Sunday, December 11, 2011

ĐI TÙ VÀ ĐI CẢI TẠO

Ngày 11.12.2011     

Lời dẫn: Đảng cộng sản VN là vua chơi chữ trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực giam nhốt người dân. Vì thế mới có chữ "đi tù" và "đi cải tạo". Hai cụm từ này khác nhau như thế nào? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Người Buôn Gió, trả lời câu hỏi đó, qua sự trình bày của chị Dian.
Đi cải tạo là đi gì? Nhiều người vẫn nghĩ là đi cải tạo thì nhẹ hơn đi tù, đi cải tạo là ngồi trong lớp học về đạo lýđược các cán bộ tận tâm, có tấm lòng, tức là những thầy giáo trong bộ quần áo công an.

Giảng và cư xử với học trò với những tấm lòng yêu mến, cảm hóa học trò bằng tình nghĩa để sau này các học trò trở thành người tốt. Những câu chuyện thường có trên mặt báo, nhất là những số báo Tết cuối năm, về ơn nghĩa của người thầy, người quản giáo trong trại giam. Rồi thêm hình ảnh người học trò giờ đã có cuộc sống thành đạt, có ích cho xã hội. Thật ra thì những người tù trở về sống đời lương thiện là rất ít, so với con số tái đi tù.
Làm người lương thiện ở Việt Nam khó hơn làm tiến sĩ cả vạn lần. 100 người bảo vệ luận án tiến sĩ hầu như đạt cả 100. Nhưng 100 thằng tù mà trở về xã hội thì may lắm chỉ có 1 hay 2 thằng trở thành người tử tế, nghĩa là tìm được công việc tử tế sống cuộc đời lương thiện cho đến cuối đời. Nếu bạn không tin, hãy nhìn quanh nhà bạn xem những thành phần đi tù, đi cai nghiện, có bao nhiêu người trở thành người tử tế. Sau đó bạn hãy phản bác lại tôi cũng chưa muộn.
Trại cải tạo và nhà tù là một. Nhà tù thì có hai loại, nhà tù giam cứu và nhà tù cải tạo. Nhà tù giam cứu là giam phạm nhân còn đang trong giai đoạn điều tra củng cố hồ sơ, cáo trạng, hay phạm nhân đã kết thúc hồ sơ chờ tòa xử. Sau khi có án phạt của tòa, phạm nhân từ trại giam cứu sẽ chờ chuyển đến trại tù cải tạo.
Còn phạm nhân đi thẳng theo diện cải tạo là do chính quyền địa phương xét thấy hư hỏng nhiều lần, nhưng chưa có lần nào đủ để đưa ra tòa kết án tù thì đề nghị cho đi cải tạo. Hư hỏng theo kiểu chính quyền đánh giá thì vô cùng. Nhiều khi chỉ là ngồi hàng nước tán láo, thấy cán bộ không chào, tóc tai quần áo nhìn ngứa mắt, tụ tập đàn đúm ôm đàn ca hát cũng đủ yếu tố đi cải tạo. Đi cải tạo thì thời hạn tính theo từng lệnh, trước kia lệnh cải tạo thường là 5 năm, giờ thì xuống còn 2 năm. Nếu trong trại cải tạo mà không được cán bộ hài lòng, thì chuyện giữ thêm một lệnh tiếp theo hay tiếp theo nữa là chuyện thường tình. Bởi vậy nhiều tù cải tạo mòn mỏi quá, tiếc nuối than rằng thà cứ phạm tội còn có hạn tù, còn có ngày về, chứ đi cải tạo thì mịt mù ngày về quê mẹ luôn.
Ở trại cải tạo thì chuyện học viên ngồi trên bàn ghế, thầy giáo giảng bài, là chỉ có trong phim tuyên truyền. Chứ con người mới xã hội chủ nghĩa là phải lao động, lao động, lao động... mới cải tạo được thành người lương thiện. Cho nên ở nhà tù cải tạo chỉ có công việc duy nhất là lao động đủ mức khoán là thước đo duy nhất đánh giá sự tiến bộ của phạm nhân.
Thời bao cấp trại cải tạo chỉ chú trọng đến việc giam giữ tù nhân, lao động không nặng nề lắm, bởi thời cuộc lúc đó thì cũng chả có việc gì mà làm. Ngoài xã hội công nhân đi làm cũng vật vờ, có máy móc, có phát triển nhiều đâu mà có việc để làm. Sau này thời mở cửa từ năm 90 trở đi, xã hội mở mang tạo ra nhiều công việc, cần đến nhiều nguồn nhân lực xã hội. Người ta nhận thấy các tù nhân (gồm tù có án lẫn tù cải tạo) là một nguồn lao động khổng lồ đầy tiện lợi. Việc tái đầu tư vào lực lượng lao động này rất rẻ mạt, một năm chỉ 2 bộ quần áo, mỗi tháng mươi cân gạo, mươi cân rau và vài lạng thịt.
Ở trung tâm trại cải tạo người ta chỉ giữ lại một vài đội tù như đội bếp, đội vệ sinh, đội rau xanh, đội đan lát, mộc để làm cảnh cho các đoàn tham quan đến chiêm ngưỡng. Thường thì những tù cải tạo ở các đội rau xanh, đội vệ sinh là tù nhân mà gia đình đã lo lót hay có quan hệ. Những tù nhân này có điều kiện gia đình khá giả, lao động nhàn hạ, lại có đố tiếp tế nên họ sạch sẽ và có da có thịt hơn. Khách tham quan hay các đoàn công tác đến nhìn đều tấm tắc khen trại cải tạo chăm lo đời sống phạm nhân tốt....
Nhưng cuộc sống thật của trại cải tạo thì ở đằng xa hơn, cách đó vài cây số hoặc vài chục cây. Đó là những khu hay những đội lẻ. Nơi mà trại cải tạo nhận hợp đồng với những công ty, cá nhân bên ngoài để lấy việc cho tù nhân làm. Nếu những việc có thể gia công tại trại, thì nhận vật liệu về rồi làm xong thì chuyển lại cho cơ sở kinh doanh ở gần trại. Còn những viêc mà đối tác đòi hỏi phải làm tại nơi của họ thì trại cải tạo lập ra những đội tù lẻ, có quản giáo, lính gác đi kèm đến hiện trường làm việc. Trường hợp này thường là các lò gạch, bến phà, mỏ đá. Làm ở những nơi này thì tù nhân khổ nhất, vì lao đông nặng nhọc, mọi quyền hạn đều tất ở trong tay quản giáo và đám lính vũ trang. Quản giáo lại được doanh nghiệp thưởng thêm nếu đốc thúc tù làm đủ hay vượt năng suất. Quản giáo là người trực tiếp ký hợp đồng nhận việc với doanh nghiệp, với phía trại cải tạo thì quản giáo cũng nhận mức khoán trên đầu phạm nhân. Ví dụ quản giáo nhận 50 phạm nhân thì mỗi tháng nộp về trại 50 đồng. Còn chuyện quản giáo ký với doanh nghiệp về số lượng sản phẩm hoàn thành thu lại bao nhiêu , chênh lệch thế nào... thì là chuyện quản giáo với doanh nghiệp thuê lao động.
Tù có án và tù cải tạo ở chung với nhau, có mức sống và lao động như nhau. Tất cả đều ở trong hoàn cảnh cải tạo như vậy, cho nên nhiều tù cải tạo vẫn chửi một câu cửa miệng rằng:
- Đời có lắm thằng ngu, bố nó đi tù mà nó bảo là đi cải tạo!
Người Buôn Gió

No comments:

Post a Comment