Tuesday, November 22, 2011

Phỏng vấn GS NGUYỄN THANH TRANG Về QUYỀN BIỂU TÌNH

Ngày 21.11.2011     

Tây Sơn:
Ngày 17 tháng 11 vừa qua, quốc hội VN thảo luận về luật biểu tình và có một số đại biểu quốc hội đã chủ trương VN không cần luật biểu tình vì biểu tình là để "chống lại chính phủ", và VN không chấp nhận việc chống lại này nên không cần luật biểu tình!
Để tìm hiểu về ý nghĩa của việc biểu tình, được xem là một quyền căn bản của con người, xin mời quý thính giả theo dõi buổi thảo luận của chúng tôi với GS Nguyễn Thanh Trang, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, một trong những người đã sáng lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và đã từng giữ vai trò điều hợp tổ chức nầy trong suốt 10 năm. Hiện nay ông là Chủ tịch Uỷ Ban Nghiên Cứu Sách Lược Hưng Quốc của Lực Lượng Cứu Quốc.

TS: Kính chào GS Nguyễn Thanh Trang. Trước hết, giáo sư nhận định như thế nào về phát biểu của một đại biểu quốc hội CSVN là "ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ".
NTT: Người đã phát biểu câu đó là ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu quốc hội CSVN từ thành phố Sài Gòn. Ông Phước đề nghị Quốc Hội loại bỏ luật biểu tình khỏi danh sách các dự luật cần được Quốc Hội cứu xét trong nhiệm khóa XIII, vì theo ông, biểu tình là để chống lại chính phủ. Lời phát biểu đó chứng tỏ kiến thức của ông Phước quá kém cỏi, nông cạn và ông không xứng đáng là một đại biểu tại Quốc Hội.
Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Phước đã giải thích rằng trong tiếng Anh, biểu tình là Demonstration luôn luôn để chống chính phủ! Thật ra, chữ Demonstration có nhiều nghĩa, nhưng riêng về phạm vi chính trị, đó là một sự bày tỏ công khai lập trường của một nhóm người về một vấn đề nào đó. Trong công cuộc tranh đấu chống lại những bất công và áp bức của thực dân Anh, Thánh Gandi đã vận động dân chúng Ấn Độ xuống đường biểu tình ôn hòa đòi hỏi cải cách và công bằng xã hội, nhờ đó người dân Ấn Độ đã thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Anh. Tại Hoa Kỳ, vào những năm đầu của thập niên 1960, Mục Sư Martin Luther King đã tổ chức những cuộc biểu tình bất bạo động để đòi hỏi dân quyền và công bằng xã hội cho người Mỹ da đen. Nhờ đó không những người Mỹ da đen mà tất cả các sắc dân thiểu số khác tại Hoa Kỳ đã được đối xử bình đẵng như người Mỹ da trắng. Những cuộc biểu tình của người Mỹ da đen không có mục đích chống chính phủ, mà chỉ đòi hỏi chính phủ bãi bỏ chính sách kỳ thị màu da, đối xử công bằng với mọi người dân, không phân biệt màu da và nguồn gốc chủng tộc. Những cuộc biểu tình như thế đã không làm nước Mỹ mất uy tín mà trái lại, thế giới càng khâm phục và nước Mỹ càng ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
TS: Xin giáo sư giải thích rõ hơn tại sao biểu tình lại là một trong những quyền căn bản của con người.
NTT: Trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1948, điều khoản 20 ghi nhận ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hòa bình. Và trong bản Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, hai điều khoản 21 và 22 còn minh xác là ai cũng có quyền tổ chức hội họp và tự do lập hội có tính cách hòa bình, bất bạo động.
Hiến Pháp của CSVN ban hành năm 1992, điều 69 cũng cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình theo quy định của pháp luật. Điều 74 còn nói rõ hơn là công dân có quyền khiếu nại và tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm sai trái pháp luật của bất cứ cơ quan hay viên chức nào.
Bất cứ khi nào dân chúng thấy có những vấn đề sai trái, bức xúc lớn lao và họ nghĩ rằng ‎y kiến của một cá nhân hay vài ba người sẽ không thể thuyết phục được một cơ quan hay nhân vật quyền uy, họ phải có quyền đưa ra ý kiến tập thể bằng cách tổ chức biểu tình. Bấy giờ các giới hữu trách mới thấy được đó là quan điểm hay nguyện vọng của số đông quần chúng, từ đó sẽ tìm cách giải quyết một cách thích đáng, tốt đẹp. Chính vì thế biểu tình là một trong những quyền căn bản của con người đã được nêu lên trong bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc cũng như trong Hiến Pháp của các quốc gia dân chủ tiến bộ.
TS: Nếu đã là quyền căn bản rồi thì tại sao, ví dụ như tại Hoa Kỳ, muốn biểu tình phải xin phép?
NTT: Biểu tình là một trong những nhân quyền căn bản, nhưng như thế không có nghĩa là ai muốn tổ chức biểu tình ra sao cũng được. Tôi xin đơn cử một ví dụ đơn giản, lái xe hơi là một quyền căn bản vì nhu cầu di chuyển ai cũng cần. Nhưng muốn lái xe phải thỏa mãn một số điều kiện như sức khỏe, tuổi tác, thi đỗ bằng lái xe và phải tuân theo luật đi đường để tránh gây ra tai nạn cho bản thân mình cũng như người khác. Biểu tình cũng vậy. Người tổ chức phải thông báo cho chính quyền địa phương rõ mục đích, ngày giờ, địa điểm tổ chức và ước tính số người tham dự để cơ quan công lực và cảnh sát điều hòa giao thông xe cộ và bảo vệ an ninh, trật tự công cộng. Dân chúng có quyền tham gia biểu tình, nhưng không được có những hành vi bạo động, gây ồn ào, mất an ninh và cản trở giao thông công cộng,
TS: Hiện nay tại Hoa Kỳ đang có phong trào gọi là "Occupy" tạm gọi là phong trào "chiếm cứ", khởi đì từ Wall Street ở New York và đã lan ra nhiều địa phương, nhiều thành phố khác, và ngay cả đến các nước khác. Đây có phải là hình thức "biểu tình" không?
NTT: Phong trào "chiếm cứ" đang xảy ra mấy tuần nay khởi sự từ Wall Street ở thành phố New York rồi lây lan đến nhiều thành phố tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới cũng là một hình thức biểu tình. Vì họ muốn bày tỏ thái độ chống lại một định chế tư bản giàu có tột đỉnh và bất công nhất! Tại Mỹ, dân chúng có quyền biểu tình, miễn là họ không gây trở ngại giao thông, xáo trộn an ninh công cộng và cản trở việc mua bán của ngưởi khác. Hể ai vi phạm luật lệ đều có thể bị cảnh sát giải tán hoặc câu lưu tùy theo trường hợp.
TS: Ông nhân xét như thế nào về đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc, có thể nói đây là đại biểu duy nhất tại Quốc Hội Việt Nam đã minh thị nêu lên những quan điểm, nhận định khá chính xác về ý niệm quyền biểu tình như giáo sư vừa trình bày?
NTT: Đúng như lới nhận xét của ông Tây Sơn. Có thể nói Dương Trung Quốc là đại biểu duy nhất trong Quốc Hội CSVN đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc biểu tình, vì không những đó là một trong những nhân quyền căn bản của người dân mà nó còn là một trong những phương thức hữu hiệu giúp cho chính phủ hiểu được những nguyện vọng chính đáng của dân chúng cũng như nghe được những ‎chỉ trích và đề nghị xây dựng của mọi giới đồng bào, đặc biệt là tầng lớp chuyên viên và trí thức. Dưới chế độ độc tài đảng trị hiện nay tại Việt Nam mà ông Dương Trung Quốc đã dám phát biểu một cách sâu sắc và thẳng thắn như thế, chứng tỏ ông là một trí thức can trường và hiếm hoi trong Quốc Hội mà đa số chỉ là đảng viên Cộng Sản trung kiên và toàn là nghị gật.
TS: Cám ơn GS Nguyễn Thanh Trang đã chia sẻ các nhận định về quyền biểu tình với thính giả Đài ĐLSN./.

No comments:

Post a Comment