Friday, December 16, 2011

TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ

Ngày 16.12.2011      

Lời dẫn: Vụ phá sản của tập đoàn Vinashin là nỗi đau nhức của cả đất nước, vì khả năng điều hành quá yếu kém nhưng đầy tham vọng của đảng cộng sản. Nhưng đau hơn nữa là đến giờ này vẫn không có một quan chức cao cấp nào bị kỷ luật hay từ chức để nhận trách nhiệm, thậm chí ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang cố gắng chối bỏ trách nhiệm của mình. Chúng tôi xin gửi đến quý thính bài quan điểm của LLDTCNTQ, với tựa đề "Trách nhiệm chính trị", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào tuần qua, dư luận trong và ngoài nước lại được dịp hiểu rõ thêm về ý thức trách nhiệm của giới quan chức VN qua lời than thở của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các tờ báo trang trọng đăng tải ở các trang nhất, liên quan đến việc phá sản đến 4 tỷ rưởi Mỹ kim của tập đoàn đóng tàu Vinashin.

Ông Dũng than vãn đó là một nỗi đau vì khi xảy ra chuyện này thì cuối cùng ông phải đứng ra nhận trách nhiệm, trong khi tập đoàn này có đến 6 cấp quản trị, chứ không phải chỉ có thủ tướng hay chính phủ. Ông Dũng nhấn mạnh là khi ông tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ phá sản thì đó là "trách nhiệm chính trị trong tư cách người đứng đầu chính phủ", chứ ông chưa bao giờ ra quyết định nào cho phép "Vinashin làm bậy" cả.
Nghe câu bào chữa này người ta cảm thấy choáng váng. Không ai hiểu nổi ý ông Dũng muốn nói gì khi dùng cụm chữ "trách nhiệm chính trị". Một chính khách mà không có trách nhiệm chính trị thì dấn thân vào chính trường để làm gì? Một thủ tướng mà không nhận trách nhiệm chính trị về sự thất thoát ngân sách lên đến hàng tỷ Mỹ kim thì không lẽ chức vụ đó được lập ra chí nhằm chứng tỏ là dân tộc mình cũng văn minh, chứ không phải là một bộ lạc man rợ sống trong rừng rậm ở châu Phi?
Cái choáng váng hơn nữa là ông Dũng nói rằng mình chưa khi ra quyết định nào cho phép Vinashin "làm bậy". Không lẽ ông Dũng từng ra quyết định cho phép một số tập đoàn khác làm bậy? Một ông thủ tướng mà thốt ra những lời lẽ như thế, thì chẳng trách gì các ông bà nghị sĩ quốc hội có những tuyên bố gây trò cười cho công luận.
Thế nhưng ông Dũng còn đưa ra một câu bào chữa ngô nghê hơn nữa, khi nói thêm là việc bổ nhiệm các giới chức cao cấp cầm đầu tập đoàn là do ban cán sự đảng quyết định, chứ không phải quyết định của cá nhân ông. Nhưng ban cán sự đảng là cái gì mà có quyền lực lớn như thế?
Xin thưa, đây là bộ phận sắp xếp mọi chiếc ghế quan trọng trong nội bộ đảng và guồng máy nhà nước. Nó là hậu thân của ban tổ chức đảng mà ông Lê Đức Thọ đã nắm giữ chức trưởng ban cho đến khi qua đời. Ban này là nơi quyết định con đường thăng quan tiến chức của mọi đảng viên. Chỉ một cái lắc đầu của ông Thọ là con đường tiến thân sẽ bị đứt đoạn ngay lập tức.
Và bây giờ thì ban này trở thành đầu mối của tệ nạn chạy chức chạy quyền, mà cái ghế bộ trưởng hay thứ trưởng có thể lên đến vài chục hay vài trăm tỷ đồng. Ai cũng biết về tệ nạn mua quan bán tước của chế độ, nhưng phải có người bán thì mới có người mua. Và người bán là ai, nếu không phải là những người đang nắm giữ quyền lực cao nhất nước, tức những ủy viên trong bộ chính trị, một cơ cấu siêu quyền lực của chế độ?
Ông Dũng là một ủy viên bộ chính trị thì không thể nói rằng quyết định bổ nhiệm của ban cán sự mà không hề có ý kiến của ông. Nhất là đối với một tập đoàn có tổng số vốn đầu tư lên đến vài tỷ Mỹ kim. Nhưng nếu đúng như lời ông Dũng biện hộ thì có đến 7 cấp quản trị trong tập đoàn Vinashin, chứ không phải là 6. Và cấp cao nhất có lẽ là ban cán sự đảng, vì đó là nơi quyết định bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Vinashin.
Điều đáng nói là khi vụ phá sản nổ ra, giới thanh tra cho biết là họ từng gửi hơn 10 báo cáo lên chính phủ về các hoạt động mờ ám của tập đoàn này. Không lẽ ông Dũng không đọc một báo cáo nào? Nếu có thì ông đã đưa ra những quyết định gì để phòng ngừa sự phá sàn đó? Nếu không thì rõ ràng là ông đã vô cùng tắc trách trong vai trò người lèo lái con thuyền của đất nước. Vinashin không thể lâm vào cảnh nợ nần chỉ trong một ngày một bữa, mà phải là sự tích lũy của nhiều năm tháng làm ăn thua lỗ và được bao che bởi những quan chức cao cấp.
Thật sự thì người ta cũng đoán được ý ông Dũng muốn nói rằng chính giới quan chức cao cấp đó, đặc biệt là bộ chính trị, phải gánh trách nhiệm chung về vụ phá sản này, chứ không thể trút hết mọi tội lỗi lên đầu ông, chỉ vì ông là người đứng đầu chính phủ. Nhưng tại sao không nói thẳng ra, mà phải nói vòng vo và ấm ớ như thế? Không lẽ ông Dũng tưởng rằng người dân Việt ngu xuẩn đến độ không biết chính cái đảng cộng sản của ông là nguyên nhân dẫn đến mọi phá sản trên đất nước hiện nay, từ lãnh vực giáo dục, y tế cho đến đạo đức?
Ông Nguyến Tấn Dũng có lẽ sẽ bào chữa là do cơ chế! Nhưng xin hỏi ông Dũng là ai đã đẻ ra cái cơ chế vô trách nhiệm đó?
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment