Sunday, November 13, 2011

GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH ĐỀU NÓI NGỌNG

Ngày 13.11.2011      

Lời dẫn: Trong hai năm qua, giới quan chức giáo dục Hà Nội đã phải đề ra kế hoạch luyện cách phát âm để sửa chữa lối nói ngọng ở nhiều học sinh và giáo viên, đặc biệt là hai vấn "l" và "n". Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây, viết về thực trạng nói ngọng này, qua sự trình bày của Dian.
Gần 50% học sinh và khoảng 30% giáo viên của huyện Phú Xuyên phát âm và viết sai chữ "l" và "n". Đó là kết quả khảo sát do phòng tiểu học của sở giáo dục Hà Nội thực hiện vào năm học 2008-2009.
Đầu năm học 2011-2012, sở giáo dục Hà Nội đưa ra kế hoạch "Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu: l, n" đối với 13 huyện là Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm và Sóc Sơn. Thật sự thì kế hoạch này đã được thực hiện từ năm 2010 và tiếp tục áp dụng trong năm học này nhằm luyện cách phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu "l, n" đối với các giáo viên tiểu học của các huyện nói trên.

Tờ báo Tuổi Trẻ trích dẫn thông tin từ một số trường ngoại thành Hà Nội, cho biết là tình trạng học sinh nói ngọng chiếm tỷ lệ khá đông. Chẳng hạn như trường tiểu học Đại Thịnh và Mê Linh có khoảng 60% học sinh nói ngọng hai chữ "n, l". Trường tiểu học Ngô Tất Tố, Vĩnh Ngọc, Đông Anh có từ 30 đến 40% học sinh nói ngọng. Một số trường tiểu học khác như An Khánh ở huyện Hoài Đức, Tiền Phong ở huyện Mê Linh, và Nhị Khê ở huyện Thường Tín cũng cho biết tỷ lệ học sinh nói ngọng "l, n" cũng khá cao.
Ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng giáo dục tiểu học Hà Nội, cho biết thêm là ngoài việc nói ngọng hai vấn "l, n" khá phổ biến, ở một số nơi, kể cả trong thành phố, học sinh còn phát âm dấu huyền thành dấu sắc, hay dấu ngã thành dấu sắc, không phát âm được âm tiết cuối hay phát âm sai một số âm tiết. Ví dụ ở Quốc Oai, nhiều học sinh phát âm dấu huyền thành dấu sắc, ở Thạch Thất thì phát âm "o" thành "oe"...
Nhận xét về công tác dạy học sinh cách phát âm đúng và chính xác, một hiệu trưởng cũng nói ngọng y như học sinh: "Lăm lay chúng tôi mới bắt đầu triển khai việc lày. Lói chung là cũng khá vất vả nhưng phải nàm quyết niệt thì mới mong thay đổi thực trạng lày".
Kể cả vị hiệu phó của trường, đặc trách kế hoạch này khi nói chuyện với các phóng viên cũng mắc lỗi nói ngọng: "Cần thiết và quan trọng là giáo viên cần thường xuyên uốn lắn cho học sinh. Các giáo viên khi nhận chủ trương lày cũng bàn tán khá sôi lổi". So sánh về mức độ thì vị hiệu phó tự nhận "ít nhiều vẫn nhẹ hơn chị hiệu trưởng".
Theo tờ Tuổi Trẻ, chủ trương "chữa nói ngọng" cho giáo viên để từ đó sửa chữa cho học sinh lần đầu tiên được sở giáo dục Hà Nội áp dụng. Cuộc thí điểm tại huyện Phú Xuyên đã giúp tỷ lệ học sinh nói ngọng giảm từ 48% xuống còn khoảng 20%, tỷ lệ giáo viên nói ngọng cũng hạ giảm đáng kể. Sở này đang áp dụng việc "chữa nói ngọng" ở 13 huyện ngoại thành, chủ yếu là các huyện thuộc các tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ.
Ông Nguyễn Văn Quý, trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lâm, cho biết: "Chúng tôi đã cố chữa lối nói ngọng cho cán bộ, giáo viên cốt cán, trong đó hướng dẫn các phương pháp chữa ngọng, hình thức rèn luyện phát âm và viết chuẩn. Theo yêu cầu của phòng giáo dục, 24 trường tiểu học của huyện đã áp dụng việc chữa ngọng. Đây được xem là nhiệm vụ của giáo viên".
Hiệu trưởng trường tiểu học Đại Thịnh A, bà Phạm Thị An, cho biết: "Để giúp giáo viên còn nói ngọng hai phụ âm 'l, n', trong các giờ sinh hoạt công đoàn hoặc tổ chuyên môn, chúng tôi thường cho các giáo viên đứng lên tập nói. Những ai còn mắc lỗi sẽ được chỉ ra và giúp đỡ. Còn phần thưởng cho người xuất sắc có khi chỉ là tràng pháo tay hoặc món quà nho nhỏ như chiếc khăn tay, hoặc vui vẻ hơn khi có một vài gói kẹo góp vào".
Một độc giả chia sẻ ý kiến trên tờ Lao Động nói rằng: "Tôi cũng thấy rất không thoải mái khi nghe các bác sĩ, tiến sĩ khoa học, các giám đốc... phát biểu trên các phương tiện truyền thông mà vẫn phát âm sai chữ 'n' thành chữ 'l' và ngược lại".
Độc giả này cho rằng trách nhiệm là thuộc về ngành giáo dục sư phạm. Nên sàng lọc những sinh viên khi vào học tại các trường sư phạm, tức là các giáo viên trong tương lai. Những người phải là những người phát âm chuẩn mà nếu không sàng lọc được thì phải có các buổi luyện giọng để sửa tật nói ngọng cho bằng được, nhất là ở các giáo viên tiểu học!
BeeVN

No comments:

Post a Comment