Friday, November 11, 2011

CÁI CHẾT THẢM KHỐC CỦA 6 THỢ ĐIỆN

Ngày 11.11.2011     

Lời dẫn: Cái chết thảm khốc của 6 thợ điện tại tỉnh Thanh Hóa đã gây rúng động trong dư luận vì sự tắc trách và thờ ơ của các cơ quan hữu trách. Tai nạn này, cũng như bao nhiêu tai nạn thảm khốc khác, rồi sẽ chìm vào quên lãng cho đến khi có một tai nạn thảm khốc mới. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài nhận định thời sự dưới đây của chị Minh Loan, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
"6 người chết cháy vì bị điện giât " là một tai nạn xảy ra vào ngày 1 tháng 11 vừa qua tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Cả 6 người thiệt mạng đều là nhân viên của công ty Phương Anh. Công ty này cho chạy đường dây hạ thế ngay dưới lưới điện cao thế. Trong lúc 6 công nhân này đang dùng xích sắt để kéo chiếc cột điện lên, thì thanh sắt có móc sợi xích xuyên ngang cột điện chạm vào đường dây cao thế ở trên, nên điện truyền xuống và giật cháy, thiêu chết cả 6 nhân viên. Hai nhân viên khác đang trộn bê tông gần đó cũng bị thương nặng.

Theo tin sơ khởi, thì tiền đền bù cho mỗi gia đình nạn nhân là một triệu đồng, tức khoảng 80 Úc kim. Xã Thăng Long và Tổng công ty đường mía Nông Cống chỉ chị tiền khâm liệm, và đưa nạn nhân về quê mai táng.
Không thể tưởng tượng được là mạng người ở VN bèo bọt và rẻ rúng đến thế! Ở Úc này, có những cái áo, cái quần có giá trên một trăm đô, nhưng đối với dân biết ăn mặc, thì đó cũng chỉ là những quần áo hạng xoàng.
Tội nghiệp cho người dân tôi. Khi còn sống đi làm thì được mỗi tháng một triệu hai hay triệu rưỡi, tức chưa đến một trăm Úc kim. Và khi chết vì tai nạn, thì gia đình mất người nương tựa, mất hy vọng trông chờ, chèo chống, mất cả tiền lương mọn hằng tháng. Rồi đây vợ con bơ vơ, cha mẹ già không ai chăm sóc, em dại ngơ ngẩn mất hút bóng anh trai. Ai gây nên nông nỗi đoạn trường này?
Trong khi đó, dân chúng tại khu vực tai nạn cho biết hiện nay lưới điện cao thế bị chùng xuống, cộng thêm cây cối mọc cao gần đường dây, nên thường xảy ra tình trạng chập dây, cháy cây. Người ta thấy rõ là trách nhiệm thuộc về công ty Phương Anh và cơ quan chủ quản đường dây cao thế. Ai đã cho phép họ đặt dây hạ thế dưới lưới điện cao thế? Họ có biết là đã vi phạm luật lệ an toàn cho dân chúng và cho cả quốc gia hay không?
Nếu xảy ra biến cố chập dây, thì các căn nhà của dân ở phía dưới sẽ cháy rụi, hay thiệt mạng. Đó là chưa nói tới các thiệt hại cho đường dây dẫn điện, một tài sản của quốc gia. Giả sử họ cũng biết điều này nhưng tại sao vẫn cứ làm? Họ dựa vào cái gì để coi thường tánh mạng, tài sản của người khác và quốc gia?
Và cơ quan nào đang trông coi đường dây điện cao thế đó? Tại sao đường dây bị chùng xuống mà không tiến hành việc căng lại, không cho phát quang cây cối dọc theo đường dây? Cơ quan này có biết công ty Phương Anh làm ăn ẩu tả hay không? Nếu biết, tại sao làm ngơ để bây giờ xảy ra tai nạn chết người, rồi mới tuyên bố mở cuộc điều tra, ra vẻ có tinh thần trách nhiệm? Phải nhớ rằng, trách nhiệm luôn nằm ở phía trước chứ không phải sau khi tai nạn đã xảy ra.
Nhưng điều bất hạnh, là cái lối đổ thừa trách nhiệm qua lại giữa những cơ quan liên đới, cũng là chuyện bình thường ở xã hội VN hiện nay. Chẳng ai có trách nhiệm để phải từ chức hay ngồi tù. Tất cả đều được đổ thừa là tại Trời, tại số mạng xui rủi mà thôi.
Cho tới 6 giờ chiều cùng ngày, nhà cầm quyền địa phương vẫn chưa cho phép thân nhân người tử nạn được tới hiện trường. Nhưng qua tai nạn này, những kẻ có trách nhiệm trực tiếp là công ty Phương Anh, và gián tiếp là cơ quan trông coi đường dây cao thế có rút tỉa được bài học nào không? hầu trong tương lai có thể ngăn ngừa, không để cho xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vừa rồi. Liệu giới quan chức huyện, xã có đủ kiến thức và hiểu biết về những nguy hiểm của đường dây điện cao thế, để chỉ bảo cho những người dân sống quanh đường dây cao thế hay không?
Các tai nạn nghề nghiệp xảy ra thường xuyên tại VN, chỉ có người dân lao động là bị thiệt thòi, thiệt mạng. Còn những kẻ ăn trên ngồi trốc thì cứ bình chân như vại, cứ "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi". Người dân khi nghe những tin như thế chỉ có thể chép miệng và lắc đầu...
Người tài giỏi, có kiến thức và khả năng kỹ thuật cao, không phải là không có ở VN. Thế nhưng trong cái chế độ này, chỉ có họ hàng thân cận, quen biết, hay giới chạy chức quyền, mới có thể ngồi trên những chiếc ghế đó. Chính vì sự dốt nát, lười biếng, cẩu thả và vô trách nhiệm, nên mới dẫn đến chuyện tai nạn diễn ra gần như mỗi ngày, mỗi giờ. Chẳng một ai quan tâm đến chuyện an toàn lao động cho người công nhân.
Rồi sẽ có thêm nhiều cái chết vô lý, và thậm vô lý trong cái chế độ tự xưng là đại diện cho giai cấp công-nông, tức thành phần thấp cổ bé họng nhất hiện nay.
ML

1 comment:

  1. tai nạn nghề nghiệp thật là rủi ro, mọi người phải nên hết sức cẩn thận vì đặc thù tính chất công việc này lại rất nguy hiểm nữa


    lioa
    on ap
    sua lioa
    sua on ap

    ReplyDelete