Wednesday, December 14, 2011

QUỐC NẠN GIAO THÔNG

Ngày 14.12.2011     

Lời dẫn: Một trong những điều bi thảm nhất của đất nước VN hiện nay là tình trạng tai nạn giao thông VN, với hơn 10 ngàn cái chết mỗi năm. Đó là con số kinh hoàng so với con số binh sĩ Mỹ tử trận trên nhiều chiến trường đẫm máu ở nhiều nước hiện nay. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm dưới đây của LLDTCNTQ, nhận định về những tuyên bố của ông bộ trưởng công an VN, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong khi quốc nạn tham nhũng vẫn đang hoành hành gần như vô phương cứu chữa, thì tai nạn giao thông đang được một số quan chức cộng sản nâng lên cấp độ quốc nạn. Lý do là con số người chết mỗi ngày ở VN, theo tuyên bố của ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vượt quá con số người chết ở các nước đang có chiến tranh hiện nay.

Theo thống kê của nhà nước VN thì mỗi tháng có gần 1000 người tử nạn giao thông và khoảng 1000 người khác bị thương tích, tức vài chục ngàn người chết và bị thương mỗi năm. Ghê rợn hơn nữa là không ngày nào mà báo chí không loan tải những tai nạn vô cùng thảm khốc trên đường bộ, đường thủy và kể cả trên đường sắt.
Điều đáng nói là suốt nhiều năm qua, giới quan chức VN đã đề ra rất nhiều chủ trương, phong trào và chiến dịch an toàn giao thông nhưng cuối cùng thì đâu vẫn hoàn đó. Chính vì thế, trong hội nghị nhằm tái lập trật tự và an toàn giao thông năm 2012, vừa diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra câu hỏi là phải chăng giới hữu trách đang làm việc theo lối "đầu voi đuôi chuột", hay "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", không nhận thức được trách nhiệm của từng cá nhân?
Câu hỏi này có lẽ làm cho ông bộ trưởng công an Trần Đại Quang bị "dị ứng", nên trong phần thảo luận về các giải pháp đối phó, ông trùm công an đưa ra đề nghị là phải nghiêm cấm giới lãnh đạo các cấp can thiệp vào việc phạt vạ giao thông. Lý do là cứ mỗi khi công an ra tay phạt vạ là điện thoại từ các quan chức gọi đến liên tục, dùng uy quyền để bắt ép các công an phải thả xe và thả người.
Ông Quang cho biết là ông không thể nói thẳng ra được, nhưng thực tế thì có rất nhiều quan chức đã làm điều đó, khiến cho việc phạt vạ giao thông không thể có hiệu quả răn đe và giải quyết được các vấn nạn giao thông. Nhưng nghiêm cấm như thế nào thì không thấy ông Quang giải thích rõ ràng. Nếu đặt trường hợp là một viên cảnh sát quèn trên đường phố, ông Quang sẽ giải quyết như thế nào khi có ông bí thư tỉnh ủy gọi điện thoại ra lệnh phải thả người thả xe ra, nếu không muốn bị mất chức và về nhà "đuổi gà cho vợ"?
Thật sự mà nói thì chẳng cần ông bộ trưởng Trần Đại Quang nêu lên vấn đề đó thì người dân cũng biết được chuyện đó từ mấy chục năm qua. Nó không chỉ diễn ra trong lãnh vực giao thông mà ở mọi lãnh vực, từ giáo dục cho đến y tế và từ trong đảng ra đến ngoài xã hội. Những kẻ có chức vụ càng cao thì càng có quyền thế, có thể đẻ ra luật hay đứng trên pháp luật. Tệ hơn thế nữa là những kẻ có tấm thẻ đảng lại được xử phạt nhẹ hơn là thường dân.
Đó là tại sao mà tệ nạn đua xe vẫn cứ diễn ra trên đường phố, ngay trước mặt giới công an, mà không sao dẹp được. Lý do là vì những tay đua xe gắn máy, và bây giờ là đua xe hơi sang trọng, toàn là giới con ông cháu cha. Nếu có bị bắt về đồn thì chỉ cần một cú điện thoại "từ bên trên" là chúng được thả ra, cả người lẫn xe. Ngay cả một đề nghị là tịch thu các chiếc xe đó mang ra bán đấu giá mà cả quốc hội cũng chần chừ không dám quyết định thì đủ biết là luật pháp VN có mức độ nghiêm minh đến đâu.
Nó chứng tỏ một sự khinh thường pháp luật, dù chỉ là luật lệ giao thông. Thế nhưng cũng chính giới quan chức lại là những người lớn họng chỉ trích ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân. Làm sao người dân có thể chấp hành giao thông khi báo chí đưa lên những hình ảnh công an trắng trợn vòi tiền mãi lộ và thậm chí cũng không chấp hành luật giao thông, chẳng hạn như đội mũ an toàn khi di chuyển trên đường?
Trong khi đó thì tại Úc, một ông thủ tướng phải tự động mang tiền đi nộp phạt khi bị bắt quả tang không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe. Và một ông thủ hiến tiểu bang thì lên truyền hình ngỏ lời xin lỗi dân chúng, và nói rằng mình đã làm chuyện "ngu xuẩn nhất trên đời", sau khi bị cảnh sát chận lại và phát giác có nồng đồ rượu trong người cao hơn mức cho phép khi lái xe.
Không phải là những quan chức đó có da mặt mỏng hơn giới quan chức VN, nhưng họ làm điều đó vì biết rõ là mình đã phạm luật. Các cảnh sát khi phạt vạ họ, chẳng những không sợ bị ai gọi điện thoại đe dọa, mà còn trở nên nổi tiếng và được dân chúng khen ngợi vì đã thể hiện đúng trách nhiệm thực thi công lý.
Đó là chỗ khác nhau của một thể chế dân chủ và các chế độ độc tài đảng trị. Tất cả mọi người dân, dù là thủ tướng hay cậu ấm của ông ta, đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu không như thế, thì pháp luật được đặt ra để làm gì?
Chính vì thế, những phát biểu của ông Trần Đại Quang về việc các quan chức nhúng tay can thiệp vào các vụ vi phạm giao thông, cho thấy là ngay cả một bộ trưởng công an, người cầm đầu cơ quan thực thi pháp luật, mà còn khiếp nhược như thế thì quốc nạn giao thông sẽ mãi mãi đồng hành với quốc nạn tham nhũng, cho đến khi nào chế độ cộng sản sụp đổ.
Hy vọng là ngày ấy không còn xa. Nếu không thì sẽ có thêm vài chục ngàn cái chết oan uổng mỗi năm trên khắp mọi miền đất nước!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment