Monday, November 28, 2011

KHÁT VỌNG DÂN CHỦ VÀ TỰ DO

Ngày 28.11.2011     

Lời dẫn: Một trong những đích đến của xã hội loài người là dân chủ và tự do. Đó là khát vọng của những dân tộc bị trị trong kỷ nguyên hòa bình và tiến bộ hôm nay. Khát vọng đó chắc chắn sẽ trở thành sự thật, nhưng lâu hay mau sẽ tùy thuộc vào sự đàn áp của các chế độ độc tài đảng trị và phương thức đấu tranh của người dân ở các xứ đó. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm mang tựa đề "Khát vọng dân chủ và tự do" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Dù có bi quan đến đâu chăng nữa, người ta đều phải công nhận một điều là các phong trào tranh đấu cho tự do và dân chủ ở các nước độc tài đảng trị vẫn đang diễn ra, dù là âm thầm hay khốc liệt. Nó đang diễn ra ở Syria, Yemen, Miến Điện, Việt Nam, Trung Quốc cũng như nhiều nước khác nữa.

Dĩ nhiên là cuộc tranh đấu nào cũng có cái giá của nó. Không có chế độ độc tài nào chấp nhận xuôi tay ra đi, trao trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho người dân, trước khi mở những cuộc đàn áp khốc liệt. Để có được chiến thắng cuối cùng, dân tộc nào cũng phải trả một cái giá cho khát vọng dân chủ và tự do của mình, với hàng loạt nhà đấu tranh bị thiệt mạng hay bị giam cầm. Nhưng quan trọng hơn hết là làn sóng đấu tranh sẽ mạnh lên hay suy yếu đi sau những chiến dịch đàn áp của các nhà cầm quyền.
Tunisia, Ai Cập, Lybia, Yemen và Syria cho thấy là các cuộc đàn áp đẫm máu của các chế độ độc tài chỉ khiến cho làn sóng đấu tranh càng lúc càng mạnh mẽ hơn, dẫn đến ngày chiến thắng một cách nhanh chóng hơn. Ngược lại thì tại Hoa Lục và Việt Nam, làn sóng đấu tranh vẫn âm ỉ nhưng không gây chú ý nhiều cho dư luận thế giới.
Nói như thế không có nghĩa là làn sóng đấu tranh ở VN hay Hoa Lục đang suy yếu. Trái lại, nó có vẻ như là một cuộc đấu trí chứ không phải đấu lực. Lấy thí dụ như vụ quyên góp tiền để giúp nghệ sĩ Ngải Vị Vị đóng số thuế mà nhà cầm quyền Trung Cộng áp đặt lên cá nhân ông. Tương tự như trong vụ án bỏ tù blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải của nhà cầm quyền VN, giới cầm quyền Bắc Kinh không trưng dẫn được các số liệu nào để chứng minh tổng lợi tức của nghệ sĩ Ngải Vị Vị để đánh thuế lên đến 15 triệu Hoa tệ, tức hơn 2 triệu Mỹ kim.
Nhưng vì luật pháp đang nằm trong tay họ. Muốn bắt bớ hay bỏ tù ai là "chuyện nhỏ như con thỏ". Hai anh em Nguyễn Gia Thiều, chủ nhân công ty điện thoại Đông Nam, cũng ngậm đắng nuốt cay trong tù chỉ vì tội danh trốn thuế, mặc dù họ không hề chống chế độ, nếu không muốn nói là còn làm giàu cho một số quan chức tham nhũng.
Thế nhưng nhà cầm quyền Trung Cộng đã lầm. Người dân Hoa Lục khi nghe tin đã mở cuộc lạc quyên mạnh mẽ để yểm trợ cho họ Ngải, người được cả thế giới biết đến qua kiến trúc tổ chim của vận động trường Bắc Kinh trong Thế vận hội 2008 và những sản phẩm mỹ thuật rất có giá trị. Trên bình diện gia thế, Ngải Vị Vị có thể được ví như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Một điểm tương đồng nữa là cả hai đều có chung lý tưởng là phải dân chủ hóa đất nước.
Và số tiền đóng góp cho họ Ngải tuy vào khoảng 1 triệu Mỹ kim, một con số rất nhỏ so với dân số hơn 1 tỷ 300 triệu người Hoa, nhưng là một cú tát vào mặt nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nó cho thấy làn sóng đấu tranh ở Hoa Lục đang ngày càng rộng lớn hơn chứ không hề suy yếu, bất chấp những thủ đoạn nhơ bẩn của nhà cầm quyền. Và cũng tương tự như ở VN, các trang mạng bị xem là "lề trái" của giới trí thức Hoa Lục đang ngày càng thu hút nhiều độc giả hơn là giới truyền thông nhà nước, phơi bày được nhiều sự thật tệ hại của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Điều này cho thấy là không một chế độ nào, dù là cộng sản hay độc tài, có thể bưng bít thông tin trong kỷ nguyên này. Khát vọng dân chủ rồi sẽ thắng thế, dù có thể phải trả với cái giá rất đắt là hàng chục hay hàng trăm ngàn người phải thiệt mạng dưới sự đàn áp của các chế độ bạo tàn.
Lịch sử Trung Hoa luôn cho thấy sự đàn áp dã man đó mỗi khi các triều đại suy đồi, nhưng vẫn không ngăn cản được sức mạnh như thủy triều dâng của người dân. Các cuộc bạo loạn đang diễn ra dồn dập suốt mấy năm qua ở Hoa Lục là dấu hiệu cho thấy đế chế cộng sản đang đi vào thời kỳ sụp đổ. Họ có thể bỏ tù Lưu Hiểu Ba, hay hành hạ Ngải Vị Vị bằng con đường thuế khóa, nhưng họ không thể dập tắt được sự bất mãn của dân chúng trước tệ nạn cường hào ác bá và sự suy thoái về đạo đức trong xã hội Trung Hoa hiện nay.
Và đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho giới lãnh đạo đảng cộng sản VN, những người đang đặt hết niềm tin vào chế độ cộng sản Trung Quốc. Lịch sử cho thấy rằng, chỉ có một dân tộc là có thể trường tồn, chứ không một chế độ nào là tồn tại mãi mãi.
Đừng tưởng rằng việc xử dụng các biện pháp côn đồ là có thể dập tắt được ý chí phản kháng của người dân, như trong vụ đàn áp ở Thái Hà. Đừng đẩy người dân đến chân tường, nếu không muốn đưa đến những hậu quả mà không một dân tộc văn minh nào muốn nhìn thấy. Điển hình như cảnh tượng ghê tởm là kéo lê thi hài của Gaddafi trên đường phố Lybia!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment