Saturday, December 10, 2011

GIẢI THƯỞNG NHÂN QUYỀN

Ngày 10.12.2011     

Lời dẫn: Vào tháng qua, Mạng lưới Nhân quyền VN đã bầu chọn và quyết định trao giải thưởng nhân quyền năm nay cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Tương tự như mọi lần, các cái loa của đảng CSVN lập tức có bài chỉ trích và bôi xấu. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nhận định về các lời hằn học của một bồi bút của đảng, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Trong nhiều năm qua, mỗi khi các tổ chức nhân quyền quốc tế hay Việt Nam trao giải thưởng cho vài người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước, là mấy cái loa tuyên truyền của đảng lập tức được khởi động để chống đối, xuyên tạc và mỉa mai đủ thứ chuyện.

Lần này cũng thế, qua giải thưởng nhân quyền năm 2011 mà Mạng lưới Nhân quyền cho Việt Nam trao cho Tiến sĩ luật khoa Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Nhưng kỳ này đảng ta có lẽ kiếm không ra người nên chọn đại một tay lính tiên phuông, có bút danh là An Phú, bắn phát súng "nhỏ' trên tờ báo Công An Nhân Dân số ra ngày 30/10.
Gọi là "nhỏ" vì nội dung bài viết có tựa đề "Ý đồ xấu của việc trao giải nhân quyền 2011" nghe quá quen thuộc. Đại khái như những "kẻ cầm đầu bọn phản động nước ngoài" muốn lợi dụng lãnh vực nhân quyền để chống phá "nhà nước Việt Nam", bằng cách dụ dỗ những "kẻ xấu trong nước" để tiến hành chiến dịch "diễn biến hòa bình". Dĩ nhiên bài báo cũng nêu lên tên tuổi của những người mà tác giả gọi là phản động ở nước ngoài như các ông Nguyễn Thanh Trang, Nguyễn Ngọc Bích, Đoàn Việt Trung hay Đỗ Như Điện của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.
Nói một cách tóm tắt là nội dung của bài viết của ông An Phú quen thuộc đến độ người ta chỉ cần thay đổi tên tuổi và bản án tù của người nhận giải, tổ chức nào trao giải thưởng, và ngày tháng trao giải là đủ để lãnh tiền nhuận bút và được đảng xoa đầu khen thưởng. Nhưng dĩ nhiên là cách hành văn phải tỏ ra hằn học thì mới chứng tỏ được mình có "đảng tính" và có lập trường bảo vệ với chế độ đến cùng thì mới mong lọt được mắt xanh của đảng.
Thế nhưng tác giả An Phú đã không giấu nổi sự thèm thuồng khi hai lần nhắc đến số tiền 3000 Mỹ kim sẽ được trao tặng cho Tiến sĩ Hà Vũ và cô Minh Hạnh. Ông Phú nhắc đến số tiền này không dưới hai lần trong bài viết. Điều này cho thấy tư duy của những người cộng sản hiện nay, đặc biệt là trong đầu những tay bồi bút, chỉ quanh quẩn với chữ "tiền". Chữ tiền ám ảnh họ đến độ vu cáo người yêu nước đi biểu tình là vì được trả tiền, tương tự như đám dân phòng được công an trả tiền để kéo đến đập phá nhà thờ Thái Hà.
Nếu còn liêm sỉ thì họ phải nhận thức được rằng những số tiền đó, dù lớn đến độ nào, cũng không bù đắp được những mất mát và hy sinh của những người được trao giải thưởng đó. Giải Nobel Hòa Bình trao cho những người như ông Nelson Mandela, bà Aung San Suu Kyi hay ông Lưu Hiểu Ba có đủ bù đắp cho những năm tháng đọa đày của họ trong nhà tù của các chế độ bạo tàn hay không?
Chắc chắn là khi chấp nhận bước vào con đường tranh đấu, những người đó không hề nhắm đến những cái giải thưởng hay các số tiền đó. Điều mà họ nhắm đến là làm sao dẹp bỏ được những bất công trong xã hội, mang đến hạnh phúc và an lạc cho đồng bào mình. Họ cũng thừa biết là mình có thể bị bỏ tù, bị tra tấn hay bị thủ tiêu bất cứ lúc nào. Nhưng họ vẫn làm. Vì biết rõ một điều là mình đã làm đúng. Đúng với lương tâm và bổn phận của một con người, trước nỗi đau khổ của đồng loại.
Chính vì thế họ hơn xa những người khác và rất xứng đáng được vinh danh. Và quyền vinh danh hay tặng thưởng huy chương không phải là một đặc quyền của đảng cộng sản hay bất cứ một quốc gia nào. Xã hội loài người trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn là nhờ có những con người can đảm và đầy khí phách đó. Họ là những tấm gương sáng để cả nhân loại noi theo và học hỏi.
Chỉ có những kẻ thiển cận, hay bồi bút của chế độ, mới có lối lập luận rằng việc trao giải cho những tù nhân bị án tù là điều sai trái. Nếu thế thì tại sao đảng CSVN lại lên tiếng chúc mừng ông Nelson Mandela, người bị chính phủ Nam Phi kết án tù chung thân, sau khi ông nhận giải Nobel Hòa Bình?
Nếu so với Tiến sĩ Hà Vũ và cô Minh Hạnh thì tội danh của ông Mandela còn nặng hơn nhiều, vì có cả tội chủ trương vũ trang nổi dậy để lật đổ chế độ. Nhưng chính nhờ giải đó mà toàn thế giới mới biết đến sự hy sinh to lớn của ông trong cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho người da đen Nam Phi. Nó dẫn đến việc chế độ kỳ thị chủng tộc phải thương thuyết với ông Mandela để cải tổ xã hội nhằm chấm dứt các cuộc bạo loạn kéo dài mấy thập niên và tái thiết đất nước.
Chỉ với một cái giải nhỏ nhoi mà cả đảng đã lồng lộn lên. Nếu ủy ban Nobel Hòa Bình trao giải cho một nhà dân chủ Việt Nam thì không hiểu là sẽ có bao nhiêu bài viết hằn học như ông An Phú trên các loa tuyên truyền của đảng, nhất là khi giải thưởng này lên đến vài trăm ngàn Mỹ kim?
Nhưng dù có được trao giải hay không, thì tên tuổi của những người Việt dũng cảm đó cũng được khắc ghi trong lòng dân tộc. Họ là niềm hãnh diện của các thế hệ hôm nay và ngày mai!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment