Sunday, November 27, 2011

CSVN VÀ TỘI PHẢN QUỐC

Ngày 26.11.2011     

Lời dẫn: Tội phản quốc là một trọng tội trong bộ luật hình sự của mọi quốc gia. Nhưng điều kỳ dị là cách dùng chữ trong bộ luật hình sự VN về tội phản quốc lại có những điểm mờ ám, khó có thể kết tội bất cứ ai, kể cả những tay chóp bu cộng sản. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phân tích của Đà Giang về điều khoản 78 trong bộ luật hình sự VN hiện nay, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Luật lệ của các dân tộc trên thế giới tuy có khác nhau, nhưng cũng phân chia ra 2 loại chính. Đó là hình luật (criminal law) và dân luật (civil law). Trong các tội hình luật, từ sát nhân đến hiếp dâm, không có tội nào nặng bằng tội phản quốc. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy vua Charles II của Anh quốc bị quốc hội kết án và đưa lên đoạn đầu đài vào năm 1685. Vua Louis XVI và hoàng hâu Marie Antoinette bị cách mạng Pháp hành quyết bằng cách xử chém vào năm 1793. Tương tự, trong lịch sử nước ta, có lẽ Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc nếu bị bắt cũng có xác suất bị kết tội phản quốc.
Gần đây hơn vào ngày 11 tháng 11 vừa qua, đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi trong bài quan điểm, có đề cập đến sự kiện ông Doãn Thịnh Tiên, một tướng lãnh chỉ huy quân đội Đài Loan đã tuyên bố: "Nếu xảy ra xung đột bằng quân sự giữa Đại lục và Philippines, thì quân đội Đài Loan trú đóng ở Thái Bình Dương sẽ ra tay trợ giúp quân đội của Đại lục". Chúng ta có thể bất đồng quan điểm với họ Doãn, nhưng chắc chắn vị tướng này không phạm tội phản quốc.
Năm 1974, trong cuộc xung đột tại Hoàng Sa giữa Trung Cộng và Việt Nam Cộng Hòa, các bằng chứng lịch sử cho thấy là giới lãnh đạo CSVN có những hành động bênh vực ngoại bang một cách rõ rệt, liệu luật pháp có đủ yếu tố để kết án họ dưới tội danh phản quốc hay không?
Như thế nào là tội phản quốc? Nói nôm na, phản quốc bao hàm ý nghĩa là phản bội lại quyền lợi của dân tộc mình. Chẳng hạn, làm gián điệp cho một quốc gia thù nghịch để trao những thông tin có thể gây nguy hại cho quốc phòng, hay cụ thể hơn là nhường đất đai hoặc nguồn lợi quốc gia cho ngoại bang. Dĩ nhiên có nhiều khía cạnh khác nhau của tội này. Điển hình, là Bộ Luật Hình Sự Việt Nam được sửa đổi và bổ sung vào năm 2009. Chương 11, Ðiều 78 ghi rõ tội phản bội tổ quốc như sau:
1. Công dân Việt Nam nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và vẹn toàn lãnh thổ của Tổ Quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa, và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 7 năm đến15 năm.
Luật pháp cần sự chính xác tối đa trong cách sử dụng ngôn từ. Mỗi chữ trong một điều luật đều phải cân nhắc cẩn thận, vì có liên hệ đến tự do và mạng sống của một công dân trong xã hội. Một chính quyền làm luật cẩu thả là một tập đoàn khinh thường nhân phẩm và mạng sống của người dân. Trong điều 78 (1) của BLHS, chúng ta nhận thấy chữ "và" được sử dụng 2 lần, để liên kết các yếu tố cần thiết thành lập tội phản quốc. Sau đó chữ "hoặc" được sử dụng 1 lần, để liên kết các hình phạt khác nhau một khi tội phản quốc được thành lập.
Như thế chiếu theo Ðiều 78(1), nếu một tòa án muốn kết tội phản quốc cho một công dân thì cần phải hội đủ tất cả 8 yếu tố: Ðó là:
1. Cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại
2. Cho độc lập
3. Cho chủ quyền
4. Cho thống nhất
5. Cho sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc
6. Cho lực lượng quốc phòng
7. Cho chế độ xã hội chủ nghĩa
8. Cho nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ cần thiếu 1 trong 8 yếu tố kể trên thì chưa thể kết án được. Ví dụ, nếu một công dân phạm tội tày trời như cấu kết với nước ngoài, nhằm gây nguy hại cho sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc, thì người này chỉ mới vi phạm yếu tố (1) & (5) trong 8 yếu tố kể trên. Thế nên chưa đủ điều kiện để kết tội, như vậy tòa phải tuyên bố công dân này vô tội.
Tại sao một bộ luật hình sự quan trọng cho chế độ, lại sơ hở trầm trọng như vậy? Có 2 lý do để giải thích:
Một, là trong cơn khủng hoảng sợ mất quyền lực khi trào lưu phản kháng trong nước dâng cao vào năm 2009, CSVN đã quá vội vàng sử dụng chữ "và" thay vì chữ "hoặc", làm điều khoản này mất đi toàn bộ hiệu lực.
Hai, là do họ cố ý làm như thế, vì hiểu rằng chính Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Chí Vịnh, và nhiều lãnh tụ chóp bu khác mới có khả năng vi phạm tội danh phản quốc này. Trong tương lai, những lãnh tụ này có thể bị truy tố bởi một chính quyền dân chủ thực sự, trước những chứng cớ không thể chối cãi là họ đã cấu kết với Trung Quốc, để bán rẻ một nửa Thác Bản Giốc, toàn bộ Ải Nam Quan, Hoàng Sa, một phần Trường Sa, nhiều vùng biển và đất đai của tổ quốc Việt Nam. Lúc đó họ vẫn có thể biện minh và lập luận vững chãi rằng, chiếu theo điều 78 (1) của BLHS, họ chỉ vi phạm có 3 trong 8 yếu tố cần thiết để thành lập tội. Ðó là: -
1. Cấu kết với ngoại bang, nhằm gây nguy hại
2. Cho chủ quyền
3. Cho sự vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc
Các yếu tố còn lại họ không có vi phạm, cho nên không đủ yếu tố để kết tội họ là phản quốc. Lẽ đương nhiên khi còn nắm quyền lực trong tay, giới lãnh đạo CSVN đã sử dụng tất cả mọi mánh khóe hầu bảo vệ cho lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả là chiếu theo điều 78 của bộ luật này, họ phải được tuyên bố "vô tội".
Bản chất của đảng CSVN là "hèn với giặc và ác với dân". Ngoài ra họ còn thiện nghệ trong xảo thuật dùng luật pháp để bảo vệ cho bản thân nữa.
Đà Giang
3/11/2011

No comments:

Post a Comment