Wednesday, November 16, 2011

TƯ DUY NHIỆM KỲ

Ngày 16.11.2011     

Lời dẫn: Đảng cộng sản VN có một biệt tài là giỏi đổ thừa hay trút tội cho người khác về những sai lầm hay thất bại của họ. Chính vì thế mà dân gian mới có câu vè "mất mùa là tại thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta". Và bây giờ, trong tình hình suy thoái về kinh tế, họ lại nghĩ ra được một cách chạy tội khác. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Tư duy nhiệm kỳ" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong thời gian qua, trước tình hình nền kinh tế suy thoái vì điều hành quá yếu kém, giới quan chức VN đã nghĩ ra được một lối biện hộ khá tài tình. Đó là trút tội cho lối tư duy của các thuộc cấp về các công trình hay dự án tràn lan, gây lãng phí cho công quỹ và thất thoát tràn lan.

Chẳng hạn như trong tuần qua, bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một đánh giá về việc đầu tư cơ cấu hạ tầng, với kết luận là cơ cấu hạ tầng VN đều yếu kém toàn diện. Nguyên nhân chính là do "tư duy nhiệm kỳ", một cụm từ đang được phổ biến trên diễn đàn quốc hội và trên cửa miệng của những quan chức cao cấp nhất của chế độ.
Nhưng "tư duy nhiệm kỳ" là cái gì? Theo cách giải thích của họ, thì đó là các quan chức tỉnh thành hay huyện xã, mỗi khi lên nắm quyền thì đề ra hết dự án này đến dự án với mục đích là muốn để lại "dấu ấn", tức muốn chứng minh là mình có tài kinh bang tế thế hơn những người tiền nhiệm.
Lối bào chữa này khiến người ta phải phì cười vì quá ngụy biện. Nó cũng tương tự như lối đổ thừa cho thời bao cấp khi nhắc đến giai đoạn cả nước phải nhai bo bo và xếp hàng rồng rắn để mua nhu yếu phẩm. Xin hỏi đảng cộng sản VN, vào thời đó và bây giờ là thời nay, ai là kẻ nắm quyền điều hành đất nước? Không lẽ những người tiền nhiệm đó không phải là đảng viên cộng sản? Hay họ là những kẻ do "thế lực thù địch" cài vào để phá đảng?
Thật sự mà nói thì việc có "tư duy nhiệm kỳ" là không có gì sai trái trong kỷ nguyên dân chủ hiện nay. Bất cứ một đảng phái hay cá nhân nào khi lên cầm quyền đều phải đề ra hay hoàn tất các dự án, hay các công trình mang lại lợi ích cho đất nước và xã hội, nếu muốn thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Và họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước toàn dân về các thất bại, chứ không đổ thừa cho người tiền nhiệm.
Đó chính là nguyên nhân tại sao các nước dân chủ càng ngày càng phát triển về mọi mặt, từ kinh tế cho đến giáo dục và an sinh xã hội. Lý do là các đảng phái đua nhau để ra những chính sách đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân và phát triển đất nước. Họ chọn đúng người ngồi vào các ghế thủ tướng hay bộ trưởng chứ không dựa trên phe phái hay có nhiều tuổi đảng.
Nhưng điều đáng nói nhất, là họ ý thức được rằng làm chính trị là nhằm phục vụ cho dân tộc và đất nước, chứ không phải muốn chiếm đoạt quyền lực rồi vơ vét làm giàu cho cá nhân và gia đình mình. Dĩ nhiên là ở các xứ dân chủ, cũng có những người làm chính trị vì mưu tìm quyền lợi và danh vọng cho chính mình. Nhưng con số này khá hiếm hoi vì họ khó có thể gạt gẫm được dân chúng một cách lâu dài.
Chính vì thế, nếu còn tự trọng và có liêm sỉ, đảng cộng sản VN phải thú nhận rằng mình thiếu khả năng điều hành đất nước nên mới đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ thời cải cách ruộng đất cho đến thời bao cấp và tình trạng sa lầy về kinh tế hiện nay. Những sai lầm đó đến từ các chủ trương ngông cuồng, thiếu viễn kiến, tư duy lạc hậu và năng lực yếu kém của cả đảng, chứ không phải chỉ có những người tiền nhiệm.
Nếu lỗi lầm là ở người tiền nhiệm thì tại sao cả quốc hội lại bỏ phiếu đến 90% để ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng một nhiệm kỳ nữa, trong khi "cú đấm thép" Vinashin bị phá sản lên đến 4 tỷ rưởi là rõ ràng có trách nhiệm của ông Dũng? Và các tập đoàn khác như Điện, Than và Khoáng sản, đang lỗ lã đến hàng chục ngàn tỷ đồng là trách nhiệm của ai?
Một ông thủ tướng cũng chủ trương đầu tư tràn lan suốt bao năm qua, thì làm sao có thể trách được những bí thư tỉnh thành hay huyện xã đua nhau "chạy dự án", chủ yếu là để kiếm tiền bỏ túi hơn là tạo thành tích cho cá nhân. Điều đáng nói là nếu chỉ có một hai tỉnh thành có cơ cấu hạ tầng bết bát thì có thể trút tội cho khả năng yếu kém của các quan chức đó. Nhưng khi toàn bộ cơ cấu hạ tầng đều yếu kém thì có thể khẳng định là cả guồng máy đều quá tệ hại, cần phải dẹp bỏ ngay lập tức và trao quyền lãnh đạo cho những người khác.
Ở các nước dân chủ, một chính đảng cầm quyền vài nhiệm kỳ thường dễ bị đánh bại trong cuộc tuyển cử kế tiếp, mặc dù họ không có những sai lầm gì nhiều. Lý do chỉ vì dân chúng lo ngại họ sẽ mắc bệnh tự mãn, độc tài độc đoán, không còn sáng kiến hay tư duy cũ kỹ, sau một thời gian cầm quyền quá lâu.
Đảng cộng sản VN đang có những chứng bệnh đó, và nhiều chứng bệnh khác nữa. Và toàn là các chứng bệnh nan y, hết thuốc chữa!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment