Tuesday, December 6, 2011

5 NĂM NỮA CHÚNG TA SỐNG BẰNG GÌ ĐÂY, CÁC EM?

Ngày 06.12.2011     

Lời dẫn: Trong nhiều năm qua, VN đã thu hút được giới đầu tư ngoại quốc nhờ cái gọi là nhân công giá rẻ. Nhưng giá rẻ mà phẩm chất thấp thì cũng chẳng giữ chân được giới đầu tư. Vì vậy tương lai VN đang trở nên mịt mờ hơn vì thiếu công nhân có tay nghề cao. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả vài dòng tâm sự của Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, qua sự trình bày của anh Hướng Dương.
Đó là câu mà Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đem ra để hỏi mỗi khi có cơ hội nói chuyện với sinh viên về ảo tưởng nhân công giá rẻ ở Việt Nam. Đất nước đang dần hết mỏ để đào, hết tài nguyên để bán nhưng nhân lực chất lượng cao thì vẫn ùn ùn đổ vào các ngành sản xuất phi vật chất.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam kể lại: "Trong buổi nói chuyện với sinh viên đầu năm học vừa rồi, tôi chia sinh viên chia thành từng nhóm theo ngành yêu thích. Nhóm thì thích làm kinh doanh, nhóm thích quản trị, quảng cáo, marketing, bán hàng, ngân hàng... tuyệt nhiên không có ngành nào liên quan đến sản xuất vật chất. Nguyên nhân phổ biến nhất là những ngành này dễ kiếm tiền và ra trường có thể kiếm tiền được ngay. Tôi bàng hoàng hỏi lại: Thế thì vài năm nữa chúng ta sống bằng gì đây các em? Khi đất nước không còn mỏ để đào, không còn tiền để vay nữa?".
Theo anh, thế hệ trẻ vẫn cả tin vì nhiều năm qua, nền kinh tế vẫn phát triển theo kiểu bong bóng xà phòng. Tài nguyên đào lên rất nhiều, tiền kiếm được rất dễ. Hoạt động tạo ra của cải vật chất thực sự không liên quan đến nhiều, mà những hoạt động sinh lợi lớn nhất là quan hệ, ngoại giao, buôn bán, phân phối...
Thế hệ trẻ ngồi ở trường đại học không yên tâm để học cái gì cả. Chúng thấy kỹ sư ra trường lương quá thấp. Bác sĩ học 5 hay 7 năm rồi ra trường có khi cũng chết đói. Đó là những ngành rất khó theo. Ngành sản xuất vật chất nào cũng lỗ, người nông dân vẫn nghèo. Trong khi người ta chẳng học hành gì, đi kinh doanh này nọ cũng kiếm được khối tiền.
Tiến sĩ Nam nói: "Vậy nên ở Việt Nam mới có ảo tưởng rằng nhân công giá rẻ. Thực chất ở Việt Nam làm gì có nhân công giá rẻ. Những nhân công rẻ chẳng qua vì tương xứng với giá trị thật của nó thôi".
Anh Nam kể lại hai câu chuyện mà thực tế có lẽ nhiều người đã gặp qua.
Khi hãng thời trang nổi tiếng của Pháp Hermes mở một phòng triển lãm ở Hà Nội, họ đã thuê một nhóm thợ đến để trát một bờ tường chỉ có mấy thước vuông. Nhưng không nhóm nào trát được cái tường theo đúng yêu cầu của họ. Hãy nhìn vách tường của các nhà cao tầng xem, nó lượn sóng và không sao phẳng lì được. Cuối cùng thì họ phải đưa một nhóm thợ từ Pháp sang để trát bức tường đó.
Chuyện thứ nhì là một người bạn của anh Nam mua một máy bơm nước tăng áp. Thợ đến lắp xong thì lấy tiền và cô bạn tặng thêm 50 nghìn đồng. Hai hôm sau thì máy bị hở nước. Cô bạn gọi một người khác đến, họ cũng làm đúng y như thế và lại chi thêm 50 nghìn đồng. Đến người thứ 6 mà chiếc máy vẫn hở nước. Lần cuối cùng, anh Nam đến và gặp người lắp máy, yêu cầu tháo máy móc ra, thay một số ống bằng sắt chứ không dùng ống nhựa nữa. Câu hỏi ở đây là họ không có tay nghề thật, hay họ đang trông ngóng đến một món thu nhập khác? Cô bạn anh đã chi tổng số tiền cho mỗi lần sửa ngang bằng tiền mua một chiếc máy mới.
Hai câu chuyện nói trên phản ánh cùng một vấn đề. Đó là phẩm chất lao động quá thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh: "Tôi muốn nói với các sinh viên rằng, nếu các em ra trường không có tay nghề thì các em sẽ không có chỗ đứng đâu. Khi tiền đầu tư hết, tài nguyên hết, thì nền kinh tế phải quay về dựa trên những ngành sản xuất ra của cải vật chất, tức dựa vào nguồn lao động được đào tạo tốt, có kỹ năng. Nhưng khi ấy thì lấy đâu ra. Việt Nam bây giờ bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới và những người có tay nghề bắt đầu hưởng lương rất cao, trong khi số đông còn lại thì chết đói. Doanh nghiệp Việt Nam bây giờ đang phải trả giá đắt vì chuyện ấy".
Tiến sĩ Nam đặt câu hỏi: "Vậy ai là người sẽ nói những điều này cho học sinh sinh viên biết? Những người thầy, dù rất trẻ, có chuyên môn tốt nhưng đụng đến vấn đề khác là họ chịu chết. Họ rất lỗi thời về mặt tư duy và cách nhìn nhận xã hội. Tôi quan niệm, người thầy phải là người trí thức thực sự, không chỉ truyền kiến thức, mà còn dẫn đường nhận thức cho bọn trẻ. Vì vậy mỗi buổi giảng, tôi thường dành 30 phút nói chuyện có chủ đề. Nếu người thầy không nói với chúng thì bọn trẻ sẽ nghe ai nói bây giờ?"
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, đây là hướng đi mà anh đã chọn, và từ đó anh cảm thấy hạnh phúc vì một câu nói của học sinh trên diễn đàn: "Mình nghĩ, thầy Nam bây giờ là đại diện cho những thế hệ của bọn mình".
Nguyễn Hường ghi

No comments:

Post a Comment