qua một vùng núi non hiểm trở, có nhiều nhánh sông phụ đổ vào. Vùng hạ lưu có vị thế khá thấp, nhưng sức thủy triều khá mạnh. Khi nước lớn từ nửa đêm về sáng thì cửa biển rộng mênh mông, trải rộng ra hai bên bờ đến hơn 2 cây số. Đến trưa thì nước rút mạnh, chảy rất nhanh. Trời khi ấy là mùa đông, gió thổi mạnh nhưng quân sĩ phải lặn lội vận chuyến cọc gỗ, đầu bịt sắt nhọn đến cắm đầy sông.
Theo dự tính của Ngô Quyền, trận đánh sẽ diễn ra ở phía trong bãi cọc. Tướng Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ) chỉ huy đội quân bên bên trái. Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân bộ bên phải, mai phục sẵn, phối hợp với thủy quân đánh vào cạnh sườn đội hình quân địch và sẵn sàng tiêu diệt số quân địch thoát chạy lên bờ. Trên thượng nguồn là đạo thủy quân chủ lực do đích thân Ngô Quyền chỉ huy sẽ ngăn chận đà tiến cũng như rượt đánh thủy quân địch.
Trận địa bố trí vừa xong thì chiến thuyền của quân Nam Hán từ Quảng Đông kéo sang. Cuộc chiến đấu đã diễn ra như trù liệu của Ngô Quyền. Toàn bộ chiến thuyền địch bị cọc nhọn đâm thủng, hơn phân nửa quân địch bị tiêu diệt, chủ soái Lưu Hoàng Thao tử trận. Cuộc chiến Bạch Đằng diễn ra quá nhanh chóng khiến vua Nam Hán là Lưu Cung đang đóng quân ở sát biên giới không kịp tiếp ứng cho con. Sử chép: "Vua Hán thương khóc, thu nhặt tàn quân còn sót mà rút lui, từ bỏ giấc mộng xâm chiếm An Nam".
Mùa xuân năm 939, đức Ngô Quyền xưng là vương, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô, đặt kinh đô tại thành Cổ Loa, tức kinh đô cũ của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương. Ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn 944, Ngô Vương băng hà, hưởng thọ 47 tuổi. Ông không có miếu hiệu và thụy hiệu, nên sử sách xưa nay chỉ gọi ông là Tiền Ngô Vương. Trong sách Thiền Uyển tập anh, phần truyện Quốc sư Khuông Việt, có nhắc đến Ngô Thuận Đế, có lẽ là để chỉ Ngô Quyền, nhưng trong thực tế, ông chưa từng xưng đế.
Theo truyền thuyết dân gian, có hơn 30 đền thờ đức Ngô Quyền và các tướng sĩ có công phá giặc Nam Hán. Về trận Bạch Đằng, sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá: "Chiến thắng này là nền tảng cho việc khôi phục quốc thống. Trận Bạch Đằng oai danh vang dội đến ngàn thu. Những chiến công oanh liệt đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này cũng nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại"!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment