Monday, November 21, 2011

LÁ THƯ ÚC CHÂU - KỲ 20 ngày 20.11.2011

Ngày 20.11.2011     

Dù ở Úc bao lâu chăng nữa và có nhiều chuyện gì về Úc người ta có thể hoài nghi, đánh dấu hỏi, nhưng về chuyện cá cược thì bắt buộc là phải tin. Thí dụ như chuyện nói rằng người Úc ham mê đánh cá độ đến mức bất cứ thứ gì cũng có thể là đề tài đánh cuộc. Hai tên bạn đang uống rượu trong quán, tự dưng đánh cá xem con ruồi sẽ đậu lên ly của tên nào trước.
Một người bạn kể rằng, khi còn đi học anh ta đang cặm cụi vật lộn với đề thi hắc búa của một năm nào đó, bỗng giám thị phòng thi lẳng lặng lên bảng viết một danh từ lạ hoắc. Cả phòng thi ồn ào hẳn lên, và thằng sinh viên Úc ngồi ở hàng đầu bỗng dưng nhẩy nhổm lên, hét thật lớn mấy tiếng reo mừng. Đến lúc thi xong xuôi, ra cửa phòng thì đám đầu đen bàn tán về cái đề thi và than khó, than dễ.

Trong khi đó thằng bạn trời đánh hồi nãy chỉ chạy tới chạy lui, khoe là nó thắng được mấy chục đồng. Té ra cái tên viết trên bảng lúc nãy là tên con ngựa về nhất cuộc đua dài trên 3 cây số ở Melbourne. Cuộc đua này có cái vinh dự lạ lùng nhất, vì đấy là "Cuộc Đua Ngựa Làm Cả Một Quốc Gia Ngưng Hoạt Động".
Thật thế, cứ đến 3 giờ chiều ngày thứ Ba đầu tiên trong tháng Mười Một, khi 24 con ngựa nổi tiếng thế giới bắt đầu chạy, thì dù có đang làm gì đi nữa, người Úc cũng bỏ mặc để chạy ra xem trực tiếp truyền hình cuộc đua này. Nếu quốc hội có nhóm họp thì các ông bà dân biểu hay thượng nghị sĩ cũng tạm ngưng việc mắng mỏ nhau để xem cuộc đua cái đã. Nếu bạn nào làm việc ở thành phố Melbourne thì đây là ngày nghỉ lễ cuối cùng, trước khi bước vào mùa Giáng Sinh. Thử hỏi có nơi nào cho người ta nghỉ làm vì một cuộc đua ngựa không? Hỏi tức là đã trả lời.
Quý thính giả có biết Úc là xứ sở cờ bạc nhất thế giới hay không? Ai ở Mỹ cứ nghĩ là các trung tâm bài bạc như Las Vegas, Reno hay Atlantic City phải nhất. Những nơi này có thể nhất về ăn chơi đi theo bài bạc, chứ riêng bài bạc thì Úc mới nhất. Chỉ nội máy kéo đánh phé không thôi, Úc cũng có nhiều nhất thế giới. Công ty sản xuất máy kéo bài xịn nhất thế giới là một công ty Úc và phần lớn máy kéo ở trên thế giới do công ty này sản xuất. Ta vẫn gọi là máy này là "thằng ăn cướp có một tay", bởi vì cứ việc bỏ tiền vào khe trên máy và nắm cái tay cầm, hay bấm một cái nút là xong, trước sau gì cũng mất tiền.
Có thể nói là hiện nay ở bất cứ đâu trên nước Úc, chỉ cần lái xe dăm phút là đã tới nơi có máy kéo để tha hồ "thua"!
Hiện nay, một phần rất lớn trong ngân sách 6 tiểu bang cùng hai lãnh thổ là đến từ lợi nhuận của các môn cờ bạc. Gọi chung là "cờ bạc" cho tiện thôi, chứ thật ra nó thiên hình vạn trạng. Tiền đánh trên máy kéo chịu thuế đã đành, các khoản đánh cá khác như cá ngựa, cá đá banh các loại (kể cả bóng tròn, bóng luật Úc, bóng bầu dục), hay cá cược chính trị xem bên đảng nào sẽ thắng các cuộc bầu cử các cấp, hay các khoản tiền đến các sòng bài... đều phải đóng thuế.
Mỗi năm chính phủ liên bang và các tiểu bang ung dung nhận số thuế trên dưới 15 tỉ Mỹ kim đến từ các nguồn cờ bạc. Thật sự thì nếu không có các loại thuế này, các chính phủ sẽ vất vả lắm mới kiếm đủ tiền chi trả cho các chi phí y tế, giáo dục và xã hội.
Ẩn trong câu quý vị vừa nghe là chữ "thuế". Chỉ cách đây mấy chục năm, đánh cá cược ở Úc là một việc làm bất hợp pháp, cho đến khi các cấp chính phủ thành lập các cơ quan cá độ với luật lệ đàng hoàng để chận đứng tệ nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Không biết mọi tệ nạn có được loại trừ hay không, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, kỹ nghệ cờ bạc nay là một kỹ nghệ khá trong sạch. Dĩ nhiên ở đâu có cờ bạc thì ở đó có người nghiền đánh bạc, nhưng chính phủ cũng đề ra các chương trình bài trừ nạn nghiện ngập này. Chính vì thế nhiều người nói rằng, việc cho phép cờ bạc để thu thuế, rồi lại trích một phần tiền đó để tìm cách bài trừ tệ nạn nghiện ngập cờ bạc, là trò đạo đức giả của các cấp chính phủ.
"Đạo đức giả" hay không thì chưa biết, nhưng việc đưa tệ nạn đánh bài, cờ bạc, cá cược, đỏ đen, ra trước ánh sáng của pháp luật, để kỹ nghệ này ít ra cũng không đến nỗi quá tệ hại, và sau đó thu thuế để làm những việc công ích cho xã hội thì không đến độ tệ lắm. Còn hơn là để nó làm giàu cho những tổ chức tội phạm, hay thành phần "xã hội đen", hoặc đẩy những người có thú đỏ đen này ra nước ngoài cúng tiền cho ngoại nhân.
Co lẽ chính vì thế mà những xã hội nổi tiếng là "sạch sẽ" như Tân Gia Ba nay cũng có các sòng bạc, thu về vài tỷ Mỹ kim một năm. Nhưng đấy lại là chuyện khác, và không phải là đầu đề bàn đến trong Lá Thư này.
Đằng Phong Hầu

No comments:

Post a Comment