Sunday, December 18, 2011

NHỮNG CON SỐ KỲ LẠ

Ngày 17.12.2011     

Lời dẫn: Càng lúc người ta càng thấy rõ thêm sự khinh thường dân trí của nhà cầm quyền cộng sản VN về khả năng điều hành kinh tế của họ, qua các dữ liệu kỳ cục mà chính họ nêu ra. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nội dung phân tích các dữ liệu mà bộ tài chính VC vừa công bố trong hội nghị tổng kết 10 năm làm ăn vừa qua của các tập đoàn quốc doanh, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào ngày 8/12 vừa qua, trong hội nghị duyệt xét 10 năm hoạt động của các tập đoàn và công ty quốc doanh dưới sự chủ trì của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bộ tài chánh VN đã nêu ra những con số rất đáng chú ý, và rất đáng nghi ngờ. Vì bộ này trưng dẫn bằng đơn vị tiền tệ VN, với các con số quá lớn dễ gây ù tai, nên người viết xin phép đổi sang đồng Mỹ kim và làm tròn chẵn để dễ trình bày các dữ liệu này.

Bộ tài chánh VN tuyên bố là tổng thu nhập và lợi tức của các tập đoàn quốc doanh mỗi năm mỗi tăng cao. Nếu năm 2007 mức tổng thu là 30 tỷ thì chỉ 4 năm sau đã vọt lên mức 70 tỷ Mỹ kim. Cứ cho là tổng sản lượng quốc nội vào ngoái là 100 tỷ Mỹ kim, thì có nghĩa là các tập đoàn này đã chiếm hơn 70% doanh thu của cả nước.
Và tổng lợi tức, tức sau khi trừ mọi chi phí, đã lên đến mức 8 tỷ Mỹ kim vào năm ngoái, trong khi tổng số vốn hoạt động của các tập đoàn quốc doanh là 32 tỷ Mỹ kim. Với số vốn 32 tỷ mà lời đến 8 tỷ, thì có nghĩa là cứ bỏ ra 4 đồng kinh doanh thì lời được 1 đồng.
Nếu vậy thì cả thế giới phải học hỏi tài kinh bang tế thế của nhà nước VN, chứ tại sao cứ mở miệng ra là lên giọng dạy dỗ VN phải áp dụng biện pháp này, hay biện pháp nọ, để điều hành kinh tế? Và tại sao dư luận trong mấy tháng la gào ầm ĩ lên về chuyện lỗ lã của các tập đoàn, mà bộ tài chánh không nêu ra các con số này để cho thấy 500 triệu Mỹ kim lỗ lã trong năm qua của Tập đoàn Điện lực là "chuyện nhỏ như con thỏ"?
Đáng nói hơn nữa là trong khi tập đoàn Vinashin bị phá sản với mức nợ lên đến 4 tỷ rưởi mà lãnh vực quốc doanh vẫn làm ăn có lời đến 8 tỷ, thì tại sao không trả món nợ 60 triệu Mỹ kim mà lại để các chủ nợ phải kiện lên tòa án Anh?
Quả thật là khó hiểu. Nhưng khó hiểu hơn nữa là bộ tài chánh cho biết thêm, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn quốc doanh vào năm ngoái là hơn 50 tỷ Mỹ kim, tức cao hơn cả tổng số vốn đang có. Có nghĩa là họ phải đi vay thêm mới có thể vừa trả nợ vừa sản xuất. Vậy mà vẫn có lời, mà là lời rất cao. Chưa kể là họ còn đầu tư hơn 1 tỷ Mỹ kim vào các lãnh vực chứng khoán, địa ốc, bảo hiểm, tài chánh và ngân hàng.
Đúng là những con số kỳ lạ, và chắc chắn là không thể tin được. Lý do là trong tuần qua, dư luận vẫn còn hoang mang về sự tranh cãi giữa bộ tài chánh và bộ công thương về chuyện lỗ lã của tập đoàn xăng dầu Petrolimex. Ông bộ trưởng tài chánh Vương Đình Huệ hùng hồn tuyên bố trước quốc hội là Petrolimex làm ăn có lời suốt mấy năm qua, chỉ trừ năm 2009 là lỗ. Nhưng.ông bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng phản pháo rằng, Petrolimex bị lỗ lã kinh niên, chỉ trừ năm 2009 là có lời chút đỉnh. Tại sao lại có những con số hoàn toàn trái ngược nhau như vậy?
Nhưng ngay sau đó, bộ tài chính đưa ra một thông báo xác nhận bộ công thương nói đúng. Nó chẳng khác nào nói rằng ông bộ trưởng Vương Đình Huệ của mình đã nói bậy. Điều này cho thấy ông Huệ đang trả cái giá khá đắt vì những lời tuyên đao to búa lớn khi mới lên nhậm chức. Ông tuyên bố mình từng là tổng kiểm toán, nên có khả năng điều hành cả đất nước. Đúng là "vạ mồm, vạ miệng", chưa gì đã muốn ngắm nghía cái ghế của ông Nguyễn Tấn Dũng, nên bị dằn mặt là chuyện đương nhiên.
Nhưng nhờ thế mà người ta càng thấy rõ hơn sự mù mờ và thiếu minh bạch của chế độ. Một cơ quan nắm giữ hết mọi số liệu về tài chánh của đất nước mà đưa ra những con số trật lên trật xuống như vậy, thì liệu có thể tin nổi các số liệu khác mà nhà nước VN công bố? Chẳng hạn như mức tăng trưởng kinh tế năm nay có thật sự ở mức 6.5% hay không, khi nó chỉ là sự tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, mà nội dung đều là vượt chỉ tiêu hay vượt kế hoạch?
Nếu thật sự tỷ lệ lợi nhuận lên đến 25%, có lẽ nhà nước VN nên quốc hữu hóa toàn bộ mọi công ty tư nhân để mang lại lợi nhuận tối đa cho đất nước. Lý do là các đại công ty trên thế giới, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, chỉ mong có lời khoảng 5% trên tổng số vốn là đã thành công lớn. Trong khi đó các tập đoàn quốc doanh VN, một số thì phá sản, một số thì lỗ lã triền miên, và phải vừa làm vừa trả nợ, vậy mà mức lợi nhuận vẫn cứ tăng đều đều suốt 4 năm qua.
Có lẽ tờ báo Wall Street Journal nên viết một bài ca ngợi tài kinh bang tế thế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm nay, chứ để cho một công ty hốt rác ở Đức đăng quảng cáo vinh danh ông Dũng như năm ngoái thì quả là... hơi kỳ! Nếu không thì đưa vào mục "chuyện lạ bốn phương" hay chuyện "khó tin nhưng có thật", cũng... không sao!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment